Hình ảnh được lan toả, ngày hôm qua, là một em học sinh ngồi chơ vơ không có giấy khen, trong khi hầu hết tất cả các học sinh khác đều có giấy khen khoe trước lớp. Đây là câu chuyện không mới, nhưng cũng lại không đơn giản chỉ là chuyện tờ giấy khen cuối kỳ của học sinh, mà phía sau đó, là chuyện thành tích, có liên quan đến nét “văn hoá, bản sắc” dân tộc.
Việc bỏ hay không bỏ tờ giấy khen thành tích học tập dành cho học sinh sau mỗi học kỳ/ mỗi năm học, có lẽ sẽ vẫn là một chủ đề không hề đơn giản để bàn thảo và đi đến kết luận cuối cùng, bởi BỆNH THÀNH TÍCH đã ăn sâu, thấm vào máu thịt của người Việt Nam, trở thành một ‘nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc’, không dễ dàng xoá bỏ. Người ta sẽ cho rằng, có bằng khen, giấy khen, có thành tích mới khích lệ được học sinh phấn đấu học tập rèn luyện cho “bằng chúng bằng bạn”.
Quan sát sẽ thấy, trong xã hội Việt Nam, từ người lớn đến trẻ nhỏ, người ta luôn phấn đấu bằng nhiều con đường, để sao cho mình phải ‘được như người ta’/ “người ta sao mình vậy”, từ những việc nhỏ như sở hữu chiếc xe máy (Ví dụ: cả làng đi xe tay ga, nhà mình cũng phấn đấu mua cái xe tay ga, nếu không thì thiên hạ người ta khinh), đến việc dựng vợ gả chồng (đám cưới phải “hoành tráng hết mức có thể” để “bằng chúng bằng bạn”), tất cả đều phải có sự ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT. Ở cấp độ nhà nước, chúng ta vẫn luôn thấy những khẩu hiệu như: THI ĐUA PHẤN ĐẤU LẬP THÀNH TÍCH NHÂN NGÀY… Các phong trào thi đua luôn được dựng lên ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương từ thành thị đến nông thôn…Nhà nhà thi đua, người người phấn đấu!
Đó là câu chuyện của ta.
Còn đây là câu chuyện của xứ tư bản, xảy ra ở Mỹ.
Tại một tiết dạy có giảng viên (cố vấn) của trường ngồi dự, sau khi mình trình chiếu một bài làm mẫu lên màn hình trong phần chữa bài tập cho sinh viên, tới buổi họp để đánh giá tiết dạy, bà cố vấn hỏi mình là bài làm mẫu đó có phải của sinh viên trong lớp hay không. Bà ấy cũng hỏi liệu mình có biết nguyên tắc dạy học ở Mỹ là không được phép đọc bài của sinh viên trước lớp, không được công bố thành tích học tập, dù là khen một sinh viên nào đó trên lớp hay không? Tất nhiên mình trả lời bà ấy là mình có biết tất cả những chuyện này, bài làm mẫu kia là do mình tự viết ra, căn cứ vào đó để hướng dẫn và chấm điểm cho sinh viên…
Ở Mỹ, thành tích học tập của một sinh viên thì chỉ có giảng viên và sinh viên đó biết. Giảng viên không bao giờ được tiết lộ bất kỳ thông tin nào về điểm số cũng như thông tin cá nhân của sinh viên (ngoại trừ tên gọi trên lớp). Ngay cả đối với những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, như chậm phát triển trí tuệ, có khó khăn về đọc hiểu, hay bất kỳ một vấn đề gì đặc biệt về cơ thể…, cần có sự hỗ trợ, cần được phụ đạo thêm, làm bài thi phải ngồi phòng thi riêng….thì cũng hoàn toàn được giữ bí mật, chỉ có giảng viên và sinh viên đó biết. Mỗi kỳ học bắt đầu, nhà trường sẽ gửi thông báo đến giảng viên về những trường hợp đặc biệt, trong đó, sẽ ghi rõ cụ thể về việc sinh viên đó cần phải được hỗ trợ những gì. Mặc dù vẫn ngồi học chung với tất cả các sinh viên bình thường khác, nhưng đến khi làm bài kiểm tra (bài thi), sinh viên đặc biệt đó sẽ rời khỏi lớp để đến Trung tâm khảo thí của trường làm bài, mà các sinh viên khác trong lớp sẽ không biết. Tất nhiên là giảng viên cũng không được phép nhắc nhở hay nói to trước lớp về trường hợp sinh viên đặc biệt này. Cứ như thế, tất cả sinh viên đều cảm thấy thoải mái khi học chung với nhau một lớp, không ai bị áp lực mình kém bạn, không ai phải phấn đấu để khỏi bị “thua kém bạn bè”. Điều áp lực duy nhất khiến sinh viên phải cố gắng phấn đấu là để đạt thành tích theo kế hoạch, dự định, mong đợi của riêng bản thân, chứ không phải để so sánh với bất kỳ ai, để giống ai hay để hơn ai. Theo đó, các trường học của Mỹ, ngày đầu khai giảng hay ngày tổng kết năm học, người ta không tìm thấy các khẩu hiệu phấn đấu thi đua hay tổng kết thành tích năm học.
Thế nên, người Mỹ cứ mỗi người một vẻ, không ai có áp lực phải nghe theo ai, không ai phải học tập và làm theo gương của ông/bà nào.
Leave a Comment