Chiều ngày 17/12/2012, phát biểu tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 68, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh vai trò của lực lượng công an, trong đó có một chỉ đạo rất rõ ràng là: “Cương quyết không để nhen nhóm hình thành các tổ chức chính trị đối lập, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đi ngược với lợi ích của đất nước và nhân dân”. Chỉ đạo này không thể xuất phát từ một mình ý kiến chủ quan của đồng chí X, mà chắc chắn phải từ một cấp cao hơn, đó là ý chí của bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam.
Với chỉ đạo đó, ngành công an trong suốt giai đoạn từ năm 2013 đến nay đã nỗ lực đập tan mọi cuộc biểu tình yêu nước, mọi tổ chức xã hội dân sự, mọi lực lượng dân oan. Không chỉ ngành công an, các lực lượng khác như nhóm VietVision, hội cờ đỏ Nghệ An, đoàn thanh niên… và đặc biệt là lực lượng dân quân tự vệ đã được hình thành, kiện toàn và phát triển trên cả nước, hòng có đủ sức mạnh để khủng bố, trấn áp các gương mặt đối lập cũng như dập tắt mọi cuộc biểu tình.
Năm 2018 ngoài dự luật đặc khu đầy tai tiếng gây ra nhiều vụ biểu tình ở cả hai đầu đất nước, một bộ luật nguy hiểm khác là luật an ninh mạng đã được ban bố và thi hành triệt để hòng tiêu diệt mọi tiếng nói phản kháng, bất kể người đó có là gương mặt nổi trội trong phong trào đấu tranh hay không.
Hơn ai hết, với kinh nghiệm gần 100 năm xách động quần chúng, tổ chức cơ sở, tuyên truyền đường lối… đảng cộng sản đã cho thấy khả năng nắm bắt và dập tắt đối kháng xã hội của họ một cách tuyệt vời như thế nào. Đảng không từ mọi thủ đoạn, từ những việc như khủng bố chỗ làm, chỗ ở, bôi nhọ trên truyền thông, tác động đến gia đình, cấm xuất cảnh, giam lỏng khi có sự kiện, mời “làm việc” liên tục… cho đến việc bỏ tù vô tội vạ rất nhiều người có ý đồ phản kháng, hay dù chỉ là buông lời phê phán chuyện nhỏ gì đó mà thôi.
Những sự kiện từ việc Đồng Tâm hôm đầu năm, hay việc bắt bớ 4 thủ lĩnh dân oan Dương Nội hôm qua 24/6/2020 cho thấy nỗ lực điên cuồng của hệ thống chính trị này trong việc bằng mọi giá “Không cho phép hình thành các tổ chức chính trị đối lập”. Bất cứ nhóm người nào dù là trí thức, công nhân hay nông dân mà nổi lên thành hội nhóm có uy tín một chút là bị trấn áp hay tiêu diệt ngay, kể cả đảng viên như là cụ Lê Đình Kình.
Chủ trương đó là ý chí sắt đá, xuyên suốt toàn đảng, toàn chính phủ, toàn công an, toàn toà án, toàn báo chí… không phụ thuộc vào ai hay phe nhóm nào đang nắm quyền hành tối cao trong hệ thống chính trị. Đồng chí X, người đầu tiên phát biểu ra công khai chủ trương này đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Nhưng đồng chí Y, dù tuổi cao sức yếu chân đi lập cập, dù là kẻ thù không đội trời chung với đồng chí X… vẫn tiếp tục và chỉ đạo thực hiện xuất sắc chủ trương này.
Phải nói cho rõ như vậy để thấy, nếu có đồng chí Z nào đó xuất hiện sau đại hội 13 đi nữa thì đừng ai mơ tưởng hão huyền là chủ trương đó sẽ thay đổi. Nếu nhìn xa hơn nữa trong lịch sử, từ việc Phan Bội Châu bị bán cho mật thám Pháp, vụ Ôn Như Hầu, Cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm… đàn áp đối lập là một đặc tính bộc lộ ra bên ngoài từ bản chất độc tài toàn trị bên trong của những người đi theo lý tưởng cộng sản.
Trong bối cảnh khủng bố tang thương này, tôi biết có nhiều bạn hoang mang, nhiều người tự hỏi cuộc đấu tranh này sẽ đi về đâu, nhất là đấu tranh về quyền tư hữu đất đai khi không còn có những thủ lĩnh dẫn dắt. Xin thưa rằng có mấy vấn đề sau.
Một là, Karl Marx từng viết: Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Khi mà những người cầm quyền cộng sản còn dùng nòng súng và nhà tù của mình để bắt trí thức im miệng, để cướp đất của nông dân, để mặc cho giới chủ bóc lột sức lao động của công nhân… thì ngày đó sẽ còn có lực lượng đấu tranh. Bắt người này sẽ có người khác. Đàn áp nhóm này sẽ có nhóm khác. Và lực lượng này sẽ ngày càng đông lên, vì động tới một người là thức tỉnh cho cả gia đình, cả dòng họ và cả bạn bè gần xa của những người đó. Đó là một quy luật tất yếu, trong lịch sử không triều đại bạo nghịch mất lòng quần chúng nào tồn tại được mãi đâu.
Hai là, với sự giao thoa toàn cầu về tri thức, về công nghệ, về văn hoá… các nhóm đối kháng đang có sự thay đổi cực kỳ linh hoạt về cách thức tổ chức, cách thức vận động tập hợp con người. Đừng nghĩ bắt đi mấy thủ lĩnh dân oan bây giờ là họ như rắn mất đầu. Đừng nghĩ phong trào đối lập quanh đi quẩn lại chỉ có mấy đoàn dân oan. Đàn áp xong mấy nhóm cũ, các nhóm đối lập mới sẽ lại nổi lên, với phong cách và phương thức tổ chức mới, khôn khéo hơn. Tổ chức mà không có tổ chức. Tổ chức mà không cần thủ lĩnh. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh một cách linh hoạt, khó có lý do gì để đàn áp công khai.
Ba là, rất nhiều rất đông cán bộ đảng viên đã âm thầm hợp tác với phong trào đối lập, và phá ngầm tổ chức đảng, tổ chức chính quyền từ ngay bên trong. Cứ hỏi tại sao bây giờ bao nhiêu chuyện cơ mật lại cứ tòi hết ra bên ngoài? Cứ nghĩ xem tại sao nhiều nơi các đồng chí còn phải cảnh giác với nhau còn hơn với “bọn phản động”. Những người như thế ngày càng đông và chỉ chờ cơ hội chín muồi là sẵn sàng bước ra ánh sáng hợp tác với lực lượng chính trị mới.
Bốn là… thôi tính cách bắt tôi đi. Có thể lúc đó may ra vui thì tôi sẽ kể nốt chuyện cho mấy vị nghe. Ngu gì tôi nói ngay ra bây giờ, đâm mất hứng. Những trò bắt bớ vừa xong có thể làm hoang mang vài người mới quan tâm đến chuyện xã hội. Nhưng với tầm cỡ như mấy người quý vị vừa bắt thì e là kẻ hoang mang lại chính là cán bộ điều tra, chính là cán bộ trại giam. Xem ra những thách thức mà đảng cộng sản lúc này phải đối mặt cao như đỉnh núi, nhiều lúc ngắm cái cảnh cán bộ đảng viên phải đối phó với dân bây giờ thấy mà thương. Thế nước có thể chuyển bất cứ lúc nào, liệu đàng mà chọn phe. Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt.
Yêu thương tất cả
Leave a Comment