Quảng Cáo

Lập lờ hình sự và dân sự

Quảng Cáo

Hiền Vương (VNTB)|

Có ý kiến là điều khoản 117, Bộ luật hình sự chứa một hàm ý liên quan đến quyền tự do ngôn luận, và trong nhiều trường hợp, nhà chức trách dường như đã hình sự hóa về quyền dân sự này.

“Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

  1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
  2. a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
  3. b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
  4. c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
  5. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
  6. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Quyền dân sự ở đây cụ thể như sau, trước hết, nếu không có một phiên tòa dân sự được mở ra, thì ai đủ thẩm quyền theo luật định để đưa ra phán quyết về “nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”, về “nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”, và về “gây chiến tranh tâm lý”?

Sự kiện Nhân Văn – Giai Phẩm, cuộc thanh trừng năm 1967, và di sản của sự bất đồng chính kiến kéo dài với nhiều hệ lụy đến tận hôm nay, là một điển hình cho suy diễn vấn đề hình sự – hay nói đúng hơn, là chính trị hóa trong một vấn đề thuần túy dân sự về quyền tự do biểu đạt.

Trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Quan hệ giữa vǎn hóa và kinh tế, chính trị… vǎn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, vǎn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động” [1]. Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” [2].

Việc đơn thuần khơi lên những vấn đề văn chương không thể đe dọa được những người trong đảng. Điều làm cho đảng sợ là việc phong trào đang tìm cách biến mình thành một tổ chức đối lập với đảng một cách độc lập, lâu dài, trung thành và có tổ chức.

Biên tập viên Chu Ngọc đã tổng kết lại trong tờ Nhân Văn kỳ ba: “Chúng tôi cố gắng đấu tranh trong tổ chức, song liên tục chúng tôi bị chế ngự, nguyện vọng của chúng tôi lên tới Trung ương Đảng đã bị thay thế bằng nguyện vọng của bè phái họ” [3] Khi các chỉ trích trên các tạp chí mang tính chính trị nhiều hơn và định hướng văn chương ít lại thì nhiều thành viên trong đảng muốn khơi dậy một cuộc đàn áp.

Nhà văn Lê Hoài Nguyên, tức Thái Kế Toại, nguyên Đại tá công an, công tác tại A25 (chuyên theo dõi văn nghệ sĩ và văn hóa), trong một lần đến dự họp mặt kỷ niệm thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam ở quán cà phê Sỏi Đá, nằm trong một con hẻm đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, Sài Gòn, có chia sẻ rằng (đại ý):

“Có người cực đoan cho rằng cốt lõi đây là vụ án chính trị phản động, không dính líu gì đến văn học, mà chỉ có một số anh em văn nghệ sĩ bị lôi kéo vào, đảng và nhà nước đã không xử án văn nghệ sĩ.

Người thì cho là một vụ án văn học, thuần túy oan sai về văn học, để đàn áp văn nghệ sĩ, nhà nước đã biến một vụ việc văn học thành một vụ án chính trị. Tất nhiên là để bảo vệ các khuynh hướng, để đánh giá đúng thực chất của Nhân Văn Giai Phẩm không phải dễ dàng, mà phản bác hoàn toàn cũng cần hết sức thận trọng.

Với tất cả những gì đã xảy ra xem xét vụ Nhân Văn Giai Phẩm nên được đánh giá dưới góc độ là một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách tân văn học không thành thì đúng hơn. Để đi tìm cách cắt nghĩa nó. Gìn giữ những gì nó đặt ra, nó để lại cho đời sống chính trị, cho nền văn học nước nhà. Còn nếu coi là vụ án chính trị phản động thì không cần tốn giấy mực để viết về nó trong lịch sử văn học làm gì”.

Theo cách hiểu trên của cựu đại tá an ninh Thái Kế Toại, rõ ràng trong cụ thể trường hợp của ông Phạm Chí Dũng, một cựu sĩ quan an ninh, nguyên hội viên Hội nhà văn TP.HCM, thì những bài viết phản biện mang tính cổ súy cho các quyền tự do dân chủ của ông được bảo hộ ở điều 25, Hiến pháp 2013.

Giả dụ như cáo buộc các bài đã đăng báo của ông Phạm Chí Dũng là ‘chứa đựng’ một trong ba nội dung về án hình sự: “nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” – “nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” – “gây chiến tranh tâm lý”, thì lẽ ra trình tự sẽ là các vấn đề dân sự trước tiên phải được xử trí.

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiến hành một khởi tố dân sự, cáo buộc các bài báo đăng trên một số tờ báo, trang web nào đó mà ông Phạm Chí Dũng là tác giả, đã viết và có dấu hiệu vi phạm luật hình sự.

Một phiên tòa dân sự mở ra với hội đồng là các thẩm phán có trình độ nhất định trong yêu cầu thẩm định tác phẩm báo chí. Phiên tòa sẽ thuần dân sự, và những phán quyết cuối cùng của tòa án sẽ là căn cứ cho hình thành, hay không hình thành các dấu hiệu hình sự trong nội dung ở những bài báo này của ông Phạm Chí Dũng.

Bởi ở đây còn chịu một điều khoản mang tính hiến định, “Điều 40. Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó”. Và để phản biện một chính sách, luôn đòi hỏi người viết không chỉ kiến thức chuyên môn, mà còn phải luôn cập nhật các nghiên cứu khoa học liên quan về đề tài viết phản biện.

Lưu ý, Hiến pháp 2013, điều 33 ghi “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, mà viết báo gửi cộng tác với các tòa soạn, lại không thuộc điều cấm nào của pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Như vậy, với việc chụp ngay chiếc mũ hình sự hóa, mà bỏ qua việc xem xét khoa học những yêu cầu dân sự trong bài viết phản biện, cho thấy lối áp đặt này là một phiên bản tương tự như vụ Nhân Văn Giai Phẩm./.

__________________

Chú thích:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2010, trang 316.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, trang 246.

[3] Chu Ngọc, Nhân Văn, Kỳ 3. Trích trong Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s,” trang 164.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux