Quảng Cáo

Nói với người CSVN nhân 25 năm bang giao Việt – Mỹ

Quảng Cáo

nguyenngocgia’s blog

Hoa Kỳ và Việt Nam vừa trao thư chúc mừng lẫn nhau, nhân 25 năm thiết lập bang giao 11/7/1995 – 11/7/2020. Nhắc đến sự kiện này, không thể không đề cập nhân vật lịch sử: Võ Văn Kiệt.

Không biết lắng nghe thật tâm

Võ Văn Kiệt (1922 – 2008)  được biết như là người Cộng Sản chịu lắng nghe thật tâm những ý kiến trái chiều, thậm chí [1] ” ông Sáu luôn tôn trọng, lắng nghe, dù ý kiến của giới trí thức không phải lúc nào cũng đồng thuận, thuận chiều. Ông nói “nghe xuôi, nghe ngược, có khi nghe xốn cả lỗ tai” nhưng vẫn khuyến khích, cổ vũ những ý kiến tâm huyết… ” , như lời thuật của ông Phan Xuân Biên – Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy [2] kể với báo Tuổi Trẻ vào ngày 18 tháng Mười Một năm 2012 nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của ông Kiệt.

Võ Văn Kiệt không phải là “người Nam nói tiếng Bắc”, càng không phải “người Bắc có lý luận” nhưng ông ta vẫn được đánh giá cao trong việc góp phần đắc lực cho mối bang giao Việt – Mỹ được gầy dựng lại, sau khi bị gãy đổ hoàn toàn từ 1975.

“Thời đại” Võ Văn Kiệt, người CSVN cũng không tỏ ra sính hư danh “giáo sư – tiến sĩ”như sau này.

Chính từ mối bang giao Việt – Mỹ tái lập cùng với biết lắng nghe thật tâm như Võ Văn Kiệt, đã giúp Việt Nam tiến bộ hơn thấy rõ. Đó là điều không cần bàn cãi, bởi nhiều nguồn vốn đầu tư, vốn vay ưu đãi cùng với khoa học – kỹ thuật tân kỳ và công nghệ mới lạ ào ạt chảy vào từ đó.

Võ Văn Kiệt chiếm một số trang không ít trong “Bên Thắng Cuộc”, được nhà báo Huy Đức mô tả như là người vừa dám nghĩ – dám làm, vừa chịu lắng nghe – chịu trách nhiệm.

Dù được xuất bản từ tháng Mười Một năm 2012, cuốn sách đình đám một thời không được hậu bối của ông Kiệt… lắng nghe (!)

Chính vì biết lắng nghe thật tâm mà ông Kiệt có được niềm tin trong xã hội và đặc biệt là tầng lớp trí thức lúc bấy giờ.

Vì thế, thời Võ Văn Kiệt không cần phải [3] “… muốn trí thức lên tiếng … thì nền tư pháp phải hoạt động độc lập với chính quyền, với doanh nghiệp, với bất kỳ chủ thể nào của nhà nước. Tư pháp chỉ vận hành theo tôn chỉ đảm bảo quyền con người và lẽ công bằng. Và mọi công dân đều công bằng trước pháp luật…” như tiến sĩ – bác sĩ Trần Tuấn (người Mỹ gốc Việt) khuyên nhủ như thể là điều… mới lạ!

Tính từ Võ Văn Kiệt cho đến sau này, nói cho công bằng, không tìm thấy bất kỳ hậu bối Cộng Sản nào “dám” nghe ý kiến trái chiều một cách thật tâm như vậy. Đó cũng là cách giải thích thuyết phục đối với ngay những người Cộng Sản bảo thủ và giáo điều mà cho đến nay, họ vẫn dành cho ông Võ Văn Kiệt một sự trân trọng hiếm có so với những “tiền bối” Cộng Sản khác như: Lê Duẩn, Đỗ Mười, Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh v.v…

Vì ông Võ Văn Kiệt biết lắng nghe thật tâm nên đã tạo được niềm tin trong dân chúng, đặc biệt trong tầng lớp trí thức – Trí thức thật sự luôn luôn xem phản biện, tranh luận là bổn phận và trách nhiệm của họ để xã hội lành mạnh, đất nước tiến bộ.

Không còn niềm tin

Hai mươi lăm năm trôi qua, bang giao Việt – Mỹ vẫn gập ghềnh, khúc khuỷu.

Tầm kinh tế vĩ mô, tầm quản lý đất nước cứ thế mà trồi sụt theo từng sự kiện trong suốt những năm sau cấm vận.

Hàng hóa có nhiều hơn, có rẻ hơn, cuộc sống có dễ thở hơn, và người dân thì mừng vui khấp khởi…

Nhiều bạn bè tôi đã nói về những dự định làm ăn to lớn, những hoài bão khát khao cho cá nhân và góp chút gì đó cho đất nước.

Để bây giờ nhìn lại những hướng đi mới, những dự án táo bạo hầu hết là tiêu điều trong một đất nước vẫn… bế tắc!

Bất chấp những bộ luật ra đời hàng hà sa số, bất chấp lời kêu gọi “đoàn kết”, “cả hệ thống chính trị vào cuộc”, “cải cách tư pháp”, “xử lý nghiêm”, “đốt lò”, “chống tham nhũng không có vùng cấm” v.v… quen tai đến nhàm chán, Việt Nam cứ ì ạch lê bước! Dân oan không hề giảm đi! Xã hội suy đồi mọi mặt! Tham nhũng ngập tràn mọi ngóc ngách!…

Người CSVN không biến được hai sự kiện: Bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ và được làm thành viên chính thức WTO trở thành cơ hội lớn để phát triển.

Mới đó đã hai mươi lăm năm! Thời gian quả là nhanh như thoi đưa! Dù ai cũng biết câu thành ngữ “Thời giờ là vàng bạc” nhưng giới cầm quyền CSVN vẫn đang phung phí thời gian!

Tuy nhiên, điều đó không làm người ta ngạc nhiên, bởi với tư tưởng viển vông của Marx- Lenin, với cấu trúc chính trị độc đảng toàn trị, chính nó đã chống lại tất cả những gì tiến bộ và phù hợp với quy luật phát triển xã hội loài người.

Thật khó tin khi ông Trần Quốc Vượng khẳng định [4] “phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu”! Một thời quá vãng kinh hoàng và mọi người đều phải “đổ mồ hôi hột” khi nhắc lại  thảm cảnh nghèo đói lầm than – cái trạng ngữ một thời người CSVN ưa dùng để chụp mũ cho “đế quốc Mỹ” gieo rắc xuống miền Nam Việt Nam trước 1975.

Càng không thể tin được khi ông Phùng Hữu Phú cam đoan: “đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”và sự cam đoan này mang tính “phấn đấu” – tức là cố gắng lắm đến 2050… mới có. Tuy nhiên, điều nghịch lý lại ở chỗ, ông Phú không vẽ ra nổi “mặt mũi, hình hài” của cái gọi là “theo định hướng XHCN” (!).

Tạm kết

Báo Thanh Niên giật tựa “25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ: Việt Nam và Mỹ là bạn bè chân thành” trong cuộc phỏng vấn Đại sứ Daniel Kritenbrink vào ngày 11 tháng Bảy năm 2020.

Không biết lắng nghe thật tâm và không có lòng tin, làm sao trở thành “bạn bè chân thành” được nhỉ (?).

Một người “bạn chân thành” cũng không nên phát biểu hớ hênh và hàm hồ như ông Nguyễn Xuân Phúc với “cột điện có chân” cũng từ Mỹ chạy về Việt Nam, trong lúc dịch virus Vũ Hán hoành hành dữ dội tại Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung.

Chắc hẳn, người CSVN cũng nên định nghĩa cho rõ “bạn bè chân thành” nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ – Việt Nam./.

________________

Nguyễn Ngọc Già

[1] https://tuoitre.vn/tha-mat-chuc-ma-dan-no-520902.htm

[2] http://thuymyrfi.blogspot.com/2013/12/ts-pham-chi-dung-ang-lam-sao-co-ha…. Phan Xuân Biên là người mà nhà báo Phạm Chí Dũng (đang ở tù) đã viết: “… ông Phan Xuân Biên, nguyên trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, một đảng viên cao cấp cùng sinh hoạt trong đảng ủy Viện Nghiên cứu Phát triển, đã mở đầu cuộc “đấu tố” tôi bằng đánh giá cho rằng bức tâm tư từ bỏ đảng mà tôi đã “phát tán” lên mạng Internet và báo đài phương Tây là “lăng nhăng lít nhít”….”

[3] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53365316

[4] https://thanhnien.vn/thoi-su/bo-chinh-tri-phat-trien-kinh-te-tap-the-hop…

[5] https://thanhnien.vn/thoi-su/qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bao-lau-co-may-…

[6] https://thanhnien.vn/thoi-su/25-nam-thiet-lap-quan-he-ngoai-giao-viet-na…

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux