Tân Phong – Việt Tân
Hôm 10 tháng Bảy, Tổng Cục Thống Kê Việt Nam (GSO) công bố số lượng người lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi dịch bệnh cúm Tàu là 30,8 triệu người trong 6 tháng đầu năm.
Trong số đó, 897.500 người bị thất nghiệp và 1,2 triệu người thuộc diện “nằm ngoài lực lượng lao động” tức là “tạm nghỉ việc không lương vô thời hạn.” 57,3% trong số 30,8 triệu lao động bị giảm đáng kể thu nhập (525.000 đồng so với quí trước và 279.000 đồng so với cùng kỳ). Khu vực bị ảnh hưởng lớn nhất là nhóm ngành công nghiệp và chế biến với ghi nhận 324.000 lao động bị cắt giảm và ngành dịch vụ với 72% lao động bị ảnh hưởng.
Con số này thậm chí gây sốc đối với những người đã có những nhận định bị coi là “bi quan” nhất về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và mối lo ngại về tình trạng thất nghiệp tăng cao. Tuy vậy, con số này khá hợp logic với nhận định của Ban Kinh Tế Tư Nhân Trung Ương vào cuối tháng Ba, 2020 là “74% doanh nghiệp tư nhân sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài quá 6 tháng.”
Chỉ riêng tuần đầu của tháng Bảy, 2020, TP.HCM đã chứng kiến hàng loạt các công ty lớn nhất sa thải hàng vạn công nhân lâu năm vì không có việc làm. Điển hình là “đại gia” trong ngành da giày may mặc Pouchen đã phải cắt giảm thêm 6.000 người sớm hơn so với dự kiến 3 tháng. Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ Trưởng Thống Kê Dân Số và Lao Động Việt Nam, cho biết khả năng 5 triệu người mất việc vào cuối năm không phải không thể xảy ra. (Người viết bài này vào tháng Tư, 2020 cũng đã đưa ra con số thất nghiệp vào khoảng 4 triệu và 10 triệu người bị mất 50% thu nhập.)
Ngày 29 tháng Sáu vừa qua, GSO ghi nhận mức tăng trưởng GDP hai quí đầu năm 2020 là 1,81%. Con số tăng trưởng này được cho là mức tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm qua theo lời của ông Dương Minh Hùng, Vụ Trưởng Vụ Hệ Thống Tài Khoản Quốc Gia, Tổng Cục Thống Kê Việt Nam cho biết. Tuy vậy, nếu so sánh với rất nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới đang chịu cùng “kiếp nạn” cúm Tàu, thì đó vẫn còn là một trong những con số tăng trưởng được cho là khả dĩ nhất.
Tuy vậy, những con số thống kê của các nhà nước chuyên chế cộng sản thì rất khó kiểm chứng. Ở chừng mực nào đó, con số tăng trưởng 1,81% này có thể dùng để tham khảo tương đối vì nó cũng phù hợp với logic là hiện nay Việt Nam là quốc gia vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng phải nhắc lại rằng Việt Nam là một nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc cả về “đầu vào” của nền kinh tế là nguyên liệu, trang thiết bị, phụ kiện mà còn cả “đầu ra” thị trường. Do đó, kinh tế Việt Nam chịu “ảnh hưởng kép” cả dịch bệnh và cuộc thương chiến Mỹ-Trung.
Các số liệu và báo cáo kinh tế của các tỉnh thành cho thấy rõ thêm sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam. Đà Nẵng –thủ phủ miền Trung Nam Bộ, là thành phố có hạ tầng tốt nhất và tăng trưởng mạnh nhiều thập niên vừa qua, lần đầu tiên đã chứng kiến mức tăng trưởng âm kể từ 1991 đến nay. Trong khi Hà Nội và TP.HCM đang loay hoay chỉnh sửa số liệu thì có lẽ Đà Nẵng đã có một bản báo cáo trung thực và phản ánh đúng thực trạng của thành phố.
Trong báo cáo tăng trưởng GDP của hai quí đầu năm, GSO công bố những con số tăng trưởng nhẹ ở hầu hết các khu vực và tuyên bố nền kinh tế đang hồi phục. Nhưng nếu nhìn vào các “trụ cột” như khai thác tài nguyên thô dầu khí, gia công lắp ráp, may mặc da giày, điện tử, bất động sản và xây dựng, du lịch dịch vụ …thì lại cho thấy một bức tranh “xám” hơn nhiều. Những “đầu tàu kinh tế” lớn nhất như TP.HCM vẫn đang chứng kiến mức suy giảm chưa từng có và tiến gần tới một cuộc khủng hoảng an sinh xã hội cận kề.
Những biểu tượng thương mại năng động nhất thành phố như chợ Bến Thành, chợ An Đông… vẫn chết lâm sàng khi hầu hết giới tiểu thương vẫn đóng cửa, treo biển sang kiot. Đây là điều chưa từng xảy ra trong suốt hàng trăm năm lịch sử hình thành và phát triển các trung tâm buôn bán truyền thống này.
Còn ở đầu kia của đất nước là Hà Nội, khu vực kinh tế “nuốt” tới 80% nguồn vốn đầu tư xã hội là bất động sản đang chứng kiến mức suy giảm thảm hại không kém. Đã hết quí II, dù ghi nhận có sự phục hồi nhẹ, nhưng lượng bán hàng chỉ đạt 50% tức là cứ 2 căn hộ xây mới chỉ bán được một căn.
Kết quả điều tra khảo sát trên 126.500 doanh nghiệp của GSO (từ ngày 10/4 đến 20/4/2020) để đánh giá tác động của Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cho thấy, trên 91% doanh nghiệp có quy mô vừa, 89,7% doanh nghiệp nhỏ và trên 82% siêu nhỏ cho biết là bị “tác động tiêu cực.”
Trong hai quí đầu năm 2020, ghi nhận có tới 29.200 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh và 7.400 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2019. Dù GSO viện dẫn con số doanh nghiệp đăng ký mới, số vốn đăng ký mới vẫn tăng nhưng phải hiểu rằng những “xác chết” của các doanh nghiệp mới là con số thật còn những con số “đăng ký mới” thì có trời mới biết được là bao nhiêu trong số những doanh nghiệp đó sẽ có hoạt động và bỏ vốn đầu tư thực. Đó là một trong những “đặc thù” của nền kinh tế “ảo luôn lớn hơn thật” của Việt Nam.
Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ Trưởng Vụ Thống Kê Công Nghiệp cho biết tình trạng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ có nguy cơ “khai tử” hàng loạt vì cạn kiệt nguồn vốn do dịch bệnh kéo dài khiến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào bị thiếu hụt, doanh thu giảm, nên thiếu nguồn tài chính để duy trì hoạt động cũng như để thanh toán các khoản nợ, thậm chí là thanh toán lương cho người lao động. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại không hạ tiêu chuẩn cho vay khiến doanh nghiệp nhỏ không tiếp cận được. Để ngăn chặn tình trạng làn sóng các doanh nghiệp “một đi không trở lại” thì cần triển khai đồng loạt các chính sách hỗ trợ theo Luật Hỗ Trợ Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ; sử dụng có hiệu quả Quỹ Hỗ Trợ và Phát Triển Doanh Nghiệp, Quỹ Bảo Lãnh Tín Dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để giải quyết bài toán thế chấp tài sản khi khu vực doanh nghiệp này vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam phải quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy mạnh hơn nữa tiến độ đầu tư công. Khi vốn đầu tư công được giải phóng sẽ trở thành lực kéo doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nền kinh tế.
Điều đáng ghi nhận là giới chức CSVN bắt đầu có khuynh hướng nhìn nhận đúng thực trạng, đánh giá khách quan các nguyên nhân và cố gắng tìm giải pháp khả thi. Tuy vậy, việc nhìn nhận ra các rủi ro chết người và tìm kiếm giải pháp hoàn toàn khác xa với khả năng thực thi những giải pháp cứu cánh. Một hệ thống kinh tế tư bản hoang dã được dẫn dắt bởi các nhóm lợi ích chính trị chằng chịt được biết đến với cái tên “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” luôn luôn bóp méo các chính sách công ích, sẽ nhanh chóng vô hiệu hóa mọi chính sách “chỉ đẹp trên giấy.”
Trong một phát ngôn mới đây nhất của ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc với báo giới cho biết hiện chính phủ Việt Nam “có sẵn 30 tỷ USD chỉ chờ giải ngân” và khiển trách sự chậm chạp trong việc “tiêu tiền” của các tỉnh thành. Thông tin này đối với những người ngây thơ thì chẳng khác nào tin vào lời của Tào Tháo “rừng mơ ở phía trước” trong lúc khát cháy cổ. Nhưng với giới doanh nghiệp tư nhân từng trải thì chỉ biết nhếch mép cười ruồi với nhau.
Những “chiên da” kinh tế của CSVN chịu ảnh hưởng của hai trường phái kinh tế là Marxism và Keynesianism, đang tin rằng việc thúc đẩy đầu tư công sẽ có tác động tích cực tới sự tăng trưởng tổng cầu kinh tế thông qua một phương trình giản đơn:
Y (tổng cầu) = C (tiêu dùng cá nhân) + I (đầu tư tư nhân) + G (đầu tư công) + X (xuất khẩu) – M (nhập khẩu)
Chưa biết 700.000 tỷ đồng là con số mà ông Phúc lấy từ đâu hay từ mớ tiền vừa in xong và tống vào nền kinh tế từ đầu năm tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, theo những gì được biết thì khối ngân hàng thương mại đang “bội thực” tiền đồng và mức giải ngân cho vay rất chậm. Cuối tháng Năm, 2020, tín dụng chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019, thấp xa con số 5,74% cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng có tăng trưởng tín dụng âm. Ngược lại, huy động vẫn tăng trưởng cao hơn.
Cũng theo số liệu của ngân hàng Nhà nước, tính từ đầu năm đến ngày 20 tháng Năm, số tiền huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của các ngân hàng ước đạt khoảng 162.700 tỷ đồng, bình quân đạt hơn 1.160 tỷ/ngày. Trong khi cho vay, chỉ đạt khoảng 108.200 tỷ, tương đương 773 tỷ mỗi ngày. Tại nhiều địa phương, có hiện tượng dư thừa nguồn vốn, huy động nhiều hơn cho vay.
Thay vì nền kinh tế cần tiền để hồi phục thì thực tế cho thấy chiều nghịch đảo của dòng vốn. Một động thái còn kỳ lạ hơn nữa là khối ngân hàng thương mại thi nhau phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong khi “thừa mứa tiền gửi.” Chẳng biết có bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực sự cần từng đồng vốn trong lúc này tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng nhưng rõ ràng rất nhiều kẻ đang thừa mứa tiền tới mức không biết làm gì ngoài việc đem gửi tài khoản và đổ vào cuộc cờ bạc vô tiền khoáng hậu “chứng khoán.”
Dòng vốn khổng lồ được ghi nhận đang đổ vào sân chơi đỏ đen VN Index để làm đẹp cho bản báo cáo kinh tế của ông Nguyễn Xuân Phúc. Và như vậy, cũng giống như câu chuyện “gói cứu trợ 63.000 tỷ đồng” và thịt lợn rẻ chỉ có trên tivi, những doanh nghiệp chân chính sẽ “một đi không trở lại” và những doanh nghiệp sân sau của quan chức CSVN thì sẽ giàu có khủng khiếp sau cuộc “bơm tiền” hoành tráng này. Đó là một thảm trạng cho nền kinh tế Việt Nam và là bữa tiệc no nê máu thịt của bầy “kền kền Đỏ.”
Tân Phong
Leave a Comment