Quảng Cáo

Câu chuyện về tư duy tiểu nông và bài toán lớn cho nền kinh tế

Quảng Cáo

Đỗ Ngà|

Quán sát những nước tiến bộ làm nông nghiệp, ta thấy họ có xu hướng tỉa bỏ một số trái non để cho cây dồn sức nuôi những quả còn lại cho thật tốt. Chưa hết, khi thu hoạch họ thẳng tay loại bỏ những quả đèo đẹt không đúng chuẩn hoặc không đúng size rồi sau đó đóng bao bì và xuất đến nơi tiêu thụ.

Việc định hình thói quen cho nhà sản xuất như vậy ở những nước tiến bộ là đồng loạt, ở bất kì một người nông dân nào họ cũng đều không có tư tưởng tận thu mà thay vào đó, họ chăm chú vào mục đích duy nhất là chất lượng sản phẩm. Điều này có được là nhờ sự triển khai chính sách phát triển nông nghiệp ở những nước đó. Chính sách này được hiệp hội các nhà làm nông định hình và thống nhất triển khai đồng loạt. Chính vì thế mà nền nông nghiệp đất nước sẽ được 2 cái lợi:

Cái lợi thứ nhất là giúp cho thị trường có thói quen tiêu thụ hàng có chất lượng cao, từ đó định hình được phân khúc tiêu thụ cho thị trường. Khi thị trường định hình ở phân khúc cao thì chính nó là động lực để đưa nền sản xuất đi vào chiều sâu chất lượng và đề cao tính bền vững.

Cái lợi thứ nhì, nó giúp nông dân bán được hàng với giá cao thu lợi lớn. Vì sao? Vì với cách làm như vậy, họ sẽ triệt được những sản phẩm kém chất lượng có giá rẻ tồn tại ngoài thị trường để dồn sức mua của thị trường cho hàng chất lượng cao. Mà hàng chất lượng cao thì giá bao giờ cũng cao. Mà như ta biết, nếu thị trường tồn tại hàng kém chất lượng, thì tất người tiêu dùng sẽ chọn mua hàng giá rẻ như là lẽ đương nhiên, và từ đó hàng kém chất lượng giá sẽ dồn ép hàng chất lượng cao và thế bế tắc vì mất thị phần. Mà khi thị trường chuộng hàng kém chất lượng như Việt Nam, thì tất nhiên nông dân cũng phải làm hàng kém chất lượng để đáp ứng thị trường. Mà hàng kém chất lượng thì nông dân không có thu nhập, thậm chí họ phải bỏ làm nông vì giá rẻ bèo và thế là ngành nông nghiệp chết.

Được biết, nước Úc là quốc gia nông nghiệp, là đất nước mà mức nhập bình quân đầu người của người nông dân khoảng 100.000 USD/người, cao hơn bình quân đầu người toàn quốc khoảng 57.000 USD/người. Như ta biết, nước Úc là quốc gia nông nghiệp mà mức sống người Úc còn cao hơn cả quốc gia công nghiệp mạnh như Nhật Bản. Để có được kết quả như vậy, tất nhiên chính phủ Úc không bao giờ phá vỡ kết cấu thị trường-nhà nông đã định hình ở phân khúc cao như vậy. Và tất nhiên nếu để xảy ra hiện tượng bán phá giá (tức sản phẩm chất lượng kém có giá rẻ) xuất hiện phá vỡ kết cấu như trên thì khi đó phân khúc thị trường bị hạ thấp và ngành nông nghiệp rơi vào bế tắc khó khăn không lối thoát

Hiện nay tất cả các nước tiến bộ như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Hà Lan vv… đều xây dựng một kết cấu cho ngành nông nghiệp theo mô hình “thị trường ở phân khúc cao – nông nghiệp phát triển bền vững”. Và chỉ có kết cấu này, thì nông nghiệp mới giàu mạnh và nhân dân mới xài được hàng tốt. Như ta biết, khi các nước nghèo nhập nông sản vào Mỹ thì tất họ sẽ bán sản phẩm với chất lượng thấp giá rẻ (tức bán phá giá), thì tất nhiên chính tác nhân này sẽ kéo thị trường tiêu thụ xuống phân khúc thấp hơn và khi đó kết cấu “phân khúc thị trường cao – nông nghiệp phát triển bền vững” có nguy cơ bị gãy. Mà khi kết cấu này bị gãy, thì ắt ngành nông nghiệp sẽ phát triển thụt lùi trở về mô hình “phân khúc thị trường thấp-nông nghiệp khốn đốn” như Việt Nam hiện nay. Đó là lý do sâu xa Mỹ đánh thuế bán phá giá lên hàng Việt Nam.

Tương tự như vậy thì ngành khác cũng thế, kết cấu “phân khúc thị trường cao-nền sản xuất bền vững” là con đường mà Việt Nam cần xây dựng. Đây là tư duy Âu Mỹ, một tư duy mà người Nhật học rất tốt nhưng người Trung Quốc vẫn chưa học được. Lâu nay, Trung Quốc xây dựng phân khúc thị trường nội địa của họ tiêu thụ hàng kém chất lượng, mục đích là dồn hàng chất lượng cao xuất khẩu. Cuối cùng khi Mỹ ra tay trừng phạt kinh tế thì Bắc Kinh mới chạy đôn chạy đáo “xây dựng sức mua nội địa”. Mà sức mua tăng khi và chỉ khi người dân có thói quen dùng hàng có chất lượng (Ví dụ như: một đôi giày Nike chính hiệu có giá bằng 10 đôi giày dỏm) thì sức mua ắt sẽ tăng. Thế nhưng giờ mới xây dựng sức mua thì đã quá muộn, vì thói quen người tiêu dùng không thể xây dựng một sớm một chiều. Tư duy xây dựng “phân khúc thị trường thấp-ngành sản xuất khốn đốn”, theo tôi đấy là tư duy tiểu nông. Nó vô cùng tai hại. Nếu nhà hoạch định chính sách không có kế hoạch xóa bỏ nó thì đất nước mãi không tiến bộ.

Thiết nghĩ thay vì cứ oang oang bù lu bù loa Mỹ áp thuế bán phá giá thì Việt Nam nên nhìn lại chính sách phát triển nông nghiệp, mà xa hơn là chính sách phát triển công nghiệp và dịch vụ. Thế giới đang trên đà phát triển, ở tầng thấp như Việt Nam chỉ có thể là cải tiến theo người ta để hòa nhập chứ đừng ngồi ì một chỗ la làng “Sao mấy ông ỷ mạnh hiếp yếu?”. Một chính quyền tư duy tiểu nông, với lãnh đạo toàn tư duy tiểu nông, thì tất Việt Nam cứ mãi luẩn quẩn ở cái chuồng “phân khúc thị trường thấp-ngành sản xuất khốn đốn”, vẫn mãi như thế thôi. CS làm không nổi bài toán “thị trường ở phân khúc cao – nền sản xuất phát triển bền vững” đâu. Không bao giờ.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:
https://www.sggp.org.vn/australia-lam-giau-tu-nong-nghiep-500157.html

http://vietq.vn/my-dieu-tra-ap-thue-chong-ban-pha-gia-may-cat-co-tu-viet-nam-d175375.htm

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux