Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có quyền tự hào vì kết quả 6 tháng đầu năm thế giới tăng trưởng âm nhưng Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng dương, dù rất thấp.
Hai cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây, khủng hoảng tài chính Thái Lan năm 1997, khủng hoảng ngân hàng địa ốc Mỹ năm 2007 làm kinh tế thế giới lao đao, lắm kẻ lên bờ xuống ruộng… Song chỉ là muỗi so với đại dịch cúm Tàu hiện nay.
Có thể nói, từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929-1933 dẫn đến việc ra đời Đức Quốc Xã và Thế Chiến II làm tan nát và tan thương nhân loại đến nay, thế giới trải qua rất nhiều cuộc khủng hoảng lớn nhỏ khác nhau theo quy luật thịnh suy của kinh tế thị trường. Song ngoài cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 được xếp hạng đại khủng hoảng, từ bấy đến nay chưa có lần khủng hoảng kinh tế thế giới nào được xếp hạng như vậy. Nhưng có lẽ dịch cúm Tàu đã làm được điều đó, nó không chỉ làm kinh tế thế giới lao dốc (tăng trưởng âm), mà còn tạo ra một nhà nước phát xít Trung Cộng nhe nanh múa vuốt biến đại khủng hoảng cúm Tàu thành cơ hội xâm lăng thế giới y chang nhà nước phát xít Đức hồi thập niên 30 thế kỷ trước. Hiện tàu chiến của phát xít Trung Cộng đang ngang tàng ngạo mạn xâm lược Biển Đông, uy hiếp biển đảo Việt Nam và các lân bang là một minh chứng.
Nói thế để thấy rằng, trong vòng xoáy đại khủng hoảng cúm Tàu, chẳng nước nào có thể thành công nước đôi, vừa ngăn chặn được dịch cúm vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, được này mất kia, không khéo mất cả hai. Và cũng chẳng nước nào có thể chủ động tạo tăng trưởng, vì phải phụ thuộc lẫn nhau trong thời đại toàn cầu hóa hôm nay. Tỉ như Việt Nam kiểm soát được dịch cúm Tàu khá sớm, song cũng đành chịu nhìn chiếc xe kinh tế mà thủ tướng Phúc ví von là chiếc xe tam mã chạy theo vòng xoáy đại dịch cúm Tàu, anh xà ích Nguyễn Xuân Phúc không tài nào điều khiển dây cương theo ý mình. Bởi như lời ông bộ trưởng bộ lao động thương binh xã hội Đào Ngọc Dung thì, đại dịch cúm Tàu làm các doanh nghiệp Việt Nam không xuất khẩu được hàng, và nếu có xuất khẩu được thì cũng không có nguyên liệu để làm hàng do chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Ông Dung còn cho rằng đến cuối quý III nạn thất nghiệp mới gay gắt, dù hiện tại đã có gần 8 triệu người mất việc, nghỉ việc luân phiên, và khoảng 17 triệu người bị ảnh hưởng vì giảm thu nhập.
Một nước đang phát triển như Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP dưới 6%/năm là đã oải rồi. Vậy mà nay tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm là 1,81% thì thật thê thảm. Bởi quý II GDP chỉ đạt 0,36%, thấp hơn tiên liệu xấu nhất của các quan chức Việt Nam. Với tình trạng đại suy thoái thế giới hiện tại, thì 6 tháng cuối năm chưa có gì sáng sủa, nên quyết tâm tăng GDP trong năm nay từ 3-4% của thủ tướng thật là khó nói.
Theo các quan chức Việt Nam thì với GDP tăng 1,81% chỉ bằng 1/2 tăng trưởng GDP năm 1986 làm giật mình nhớ lại thời sắn khoai.
Bởi năm 1986 là năm đại hội đảng lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam với chủ trương đổi mới. Khi ấy thì chủ đề đổi mới hay là chết được bàn luận nhiều, nên năm 1986 được xem là năm đỉnh điểm của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, còn gọi khác là thời bao cấp, thời sắn khoai không đủ no lòng, sẽ được đại hội VI bãi bỏ sau đó để đổi mới.
Dù năm 1986 bắt đầu đổi mới, song độ trễ của nó phải qua năm 1987 mới có kết quả tăng trưởng GDP tương đối, nghĩa là GDP năm 1986 vẫn còn nguyên sắn khoai. Vậy mà tăng trưởng GDP năm ấy gấp đôi tăng GDP 6 tháng đầu năm nay thì… Nửa năm qua thu nhập của người dân còn tệ hơn thời khoai sắn. Có khác chăng là sau hơn 30 năm đổi mới, người dân ít nhiều có tích lũy, nên 6 tháng qua họ ăn vào tích lũy đó giống như thằng lằn ăn đuôi để sống nên tạm thời chưa thấy mùi sắn khoai. Nếu từ đây đến cuối năm mà tình hình kinh tế không cãi thiện, vẫn dậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi, thì có khi sẽ nhìn thấy sắn khoai trên bàn ăn.
Đó là lý do thôi thúc thủ tướng phải tuyên bố, nhiệm vụ phát triển kinh tế hiện nay còn cấp bách hơn phòng chống dịch, và đang tìm cách cho chiếc xe kinh tế tam mã tiến lên :
– Nhất mã kéo xuất khẩu: Liệu có kéo được như mong muốn không khi thế giới, đặc biệt là hai thị trường chủ lực mang về thặng dư mậu dịch khổng lồ cho Việt Nam là Mỹ và EU đang bị cúm Tàu làm tê liệt, và đang điên đảo đối phó với dịch cúm Tàu tấn công lượt về ?
– Nhị mã kéo đầu tư: Liệu có kéo nổi đầu tư khi vốn FDI giảm, các doanh nghiệp gặp khó khăn không thể gia tăng đầu tư, chỉ duy nhất nguồn đầu tư công là phù hợp lúc này, thì ngay cả vốn đối ứng để giải ngân gần 30 tỷ USD vốn ODA cho đầu tư công mà các địa phương, ban ngành cũng không huy động được thì khai thông thế nào, hay dùng củi đậu nấu đậu, tức mượn vốn ODA làm vốn đối ứng? Nếu vậy phải sửa luật?
Tiếc là đầu tư vốn ODA cho công ích thì chậm chạp, vướng víu không giải ngân được dù nguồn vốn khổng lồ ODA 30 tỷ USD đang ứ đọng lâu nay chờ giải ngân. Nhưng đầu tư vào việc không sinh lời, chưa cần thiết như tượng đài, cổng chào, kỵ binh v.v… Thì mau mắn.
– Tam mã kéo kích cầu: liệu kích cầu tốt không khi đầu tư công khó triễn khai vì vướng… khó giải ngân vốn ODA ? Gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ của chính phủ triễn khai quá chậm chạp? Số lao động mất việc lên đỉnh điểm vào cuối quý III sẽ làm giảm thêm sức mua?
Tóm lại, nếu tình hình ngăn chặn đại dịch cúm Tàu trên thế giới không khả quan, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục lún sâu vào đại suy thoái, thì ông xà ích Nguyễn Xuân Phúc có tài giỏi đến đâu cũng không thể điều khiển dây cương chiếc xe tam mã theo ý mình, nên nếu phải đưa khoai sắn trở lại bàn ăn thì cũng là chuyện bình thường, ráng mà ăn vậy.
Tuy nhiên hi vọng vào dự đoán kinh tế thế giới năm nay không đến nỗi nào của IMF, WB… Để kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng GDP từ 3-4% như ông xà ích Nguyễn Xuân Phúc hạ quyết tâm, để khoai sắn không trở lại bàn ăn./.
Leave a Comment