Bùi Hải Hoành – RFA
Chỉ 2 ngày sau khi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp trên Biển Đông, Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc thông báo tập trận quanh quần đảo Hoàng Sa từ ngày 1-5/7/2020. Trung Quốc đưa ra cảnh báo “trong thời gian tập trận, không tàu nào được phép điều hướng trong khu vực huấn luyện và tất cả các tàu phải tuân theo hướng dẫn của tàu chỉ huy tại khu vực đó”. Đây là một sự vi phạm luật pháp quốc tế một cách rõ ràng. Cảnh báo của Trung Quốc xuất phát từ cơ quan hàng hải dân sự chứ không phải bộ quốc phòng, song thông điệp này nhắm đến đối tượng quan trọng nhất là Hải quân Mỹ.
Hàng năm, Trung Quốc vẫn tổ chức một cuộc tập trận quân sự quanh quần đảo Hoàng Sa nhằm củng cố và khẳng định quyền kiểm soát khu vực này. Động thái mới này diễn ra tiếp theo hàng loạt những hoạt động khiêu khích và lấn lướt của Bắc Kinh trên Biển Đông gần đây đối với các quốc gia láng giềng, giữa bối cảnh thế giới đang nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19.
Tập trận để “trả đũa” sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ
Cùng với việc Ngoại trưởng Mỹ tán đồng lập trường của ASEAN và lên án ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, hai tàu sân bay của Mỹ, USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã tập trận chung ở khu vực biển Philippines ngày 28/6. Theo thông cáo của Chuẩn đô đốc George Wikoff, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay số 5 Hải quân Mỹ, cuộc tập trận nhằm tăng cường những “cam kết tích cực, linh hoạt và bền vững” của Mỹ trong các thỏa thuận quốc phòng với các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như “sự sẵn sàng đối diện với những kẻ thách đố thông lệ quốc tế”.
“Kẻ thách đố thông lệ quốc tế” mà ông Wikoff không nói thẳng ra, ai cũng hiểu là ám chỉ Trung Quốc.
Trước đó, chỉ một tuần, hai tàu sân bay USS Nimitz và tàu USS Theodore Roosevelt cũng tiến hành diễn tập phối hợp có quy mô tương tự. Theo trang Japan Times ngày 29/6, rất hiếm khi cả ba tàu sân bay Mỹ gần như cùng lúc thực hiện các cuộc diễn tập phối hợp và càng hiếm hơn khi có đến hai tàu sân bay cùng tham gia trong khoảng thời gian ngắn như vậy.
Japan Times dẫn lời Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu về an ninh hàng hải tại Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết quyết định của Mỹ là đòn giáng vào Trung Quốc, vốn cho rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực đã bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19, đồng thời trấn an các đồng minh và đối tác của Washington. Ông cũng cho rằng mặc dù không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa việc điều hai tàu sân bay này và hội nghị thượng đỉnh ASEAN, nhưng “cũng không nên bác bỏ khả năng này” vì các hoạt động huấn luyện quân sự trong quá khứ đã được lên kế hoạch trước và gắn với các sự kiện.
Theo một viện nghiên cứu Trung Quốc, các cửa ngõ phía Đông ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh đã chứng kiến một loạt hoạt động quân sự trong những tuần gần đây, bao gồm cả nhiệm vụ của các máy bay do thám Mỹ.
Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI, trụ sở ở Washington), cho rằng việc Trung Quốc tập trận tại vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền không phải điều bất thường, nhưng đáng lo ngại. Ông nhấn mạnh: “Bất chấp đại dịch hoành hành trên toàn cầu, Trung Quốc liên tiếp có các hành vi khiêu khích ở Biển Đông. Bắc Kinh dường như quyết làm leo thang thay vì cố gắng xoa dịu tình hình”.
Bắc Kinh đang nổi giận vì Mỹ tăng cường hoạt động đi lại của hải quân qua các vùng biển quốc tế này. Mặc dù hành động của Hải quân Mỹ rất cần thiết để khích lệ các quốc gia yếu hơn trong khu vực rằng Mỹ sẽ duy trì nguyên tắc tự do hải hành tại các vùng biển quốc tế và không một quốc gia có thể ngăn cản điều đó. Đó là một nguyên tắc cơ bản của hệ thống luật quốc tế đã mang lại hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ không ngừng kể từ năm 1945 tới nay.
Phục vụ cho tham vọng của Bắc Kinh
Ngoài ra, việc tổ chức nhiều cuộc tập trận cũng nhằm cải thiện khả năng sẵn sàng tác chiến của hải quân Trung Quốc (và cũng có thể là năng lực của tàu sân bay). Cuộc tập trận này cũng nhằm tìm cách chính thức hóa yêu sách của Bắc Kinh đối với quần đảo Hoàng Sa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn gửi thông điệp thông qua cuộc tập trận này, Bắc Kinh đủ sức đe dọa Philippines, Việt Nam, Indonesia và Malaysia, những quốc gia mà Trung Quốc cho rằng không nên xuất hiện ở khu vực này nếu không được phép của Trung Quốc. Nhằm mục tiêu độc chiếm nguồn tài nguyên năng lượng phong phú và lợi ích từ việc đánh bắt cá ở khu vực này, Trung Quốc đã tuyên bố yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông với bản đồ “đường 9 đoạn” vô lý của mình. Mặc dù bị các quốc gia khác phản đối vì không có cơ sở pháp lý nào hết, nhưng Trung Quốc vẫn sẵn sàng điều tàu chiến và tàu đánh cá để xâm phạm quyền đánh cá ngay tại các vùng biển thuộc quyền của các quốc gia khác.
Với số lượng hàng hoá trị giá khoảng 3,5 nghìn tỷ USD đi qua Biển Đông mỗi năm, Trung Quốc biết rằng nếu có thể kiểm soát vùng biển này, Bắc Kinh có thể sử dụng chúng để ép buộc những nhượng bộ chính trị từ các nước khác. Ví dụ, việc Trung Quốc kiểm soát các vùng biển này sẽ cho phép Bắc Kinh yêu cầu châu Âu sử dụng mạng 5G của Huawei, ép Hàn Quốc giảm hợp tác với Mỹ và các quốc gia châu Phi tiếp tục chấp nhận hình thức đầu tư theo kiểu mafia của Trung Quốc.
Trung Quốc đang cố gắng thực hiện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương những việc mà đế quốc Nhật Bản đã làm trong những năm 1930. Khi sự tham lam và kiêu ngạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tăng lên, tham vọng cũng sẽ tăng theo.
Đồng loạt các quốc gia phản đối
Ngày 2/7, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra tuyên bố phản đối cuộc tập trận quân sự của Mỹ trên Biển Đông. Tuyên bố đăng trên Defenese.gov nêu rõ: “Bộ Quốc phòng quan ngại về quyết định của Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự xung quanh quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông từ ngày 1-5/7.
Khu vực tập trận dự kiến bao gồm các vùng biển và lãnh thổ tranh chấp. Tiến hành tập trận quân sự trên lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông là phản tác dụng đối với các nỗ lực xoa dịu căng thẳng và duy trì bình ổn. Hành động của Trung Quốc sẽ làm bất ổn thêm tình hình tại Biển Đông. Những cuộc tập trận tương tự cũng vi phạm cam kết của Trung Quốc theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Hoa Nam năm 2002 (DOC), trong đó cam kết tránh các hoạt động làm phức tạp thêm hoặc leo thang tranh chấp cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.”
Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định cuộc tập trận này là diễn biến mới nhất trong một loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách biển bất hợp pháp và làm tổn hại các nước láng giềng Đông Nam Á trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc đi ngược với cam kết không quân sự hóa Biển Đông cũng như tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, được đảm bảo về chủ quyền, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục theo dõi tình hình “với hy vọng rằng Trung Quốc sẽ hạn chế hành vi quân sự hóa và ép buộc các nước láng giềng trên Biển Hoa Nam. Chúng tôi hối thúc tất cả các bên kiềm chế và không có các hoạt động quân sự có thể làm trầm trọng thêm các tranh chấp trên Biển Hoa Nam”.
Cùng ngày, Philippines và Việt Nam ngày 2/7 đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Bắc Kinh tổ chức các cuộc tập trận ở Biển Đông, cho rằng động thái này có thể làm sâu sắc thêm căng thẳng quốc tế ở tuyến đường hàng hải chiến lược này.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Trong tuyên bố ngày 2/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Các cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh quần đảo Hoàng Sa vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”. Bộ cũng lưu ý hành động của Bắc Kinh gây bất lợi cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN trong nỗ lực đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở vùng biển này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng kế hoạch tập trận 5 ngày của Trung Quốc ở vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa là “hết sức khiêu khích”. Theo ông Lorenzana, căng thẳng leo thang bắt nguồn từ hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Mặc dù Philippines không có yêu sách lãnh thổ chính thức đối với quần đảo Hoàng Sa, Bộ trưởng Lorenzana vẫn lưu ý các cuộc diễn tập sẽ kích hoạt “báo động” cho tất cả các bên yêu sách ở Biển Đông. Phát biểu trên một diễn đàn trực tuyến do Đại học Quốc phòng Philippines tổ chức, ông Lorenzana nhấn mạnh: “Người Trung Quốc có thể làm điều họ muốn trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của họ, song nếu họ làm điều đó (ám chỉ cuộc tập trận) ở các khu vực tranh chấp, thì là hành vi rất khiêu khích”.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana, bất chấp đại dịch COVID-19, căng thẳng ở Biển Đông vẫn tiếp diễn. Tổng thống Duterte chưa bao giờ thực thi phán quyết của tòa trọng tài. Thay vào đó, ông tìm kiếm mối quan hệ song phương chặt chẽ hơn với Trung Quốc, đồng thời xa rời đồng minh truyền thống của Philippines là Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Duterte gần đây bày tỏ không hài lòng với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, và đã đứng về phía các quốc gia yêu sách khác, bao gồm Việt Nam. Bộ trưởng Lorenzana tố cáo: “Trung Quốc là bên quyết đoán và hung hăng nhất trong số các quốc gia yêu sách. Gần đây, các tàu Trung Quốc – cả tàu quân sự và tàu dân sự – đã tăng cường hành vi xâm nhập và quấy rối đối với hải quân, không quân và lực lượng cảnh sát biển cũng như ngư dân Philippines”.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Leave a Comment