Hồng Quyên
Việc Mỹ gần đây can dự vào cuộc chiến công hàm là một tín hiệu rõ ràng cho thấy tranh chấp về tính hợp pháp các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc sẽ không sớm kết thúc. Lí do gì khiến Mỹ tham gia vào cuộc chiến này và phản ứng của các bên liên quan ra sao?
Ngày 12/12/2019, Malaysia đã đệ trình hồ sơ riêng lên Ủy ban giới hạn thềm lục địa (CLCS) – một cơ quan được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 – tuyên bố quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với những tài nguyên thiên nhiên ở đáy biển và tầng đất cái trong khu vực bên ngoài phạm vi 200 hải lý (370km) thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ở phía Nam Biển Đông. Việc làm này của Malaysia phù hợp với quy định của CLCS và diễn ra sau khi nước này cùng Việt Nam đệ trình hồ sơ chung và Việt Nam đệ trình hồ sơ riêng lên cơ quan này đều vào năm 2009.
Động thái này của Malaysia lập tức vấp phải phản ứng từ phía Trung Quốc: Nước này đã gửi một công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc, khẳng định rằng tuyên bố của Malaysia vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của họ ở biển Biển Đông. Công hàm của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối từ phía Philippines, Việt Nam và Indonesia. Những công hàm liên quan đến việc các nước đệ trình hồ sơ lên CLCS không phải là những công hàm ngoại giao thông thường được các bên liên quan trao đổi với nhau. Thay vào đó, chúng là công hàm được trình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc và sẽ được chuyển đến các thành viên của Liên hợp quốc theo yêu cầu. Những công hàm này được đăng tải trên trang mạng của Tiểu ban Liên hợp quốc về các vấn đề đại dương và luật biển, và công chúng có thể dễ dàng tìm đọc. Qua đó, một nước có thể công bố quan điểm của mình về một vấn đề liên quan đến các yêu sách biển tới tất cả các thành viên của Liên hợp quốc cũng như công chúng.
Tuyên bố của các thành viên ASEAN
Trong các công hàm của mình, cả ba nước thành viên ASEAN đều nói rõ rằng các tuyên bố về quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như các khu vực biển ở Biển Đông phải phù hợp với UNCLOS mà họ và Trung Quốc đều tham gia. Cả ba nước cũng nói rõ thêm rằng những tuyên bố của Trung Quốc về quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước này ở Biển Đông không phù hợp với UNCLOS.
Để củng cố quan điểm của mình, họ đã đề cập đến phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài về vụ kiện tranh chấp ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Trong đó, Philippines và Indonesia đã đề cập cụ thể đến phán quyết của tòa trọng tài. Những điểm được trình bày trong công hàm của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với phán quyết.
Vì vậy, ba nước trên thực tế coi phán quyết của tòa trọng tài là một sự diễn giải luật pháp một cách có căn cứ, cho dù Trung Quốc đã quyết định không tham dự phiên xử và tuyên bố rằng họ coi phán quyết của tòa trọng tài không có giá trị. Cuộc chiến công hàm càng trở nên phức tạp hơn khi có sự tham gia của Mỹ bằng việc đệ trình một công thư lên Tổng thư ký Liên hợp quốc hôm 1/6/2020, đáp trả công hàm mà Trung Quốc đệ trình hôm 12/12/2019 sau khi Malaysia đệ trình công hàm của họ lên CLSC trong cùng ngày.
Lý do Mỹ can thiệp
Động thái này có thể đã gây bất ngờ cho phần lớn các nhà quan sát vì Mỹ cách xa Biển Đông và là một trong số ít những nước không tham gia UNCLOS, vốn có hiệu lực từ tháng 11/1982. Để giải thích cho sự can thiệp của mình, Mỹ tuyên bố rằng họ đệ trình công thư vì công hàm của Trung Quốc khẳng định những tuyên bố chủ quyền có ý vi phạm quyền chủ quyền và quyền tự do của Mỹ và tất cả các nước khác.
Xét ở hầu hết mọi phương diện, những luận cứ của Mỹ trong công thư của họ nhất quán với lập trường của Indonesia, Việt Nam và Philippines về việc Trung Quốc khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như các yêu sách biển ở Biển Đông. Công thư của Mỹ khẳng định rằng bất kỳ tuyên bố nào của Trung Quốc về các “quyền lịch sử” đều trái pháp luật nếu nó vượt quá giới hạn về những quyền của họ ở các khu vực hàng hải mà họ có thể tuyên bố chủ quyền theo UNCLOS.
Công thư của Mỹ cũng lưu ý rằng các yêu sách của Trung Quốc là trái pháp luật ở chỗ chúng khẳng định chủ quyền đối với những khu vực biển tính từ các cấu trúc địa hình không thỏa mãn định nghĩa về “đảo” tại Điều 121 (1) của UNCLOS – đảo là một vùng đất được hình thành tự nhiên, bao quanh là biển và trên mực nước biển khi thủy triều lên. Theo UNCLOS, những cấu trúc địa hình chìm hoàn toàn dưới nước hoặc những cấu trúc địa hình nổi lên khi thủy triều xuống nằm ngoài lãnh hải tính từ một hòn đảo không đủ điều kiện để được gọi là “đảo”.
Công thư của Mỹ tiếp tục khẳng định rằng Trung Quốc không có quyền tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực biển tính từ các đảo ở Biển Đông bằng việc coi các nhóm đảo như quần đảo Trường Sa là một đơn vị tập hợp. Mỹ lập luận rằng UNCLOS quy định sử dụng đường cơ sở thông thường đối với các quần đảo nằm giữa đại dương, và chỉ có những quốc đảo như Indonesia và Philippines mới có quyền vẽ các đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các đảo và dải san hô ngầm xa bờ nhất của mình. Công thư của Mỹ khẳng định rằng những quan điểm này phù hợp với phán quyết của tòa trọng tài.
Mỹ im lặng trước tuyên bố chủ quyền đối với EEZ
Tuy nhiên, cũng cần chỉ ra một vấn đề hết sức quan trọng rằng công thư của Mỹ không đề cập đến phán quyết của tòa trọng tài hay các quan điểm được thể hiện trong các công hàm của Indonesia, Philippines và Việt Nam. Công thư của Mỹ cũng không đề cập đến việc liệu Trung Quốc, theo UNCLOS, có quyền tuyên bố chủ quyền đối với một EEZ và thềm lục địa tính từ các đảo nhỏ riêng lẻ ở Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền hay không. Sự im lặng của Mỹ về những vấn đề này có thể cho thấy rằng theo quan điểm của họ, Trung Quốc có thể có quyền tuyên bố chủ quyền đối với EEZ rộng 200 hải lý và thềm lục địa tính từ các đảo lớn nhất ở Biển Đông mà họ tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả các đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa.
Vấn đề này đã được xem xét trong vụ kiện tranh chấp Biển Đông và tòa trọng tài đã quy định rằng không một thực thể địa hình nào thuộc quần đảo Trường Sa là đảo được phép có EEZ hay thềm lục địa; thay vào đó, chúng chỉ là các đá không thể đảm bảo nơi ăn chốn ở hay đời sống kinh tế của con người và chỉ được phép có lãnh hải rộng 12 hải lý.
Người ta chỉ có thể suy đoán về việc tại sao công thư của Mỹ không đề cập đến việc liệu có thể tuyên bố chủ quyền đối với một EEZ và thềm lục địa tính từ các đảo riêng lẻ thuộc quần đảo Trường Sa hay không. Có lẽ Mỹ chủ yếu chỉ quan tâm đến khả năng can thiệp vào quyền tự do của họ ở Biển Đông – quyền tự do tiến hành các hoạt động hàng không, hàng hải và quân sự – và ít quan tâm đến đến vấn đề ai có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông.
Đồng thời, Mỹ có thể không thoải mái trong việc ủng hộ quan điểm của tòa trọng tài về quyền tuyên bố chủ quyền đối với một EEZ và thềm lục địa tính từ các cấu trúc địa hình nhỏ, vì nước này đã tuyên bố chủ quyền đối với các EEZ quanh các đảo nhỏ không người ở tính từ các vùng lãnh thổ của họ ở Thái Bình Dương. Phán quyết của tòa trọng tài rằng không một cấu trúc địa hình nào thuộc quần đảo Trường Sa là đảo có quyền có một EEZ và thềm lục địa riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các nước thành viên ASEAN tiếp giáp Biển Đông.
Những nước này tuyên bố chủ quyền đối với một EEZ tính từ các đường cơ sở dọc bờ biển hay quần đảo chính của họ, và theo quy định của UNCLOS, họ có quyền chủ quyền và quyền tài phán để thăm dò và khai thác các tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi vùng biển thuộc EEZ và thềm lục địa tiếp giáp bờ biển của họ. Đây là cơ sở để Indonesia lập luận rằng họ có các khu vực biển chồng lấn với Trung Quốc. Đó cũng là cơ sở để Việt Nam lập luận rằng Việt Nam có đặc quyền thăm dò và khai thác các tài nguyên thiên nhiên cách xa bờ biển trong khu vực gọi là Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), và là cơ sở để Philippines lập luận rằng họ được độc quyền thăm dò và khai thác các tài nguyên thiên nhiên ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank).
Những phản ứng có thể có
Trung Quốc có thể coi công thư của Mỹ là một nỗ lực nhằm can thiệp vào cái mà theo quan điểm của Trung Quốc là một tranh chấp khu vực giữa các nước tiếp giáp Biển Đông. Không rõ các nước thành viên ASEAN tiếp giáp Biển Đông sẽ nhìn nhận thế nào về hành động của Mỹ. Một mặt, họ có thể vui mừng về việc một siêu cường đang thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông thông qua một công thư được chuyển đến tất cả các thành viên của Liên hợp quốc, nhất là khi nước này dường như coi phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài là một sự diễn giải có căn cứ về việc UNCLOS được áp dụng như thế nào đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Mặt khác, họ có thể quan ngại rằng công thư của Mỹ sẽ làm gia tăng khả năng Biển Đông trở thành nơi diễn ra cuộc đua tranh giành ưu thế ở châu Á giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc trao đổi công hàm là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tranh chấp về tính hợp pháp theo luật quốc tế của các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông sẽ không sớm kết thúc, cho dù các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc để đi tới thống nhất về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông vẫn đang tiếp diễn./.
Robert Beckman, Giám đốc Chương trình Chính sách và Luật Biển,trung tâm Luật quốc tế NUS, Giáo sư khoa Luật của NUS. Bài viết được đăng trên The Straits Times.
Hồng Quyên (gt)
Leave a Comment