Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ – VOA
Những thế lực bảo kê án oan
Tại buổi họp báo sáng 30/5 vừa qua, thẩm phán Lê Hồng Hạnh cho biết Hội đồng xét xử phúc thẩm lần 2 vụ ông Lương Hữu Phước (gọi tắt là HĐXXPT) “đã kịp thời báo cáo với Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Bình Phước (gọi tắt là UBTP) và tham khảo ý kiến của các cơ quan tố tụng tư pháp khác” về vụ án Lương Hữu Phước trước khi xét xử vụ án này vào ngày 26/5 (1).
Việc Hội đồng xét xử (gọi tắt là HĐXX) báo cáo lãnh đạo tòa án, mà ở đây là UBTP, để xin chỉ đạo về nội dung phán quyết cho vụ án sắp đưa ra xét xử (tội danh, hình phạt, mức án, giữ nguyên hay hủy án sơ thẩm …), được gọi là “báo án”, là một thủ tục bắt buộc trong ngành tòa án Việt Nam cho dù không có văn bản pháp luật nào quy định như vậy. “Luật bất thành văn” này dẫn đến HĐXX chỉ có thể ra phán quyết với nội dung đã được lãnh đạo tòa án “duyệt”, nghĩa là biến phán quyết của HĐXX thành “án bỏ túi”, đồng nhất với loại trừ việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ và tranh tụng tại tòa – những điều kiện tiên quyết để “xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ” như quy định tại Điều 15 BLTTHS 2015. Phiên tòa vì vậy chỉ là một màn kịch không hơn không kém, với đạo diễn là lãnh đạo tòa án hay UBTP, và dàn diễn viên là HĐXX.
“Báo án” và “duyệt án” như vậy xâm phạm trắng trợn các quy định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” tại Khoản 2 Điều 103 Hiến pháp, Điều 9 Luật tổ chức TAND và Điều 23 BLTTHS 2015 cũng như quy định “bảo đảm tranh tụng” tại Khoản 5 Điều 103 Hiến pháp, Điều 13 Luật tổ chức TAND 2014 và Điều 26 BLTTHS 2015. Do trái Hiến pháp và pháp luật tố tụng từ gốc như vậy, bản án, quyết định của HĐXX không gây oan, thiệt hại cho đương sự mới là lạ!
Khoản 2 Điều 9 Luật tổ chức TAND 2014 quy định: “Cá nhân, cơ quan tổ chức có hành vi can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. Nội dung này đã được lặp lại tại Điều 23 BLTTHS 2015. Do đó, tùy theo tính chất, mức độ “duyệt án” hay can thiệp vào việc xét xử của HĐXXPT mà UBTP tỉnh Bình Phước gồm Chánh án Phạm Thị Bích Thủy, các phó Chánh án Lê Viết Phong và Lê Viết Hòa (người này còn là thành viên HĐXXPT) và một số thẩm phán khác sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội ra bản án trái pháp luật” quy định tại theo Điểm d Khoản 2 Điều 370 BLHS 2015 với tư cách là “đồng phạm” của HĐXXPT hay về “Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật” quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 372 BLHS (Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án làm trái pháp luật dẫn đến làm oan người vô tội hoặc bở lọt tội phạm hoặc người phạm tội thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm).
Có hiểu biết như vậy thì mới thấy việc thẩm phán Hạnh thông tin cho báo chí về việc HĐXXPT “báo án” cho UBTP tỉnh Bình Phước là “cao tay”: vừa gián tiếp phân bua với công luận rằng bản án phúc thẩm không chỉ là “cây nhà” của HĐXXPT mà còn là “trí tuệ tập thể” của lãnh đạo Tòa án tỉnh Bình Phước, vừa đánh động lãnh đạo Tòa án này theo kiểu “Trạng chết Chúa cũng băng hà/Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn”, HĐXXPT mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội ra bản án trái pháp luật” thì Ủy ban thẩm phán cũng chẳng thể yên thân!
Bị chủ tọa HĐXXPT đặt trước “sự đã rồi”, UBTP tỉnh Bình Phước, Chánh án Phạm Thị Bích Thủy trước hết, chắc chắn sẽ phải cứu cấp dưới này không chỉ vì được “chạy án” mà còn vì “cứu người là cứu mình”, cứu UBTP khỏi sự trừng phạt của pháp luật với tư cách đồng phạm. Do đó, tổ chức một phiên tòa Kangaroo khác để tiếp tục kết án oan ông Lương Hữu Phước là chuyện không phải bàn cãi đối với lãnh đạo Tòa án tỉnh Bình Phước.
Điểm “chạy án” tiếp theo của HĐXXPT, và cũng là của lãnh đạo Tòa án tỉnh Bình Phước như trên vừa phân tích, là TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Tòa cấp cao). Bởi lẽ cấp tòa này sẽ không chỉ là nơi “duyệt án” cho phiên tái xử sắp tới do Tòa án tỉnh Bình Phước tổ chức mà còn là nơi phúc thẩm bản án trong trường hợp bản án bị đại diện hợp pháp của ông Phước kháng cáo, mà điều này là chắc chắn. Những bằng chứng sau đây cho thấy “chạy án” với Tòa cấp cao đã được đương sự thực hiện một cách hoàn hảo.
Như chúng ta đã biết, ngày 5/6 vừa qua, đúng một tuần sau khi ông Phước nhảy lầu tự sát, Chánh án Tòa cấp cao đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án của HĐXXPT (phó Chánh án Quảng Đức Tuyên ký thay). Quyết định này ngay ở phần mở đầu ghi: “Bị cáo (Lương Hữu Phước) được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú”?! Chỉ riêng chi tiết này thôi cũng đã đủ để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cách chức và tống Chánh án/phó Chánh án tác giả văn bản tố tụng này vào trại điên.
Vấn đề là tại sao điên như vậy, điều không ai có thể tưởng tượng có được ở cơ quan công quyền cấp xã chứ đừng nói ở một đinh chế có thẩm quyền đối với 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và hơn thế nữa, được quyền nhân danh “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”? Hỏi tức trả lời: Tòa cấp cao bằng mọi cách lấp liếm vụ ông Phước tự sát như là hậu quả nghiêm trọng của bản án phúc thẩm. Còn sự lấp liếm tội ác này là gì, nếu không phải là để thực hiện “hợp đồng chạy án” với những người đã gây ra cái chết oan nghiệt cho ông Phước?!
Ngoài ra, mặc dù thừa nhận “thời điểm xảy ra tai nạn, ông Lâm Tươi chưa có giấy phép lái xe, đã uống rượu bia, có nồng độ cồn trong hơi thở là 0,57 miligam/1lít khí thở”, Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng cần phải xác định ông này có “đủ kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” hay không thì “mới có thể xác định được việc điều khiển xe của ông Lâm Tươi có vi phạm quy tắc giao thông hay không”. Đây rõ ràng là một sự định hướng các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Phước nói chung, Tòa án tỉnh này nói riêng, xác định ông Lâm Tươi “đủ kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” để trên cơ sở đó xác định ông này không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông làm ông Quý thiệt mạng. Thế nhưng Tòa cấp cao khi định hướng như vậy là có “khôn” mà không “ngoan”, một bằng chứng nữa về cái sự điên của cấp tòa này trong vụ án ông Lương Hữu Phước.
Trước hết, “đủ kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” không đồng nhất với “không vi phạm quy tắc giao thông”. Thực tế cho thấy tuyệt đại đa số các tai nạn giao thông đường bộ là do những người có giấy phép lái xe, tức về nguyên tắc đủ kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông, gây ra.
Tiếp theo, điều này mới thực sự là loạn, nếu cơ quan điều tra hay tòa án có quyền xác định ông Lâm Tươi đủ kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì giấy phép lái xe quy định tại Điều 58 Luật giao thông đường bộ mặc nhiên thành giấy lộn, điều này đến lượt nó biến mọi cung đường ở Việt Nam thành lò sát sinh bởi không thể nào khác được. Lẽ dĩ nhiên, Nhà nước Việt Nam không đời nào để cho định hướng giết người này của Tòa cấp cao thành hiện thực. Phân tích như vậy để thấy Tòa cấp cao đã được HĐXXPT và lãnh đạo Tòa án tỉnh Bình Phước “chạy án” hiệu quả đến như thế nào!
Một bằng chứng khác về quyết tâm kết tội ông Phước của Tòa cấp cao là phát biểu của Phạm Hồng Phong phó Chánh án tòa này với tư cách Đại biểu Quốc Hội vào sáng ngày 13/6 khi Quốc Hội tranh luận về những vi phạm tố tụng nghiêm trọng của ngành tư pháp thời gian qua, đặc biệt những dấu hiệu oan sai của các bản án kết tội Hồ Duy Hải và Lương Hữu Phước. Ông ta không úp mở: “Không nên qua một vài thông tin mà đưa ra nhận định thiếu cơ sở, để thế lực phản động lợi dụng, chống phá!” (2).
Tóm lại, theo những cách thức khác nhau, từ lấp liếm trắng trợn vụ ông Phước tự sát đến định hướng các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận bao che hành vi phạm “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” của ông Lâm Tươi cũng như công khai bác bỏ nhận định bản án phúc thẩm có dấu hiệu làm oan ông Lương Hữu Phước của các Đại biểu Quốc Hội, Tòa cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh ngay từ bây giờ đã khẳng định “bị cáo Phước có tội!”
Nấc cuối theo ngành dọc để “liên danh” HĐXXPT – lãnh đạo Tòa án tỉnh Bình Phước “chạy án” không nói thì ai cũng biết: Tòa tối cao.
Như tôi đã vạch rõ trong bài “Bác kháng nghị án tử hình Hồ Duy Hải là khai tử Pháp chế xã hội chủ nghĩa” (3), Hội đồng thẩm phán Tòa tối cao do Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa thay vì là biểu tượng Công lý lại trở thành biểu tượng lật đổ Công lý với tuyên ngôn “vi phạm tố tụng không làm thay đổi bản chất vụ án!” khi giám đốc thẩm án tử hình thanh niên này vào đầu tháng 5 vừa qua. Vì thế, lãnh đạo Tòa tối cao hiện tại, Chánh án Bình trước hết, hiển nhiên là thế lực bảo kê tối cao cho bản án phúc thẩm khiến ông Phước tự sát cũng như các án oan, sai ngút trời khác trên đất Việt. Việc Tòa cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, cánh tay nối dài của Tòa tối cao (thay thế Tòa phúc thẩm Tòa tối cao đóng trên địa bàn này) nhất quyết ông Phước có tội như trên vừa chứng minh là bằng chứng không thể chối cãi về sự bảo kê tối cao này.
Các cơ quan quyền lực địa phương và trung ương là những địa chỉ “chạy án” khác. Thực vậy, các cơ quan này với chức năng thẩm định nhân sự và giám sát hoạt động tư pháp là đáng gờm, nhất là trong trường hợp xét xử bê bối, trái pháp luật. Do đó, o bế lãnh đạo các cơ quan này là chuyện tòa án không thể không làm, có thể coi là “chạy án phòng ngừa” vậy. Điều này lý giải vì sao tất cả các đơn đề nghị tham gia phiên tòa phúc thẩm lần 2 để thực hành giám sát tư pháp mà Luật sư Dương Vĩnh Tuyến gửi đến Thường trực Đảng bộ ĐCSVN, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước đều rơi vào “im lặng đáng sợ”. Việc Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh này “im như thóc” trong buổi tranh luận tại nghị trường về oan, sai do tư pháp gây ra trong đó có vụ ông Phước là bằng chứng nữa về sự thành công đáng buồn của “chạy án” này.
Quốc Hội Bao Công
Công dân Lương Hữu Phước tự sát không chỉ vì quá uất ức vì bị xử tù oan. Ông đã lựa chọn cái chết cho mình một cách hoàn toàn có ý thức: “Nếu cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chứ!”. Thế nhưng, trong bối cảnh tham nhũng đã trở thành quốc nạn, mong mỏi ấy của ông sẽ không thể nào thành hiện thực. Chẳng khác gì khát khao không tưởng của người dân thấp cổ bé họng trong xã hội xưa về một sự đảo ngược thực tại bất công mà ca dao sau đây thể hiện:
Bao giờ cho đến tháng Ba,
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng.
Hùm nằm cho lợn liếm lông,
Một chục quá hồng nuốt lão tám mươi.
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười,
Con gà be rượu nuốt người lao đao.
Lươn nằm cho trúm bò vào,
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô.
Lúa mạ nhảy lên ăn bò,
Cỏ năn cỏ lác rình mò bắt trâu.
Gà con đuổi đánh diều hâu,
Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông.
Mặc dầu vậy, cái chết của ông Phước không phải và không thể là vô ích một khi “thức tỉnh” mà ông mong muốn được đặt đúng chỗ, cụ thể là các định chế quyền lực Nhà nước khác với Tòa án. Đó là Chủ tịch nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (gọi tắt là VKSNDTC) và Quốc Hội. Những gì đã và đang diễn ra liên quan đến vụ Hồ Duy Hải cho ta mạnh mẽ niềm tin này.
Trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí đã kháng nghị bản án phúc thẩm tử hình Hồ Duy Hải do có rất nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Sau khi Hội đồng thẩm phán Tòa tối cao bác kháng nghị, giữ nguyên án tử hình đối với người này thì Viện trưởng Trí khẳng định sẽ kiến nghị Tòa tối cao xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm. Về phía cơ quan lập pháp, các Đại biểu Quốc Hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa, Hoàng Đức Thắng đã mạnh mẽ phản đối Quyết định này của Tòa tối cao. Tiếp đó, Ủy ban tư pháp của Quốc Hội do bà Lê Thị Nga làm Chủ nhiệm đã họp phiên toàn thể để đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc Hội yêu cầu Tòa tối cao xem xét lại quyết định của mình theo quy định tại Điều 404 BLTTHS. Trên tinh thần này, Công lý rồi sẽ đến với ông Phước theo quy trình sau đây.
Sau khi hai bản án sơ thảm và phúc thẩm lần 2 bị Tòa cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh hủy vào ngày 12/6 để giao Công an tỉnh Bình Phước điều tra lại vụ án, Tòa án tỉnh này tiến hành xử sơ thẩm với “án bỏ túi” theo đó ông Phước có tội. Trên cơ sở kháng cáo của vợ ông Phước là bà Lê Thị Tư và kháng nghị của Viện trưởng VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, Tòa cao cấp tại đây tiến hành xử phúc thẩm và y “án bỏ túi” của phiên tòa sơ thẩm.
Căn cứ yêu cầu kháng nghị của vợ ông Phước hoặc một cách chủ động, Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm. Trên cơ sở kháng nghị này Hội đồng thẩm phán Tòa tối cao gồm Chánh án Nguyễn Hòa Bình, nếu đến lúc đó vẫn chưa bị thay thế, tiến hành phiên tòa giám đốc thẩm. Phán quyết của phiên tòa này cũng sẽ là “án bỏ túi” với nội dung “bác kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC, giữ nguyên bản án phúc thẩm”. Trong trường hợp đó, Điều 404 BLTTHS 2015 được kích hoạt. Viện trưởng VKSNDTC và Ủy ban tư pháp của Quốc Hội kiến nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chánh án Bình và Hội đồng thẩm phán xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.
Nếu Hội đồng thẩm phán Tòa tối cao bác bỏ yêu cầu, kiến nghị của các định chế nêu trên hoặc xem xét nhưng vẫn giữ nguyên Quyết định giám đốc thẩm thì Ủy ban thường vụ Quốc hội căn cứ Khoản 4 Điều 74 Hiến pháp để đình chỉ việc thi hành Quyết định giám đốc thẩm và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản tố tụng trái pháp luật này tại kỳ họp gần nhất. Quy định này của Hiến pháp ghi rõ: “Ủy ban thường vụ Quốc hội đình chỉ việc thi hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất”.
Tóm lại, trong bối cảnh Việt Nam chưa có Tam Quyền Phân Lập (phân tách quyền hạn của ba nhánh quyền lực Nhà nước là lập pháp, hành pháp và tư pháp), Quốc Hội đang thực sự đóng vai trò Bao Công – xử án công chính để bảo vệ Công lý nước nhà và qua đó, điều này quan trọng không kém, dập tắt cuộc đảo chính chống lại Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Việt Nam do Tòa tối cao tiến hành dưới sự chỉ huy trực tiếp của Chánh án Nguyễn Hòa Bình được các thế lực tham nhũng sừng sỏ chống lưng.
Vì thế, tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng một ngày không xa công dân Lương Hữu Phước sẽ được tuyên vô tội và lúc đó ông đã có thể ngậm cười nơi chín suối!
Chú thích
- Bình Phước họp báo vụ bị cáo nhảy lầu tự tử, VnEexpress, 30/5/2020.
- Đại biểu Quốc Hội: không nên lấy vài việc để đánh gia ngành tư pháp, VNexpress, 15/6/2020.
- Bác kháng nghị án tử hình Hồ Duy Hải là khai tử Pháp chế xã hội chủ nghĩa – Kỳ 1 (13/05/2020), Kỳ 2 (18/05/2020), Kỳ 3 (26/05/2020), Kỳ 4 – Kỳ cuối (28/05/2020), Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt.
- TAND tối cao yêu cầu báo cáo vụ bị cáo tự tử sau khi nghe tuyên án, Tuổi trẻ, 29/5/2020.
Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam.
Leave a Comment