Nguyễn Vũ Bình – RFA
Cụ Nguyễn Thế Đàm (1933-2020) mới rời khỏi dương thế hôm 25/6 vừa qua, là một người đấu tranh dân chủ thế hệ đầu của miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Thân thế và sự nghiệp của Cụ đã được chị Nguyễn Thúy Hạnh viết bài khắc họa tương đối rõ, thông qua chia sẻ của gia đình Cụ.
Là một người trẻ tuổi, khi tham gia vào phong trào dân chủ, tôi may mắn được gặp và được cụ Nguyễn Thế Đàm quý mến, tin tưởng. Kỷ niệm của hai chú cháu không nhiều, nhưng tôi nhớ nhất năm 2002, khi tôi bị quản chế “miệng” sau khi gửi Bản Điều trần về tình trạng Nhân quyền Việt Nam tới Quốc hội Hoa Kỳ (tháng 7/2002) và sau hai tuần làm việc liên tục với sở công an Hà Nội. Thời điểm đó, cụ Trần Độ qua đời (09/8/2002), tôi biết thông tin nhưng không thể tới với gia đình cụ Trần Độ và các cụ dân chủ được. Các cụ đã quan tâm và cụ Nguyễn Thế Đàm có tới nhà tôi, nói sẽ chuẩn bị để cùng tôi đi viếng cụ Trần Độ. Tôi có thông báo với mấy người an ninh canh nhà, tôi sẽ đi viếng cụ Trần Độ. Sau đó, họ có trả lời, tôi có thể đi viếng cụ Trần Độ, nhưng viếng xong rồi về.
Khi tôi tới đám tang cụ Trần Độ, tất nhiên là luôn có 2-4 nhân viên mật vụ đi cùng, tôi đã gặp các cụ rất đông, đầy đủ. Cụ Nguyễn Thế Đàm đã làm sẵn một bức trướng rất to chỉ ghi 4 chữ TRÍ DŨNG VÌ DÂN. Cụ Đàm nói, chú và cháu sẽ vào viếng ông Trần Độ. Chắc là an ninh không muốn để tôi ở đám tang lâu, nên một lúc sau tôi đã thấy loa gọi ông Nguyễn Thế Đàm và cháu Nguyễn Vũ Bình vào viếng ông Trần Độ. Hai chú cháu đã vào viếng cụ Trần Độ với bức trướng rất hoành tráng, ý nghĩa. Sau đó, an ninh thúc tôi về ngay, tôi đành chào các cụ để ra về. Tôi bị bắt giam, khởi tố trước 49 ngày cụ Trần Độ một hôm (25/9/2002).
Có nhiều câu chuyện nhỏ cụ Nguyễn Thế Đàm chia sẻ với tôi, nhưng ý nghĩa thì rất lớn, ít nhất đối với cá nhân tôi. Cụ làm liên lạc viên cho thành ủy Hà Nội vào thời điểm năm 1945-1946 có nhiều sự kiện Cụ kể thật ý nghĩa. Cụ kể rằng, khi họp xong quốc hội 1946, mấy cán bộ cao cấp ở thành ủy có nói chuyện với nhau mà cụ nghe được. Đó là họ đã phàn nàn và tiếc rẻ vì đã không đưa được chi tiết sở hữu toàn dân về đất đai vào trong hiến pháp 1946! Thật là chi tiết thú vị và đắt giá!
Chúng ta đã từng nghe, từng thấy nhiều người ca ngợi Hiến pháp 1946 với ý nghĩa đảng cộng sản thời điểm đó có những quan điểm rất đúng đắn, chuẩn xác về các vấn đề, thể hiện thông qua bản hiến pháp. Tất nhiên quốc hội khi đó có cả những đảng phái khác tham gia, nhưng đảng cộng sản vẫn ở thế áp đảo. Chi tiết cụ Nguyễn Thế Đàm kể đã tố cáo việc ra bản Hiến Pháp đó cũng là được đảng cộng sản miễn cưỡng tán thành, do không thể đưa được các quan điểm của mình vào trong hiến pháp khi đó. Sau này khi quốc hội chỉ còn đảng viên cộng sản, ngay lập tức sở hữu toàn dân về đất đai được đưa vào hiến pháp. Và tác hại của điều luật này đối với người dân, không nói ra nhưng ai ai cũng đã biết.
Một câu chuyện nhỏ nữa cụ Đàm kể, đó là trong buổi học về chính trị, một cán bộ cao cấp đã dạy các đảng viên, học viên rằng, cần phải quyền biến, giống như bác Hồ đã quyền biến, lấy cuốn Nhật Ký Trong Tù của ông Hầu Chí Minh làm thành của mình để tuyên truyền cho nhân dân. Và từ đó, cụ Nguyễn Thế Đàm biết cuốn Nhật Ký Trong Tù là của ông Hầu Chí Minh chứ không phải của Hồ Chí Minh.
Khi xảy ra vụ Ôn Như Hầu, cụ Nguyễn Thế Đàm kể rằng, hôm đó Cụ nghe thấy dân tình xôn xao đồn đại, Cụ cũng ở gần đó định chạy tới xem. Một lãnh đạo ở thành ủy đã hỏi, đi đâu đấy. Cụ nói đi ra phố Ôn Như Hầu xem có việc gì. Người lãnh đạo đó nói, ở nhà đi, có mấy cái xác ở nhà xác Bạch mai, có gì mà xem. Cụ Đàm nói rằng, Cụ đã hiểu ngay cộng sản lấy xác ở bệnh viện Bạch Mai rồi vu vạ cho Quốc Dân Đảng. Cụ còn kể rằng, sau này gặp lại ông Lê Giản, tao hỏi ông ấy về mấy cái xác ở bệnh viện Bạch Mai có đúng không, ông Lê Giản không trả lời mà chỉ cười trừ.
Một chuyện nữa rất buồn và buồn cười mà Cụ Đàm đã kể cho tôi nghe. Nhà Cụ có mấy anh em trai, người anh cả của Cụ cũng đi hoạt động, và làm trong ngành công an. Khi khai lý lịch, ông anh cả đã rất khôn ngoan khai thành phần gia đình bần cố nông, sau này lên tới chức Phó ty công an thời những năm 50-60, và sau đó chuyển ngành cũng làm rất to. Còn ông em trai út, tức là cụ Đàm thật thà khai thành phần gia đình địa chủ, thì không được tốt nghiệp đại học Bách Khoa, và cộng thêm cá tính, tất nhiên là không thể tiến thân, mà còn bị hành hạ, sách nhiễu suốt cuộc đời.
Cuối đời, cụ Nguyễn Thế Đàm rất thương dân oan và trăn trở một việc. Cụ có một sáng chế mà do đấu tranh dân chủ, phải mất 5 năm mới được nhà nước cấp bằng. Đó là sáng chế về chiếc quạt gió tạo ra điện. Chiếc quạt gió của cụ Đàm sáng chế có ưu thế hơn quạt gió tạo ra điện mà chúng ta thấy ở các bờ biển, đó là nguyên vật liệu giảm được một nửa, nhưng điện tạo ra cao gấp đôi so với quạt gió ở bờ biển. Nhưng quan trọng hơn cả, quạt gió tạo ra điện của Cụ Đàm có thể lắp đặt, sử dụng ở quy mô hộ gia đình, để ngay trên nóc nhà, với gió hiu hiu cũng có thể tạo ra điện. Cụ có tâm sự rằng, cụ muốn bán bằng sáng chế này, được bao nhiêu tặng hết tiền cho dân oan. Tiếc là cuối cùng Cụ đã không thực hiện được ý nguyện của mình.
Được quen biết và giao lưu với cụ Nguyễn Thế Đàm là may mắn của tôi. Cả cuộc đời Cụ rất trong sáng, thương người dân lam lũ, oan khuất. Cụ lại là người có nhiều nét cá tính độc đáo, chứng kiến nhiều điều bất thường trong cuộc sống nên cả cuộc đời Cụ rất chìm nổi, phải vượt nhiều điều gian khó, chông gai. Cầu mong Cụ Nguyễn Thế Đàm được yên nghỉ vĩnh hằng./.
Hà Nội, ngày 08/7/2020
N.V.B
Leave a Comment