Quảng Cáo

Đòn thù chính trị

3-anh-hùng-thông-tin-RSF-năm-2014.

Quảng Cáo

Nguyễn Nam (VNTB)|

Luật sư Đặng Đình Mạnh kể, “ông Nhất cho rằng mình là nạn nhân của ‘đòn thù chính trị’. Khi chúng tôi tò mò hỏi thêm về tác giả của ‘đòn thù chính trị’, ông khẳng định ‘vì họ đã không mua được tôi’ rồi nghẹo cổ về bên phải một cách đầy ẩn ý”.

Ông Nhất, chính là Trương Duy Nhất, một nhà báo và là người trong bộ ba “Anh hùng thông tin” mà Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) vào ngày 29/04/2014 công bố danh sách “100 anh hùng thông tin”, nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng 5 năm 2014: Phạm Chí Dũng, Trương Duy Nhất và linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh. Đây là lần đầu tiên Phóng viên Không biên giới đưa ra danh sách “100 anh hùng thông tin”.

Thế nào là đòn thù chính trị?

Với giới luật sư khi nhận bào chữa các án thuộc Chương XIII, nhóm “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”, thì điều đầu tiên mà luật sư nào cũng quá rõ, đó là khi chưa có bản kết luận điều tra của cơ quan công an, thì coi như suốt thời gian đó luật sư không cách gì có thể tiếp xúc với người đang bị cáo buộc là có tội ấy.

“Cơ sở pháp lý và nguyên do được căn cứ theo điều 74 Bộ luật Tố tụng Hình sự ‘cần giữ bí mật điều tra với các tội xâm phạm an ninh quốc gia’. Điều đáng nói rằng, một trong những giải pháp để phòng chống oan sai thường được đề cập đến là tạo điều kiện để luật sư tham gia vụ án ngay từ đầu tiến trình tố tụng.

Thế nhưng, với lý do giữ bí mật điều tra, thì việc hạn chế luật sư tham gia bào chữa trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia trong giai đoạn điều tra đã tước mất cơ hội phòng chống oan sai hữu hiệu. Hoặc phải chăng, trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia thì công tác điều tra luôn luôn hoàn hảo, không bao giờ có oan sai?

Tuy Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành mới được tu chính năm năm trở lại. Nhưng nếu lại có dịp tu chính, thì những quy định giới hạn hoạt động luật sư nên bãi bỏ đầu tiên”. Luật sư Đặng Đình Mạnh, nói.

Với người bị buộc tội trong nhóm “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”, thì điều kể trên mà luật sư Mạnh đề cập, đó chính là một cách hiểu của ‘đòn thù chính trị’.

Không rõ với ông Trương Duy Nhất, ‘đòn thù chính trị’ đã giáng xuống ông nhằm trả đũa chuyện gì, còn với ông Phạm Chí Dũng, thì ‘đòn thù’ này dễ nhận ra hơn hẳn.

Trước tiên, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, người đã từ bỏ đảng để dành tâm trí cho những bài viết phản biện với chính quyền. Từng là sĩ quan quân đội, ông Phạm Chí Dũng có thời gian làm trợ lý cho ông Trương Tấn Sang – người đến năm 2011 trở thành Chủ tịch nước. Nhà báo Phạm Chí Dũng còn là hội viên của Hội Nhà văn TP.HCM, ông có các công trình nghiên cứu về chính sách an ninh chính trị, tư tưởng, văn hóa, kinh tế và tôn giáo.

Công luận đã cho rằng các bài báo tố cáo tham nhũng và yếu kém của chính quyền, khiến ông Phạm Chí Dũng bị bắt vào tháng 7/2012 vì các tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền”, và “tuyên truyền chống nhà nước”. Được đình chỉ điều tra, ông ra tù 7 tháng sau đó.

‘Đòn thù chính trị’ ấy giáng xuống đầu một tiến sĩ kinh tế dám từ bỏ đảng không làm ông chùn tay viết. Ông liên tục có những bài báo, bài phỏng vấn được nhiều hãng tin nước ngoài như RFI, RFA, VOA, BBC chọn đăng. Vậy là đòn thù chính trị tiếp theo là việc ông Phạm Chí Dũng bị tịch thu hộ chiếu vào tháng 2/2014, lúc chuẩn bị đi Genève tham dự một hội nghị về nhân quyền với vai trò diễn giả.

Một luật sư là đảng viên đề nghị không nêu tên, góp câu chuyện về ‘đòn thù chính trị’ bằng việc nhắc tới thi sĩ Sóng Hồng, tức tổng bí thư Trường Chinh, trong bài thơ “Là thi sĩ” từng đưa vào sách giáo khoa, có những câu: “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ,/ Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền…”.

“Giờ họ cũng ngại người như ông Dũng đang rất khéo trong dùng bút. Ông Dũng lại từng là đảng viên, là một cựu sĩ quan quân đội, từng làm trong ngành nội chính của Thành ủy… Ngòi bút của một người như vậy, đáng ngại lắm chứ…”. Vị luật sư là đảng viên, nhận xét về ‘góc nhìn khác’ của ‘đòn thù chính trị’./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux