Diễm My – (VNTB) – Bà Chủ tịch Quốc hội đã khái quát hoá một thứ văn hoá quái đản của xã hội Việt Nam: “ăn dày mỏng gì cũng ăn tuốt”.
***
Trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Cái Răng, Cần Thơ hôm thứ Ba 23.6.2020, khi nhắc đến hành vi nâng giá máy xét nghiệm Corona Virus của CDC Hà Nội (vụ án đã bị khởi tố) bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vừa phát biểu rằng:
“Họ ăn quá dày. Máy có 2 tỉ đồng mà kê lên 5-7 tỉ đồng. Tội này không có giảm nhẹ mà chỉ tăng nặng. Ảnh hưởng tới sức khỏe của dân, đời sống của dân mà lợi dụng tình hình dịch bệnh để làm vậy thì phải bị xử lý nghiêm minh“.
Bà Ngân đã nói rất thật lòng. Thật đến độ người nghe phải hiểu rằng ăn mong mỏng thôi thì làm gì mà bị khởi tố. Chẳng qua vì tham, vì ngu mà mới bị lộ cái tội tham nhũng. Còn thì ai mà không biết người ta ăn từ trên xuống dưới.
Từ vài chục nghìn thối lại để uống nước cho cán bộ thôn, vài chục lót tay cho cảnh sát giao thông khi phạm luật, cho đến chuyện ăn dày theo lời của bà Ngân đã khái quát hoá được một cái “văn hoá” quái đản của xã hội Việt nam là “dày mỏng gì cũng ăn tuốt”.
Người ta hẳn còn nhớ vụ Bộ Quốc phòng Việt Nam năm 2017 đã yêu cầu đối tác Mỹ lại quả 25% cho các thương vụ mua bán vũ khí. Thông tin này đã được Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin. Thông tin được một hàng tin tình báo quốc phòng Anh tiết lộ “các giới chức quốc phòng Việt Nam thông báo cho phái đoàn của Mỹ biết trong một cuộc họp gần đây ở Hà Nội rằng các thương vụ mua bán vũ khí phải được “lại quả” 1/4 của tổng giá trị.”
Cuộc họp Mỹ -Việt đã ngừng lại ngay sau đó.
Ngay trong tháng 5 vừa qua, phía Nhật đã cho biết quan chức ngành thuế tại Bắc Ninh cũng đã trót nhận 5 tỷ tiền hối lộ của công ty Tenma. Phía Việt Nam đã biến vụ nhận hối lộ thành vụ nghi vấn Cty THNH Tenma Việt Nam đưa hối lộ 5 tỷ đồng cán bộ Việt Nam. Hoá ra là công ty Nhật nó âm mưu làm tha hoá cán bộ ta à?
Ngay trong thời dịch bệnh Covid-19, kinh tế khó khăn, người dân trông chờ vào số tiền an sinh từ gói trợ cấp 62 nghìn tỷ đồng của chính phủ. Cán bộ địa phương ở cái tỉnh nghèo rớt mùng tơi, nhưng có tượng đài nghìn tỷ đã thản nhiên yêu cầu người dân nghèo trích lại 50 nghìn đồng một nhân khẩu tiền uống nước cho cán bộ thôn.
Không hiểu một với số tiền thu gom lại được 13 triệu đồng thì ông cán bộ nọ sẽ uống nước được trong bao lâu. Người dân cũng móc túi ra lại quả tiền uống nước, mà không nghĩ rằng số tiền đó là quyền lợi của họ được hưởng từ tiền đóng thuế mà ra chứ chẳng phải là ơn mưa móc từ đâu mà ra cả. Cả ông cán bộ lẫn người dân đều không nghĩ rằng đó là hành vi tham nhũng hay ăn mỏng.
Năm 2012, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói về chuyện CSGT nhận dăm ba chục, một vài trăm của người vi phạm. “Anh nhận tiền tức là anh có biểu hiện tham nhũng… Không thể nói là ít tiền hay nhiều tiền ở đây”.
Trong khi ông tướng công an Nguyễn Văn Tuyên lại bảo vệ thuộc cấp của mình khi bảo rằng “ gọi việc nhận dăm ba chục, một vài trăm là tham nhũng là không thỏa đáng.” Ông thiếu tướng khi đó giải thích rằng đó là chuyện tiêu cực chứ không phải là tham nhũng.
Ông Nguyên lý giải một cách rất thành thật rằng tham nhũng chỉ có “người có chức có quyền nhưng lợi dụng chức quyền đó bớt xén, móc nối lấy tiền của nhà nước. Tôi cho rằng dùng từ tham nhũng phải ở đối tượng đó và hành vi đó. Từ xưa đến nay chúng ta vẫn nói rằng CSGT tiêu cực thì nên ở mức độ đó nó dễ chấp nhận hơn”.
Năm 2019, Ban Nội chính Tỉnh ủy 14 tỉnh phía Bắc đã công bố thông tin gây sốc 6 tháng đầu năm, 14 tỉnh phía Bắc chỉ phát hiện 2 vụ tham nhũng vặt, và đặc biệt có những địa phương trong 6 tháng không phát hiện được tham nhũng “vặt”.
Chỉ có 2 tỉnh phát hiện ra hành vi tham nhũng “vặt” và chuyển cho cơ quan chức năng là Lào Cai và Thái Nguyên. 12 tỉnh còn lại không phát hiện ra tham nhũng.
Trong vụ án của ông cựu bộ trưởng bộ 4T Nguyễn Bắc Son, ông Son đã khai có nhận va li tiền 3 triệu đô la.Số tiền này ông hẳn nghĩ là chút quà biếu cho vui thôi. Chứ đời nào một dự án của em trai tỷ phú giàu nhất Việt Nam có giá trị lên đến cả vạn tỷ bạc mà lại chỉ lại quả cho ông có 66 tỷ, chưa đến 1% giá trị dự án thì ăn vậy là quá mỏng, hay có lẽ chỉ được xếp vô hạng tham nhũng “vặt”.
Trở lại với chuyện ăn dày của bà Ngân, máy 2 tỷ mà kê lên 5-7 tỷ tức là khai khống lên 250% – 350% nhưng năm ba tỷ chỉ mới bằng một góc so với tiền Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ trong một lần.
Năm ngoái, cả nước xôn xao về 300 bộ áo dài của bà chủ tich quốc hội có giá tới cả năm nghìn đô la hay gần 120 triệu một bộ. Những bộ áo dài của bà do nhà thiết kế Võ Việt Chung thiết kế mà bà Ngân có được sắm từ nguồn nào? Nếu bà tự sắm thì tiền đâu mà có lắm thế nếu không phải là tiền tham nhũng. Nếu bà không tự sắm thì đó là quà của nhà thiết kế thể hiện tình yêu mến dành cho bà? Nếu bà nhận một món quà 5.000 đô la thì liệu hành vi đó có được xếp vào khung ăn dày ăn mỏng hay tham nhũng vặt?
Lời nhận xét “ ăn quá dày” của bà Chủ tịch Quốc hội và câu nói thật tình yêu cầu chi tiền uống nước của ông quan thôn đều có một mẫu số chung ăn dày hay ăn mỏng là chuyện hết sức bình thường. Khôn ngoan, kín đáo thì chẳng ai đụng vào. Chỉ chống chỉ định với việc “ăn quá dày” hay chẳng may bị lộ…
Với cương vì là người đứng đầu cơ quan lập pháp mà bà Ngân lại có thể thốt ra một câu nhận xét rất chợ búa, rất con buôn trước mặt cử tri. Câu nói của bà đã nói lên một sự thật trần trụi về nhận thức của tầng lớp quan chức ngày nay, một nhận thức thể hiện sự băng hoại về đạo đức, sự tuột dốc không phanh của một xã hội không còn được xây dựng trên nền tảng của lòng tự trọng và sự trung thực.
Leave a Comment