Hôm 24/6 chính quyền bất ngờ bắt giữ một số người đưa tin về vụ Đồng Tâm gần đây.Trong đó có các dân oan Dương Nội gồm ba mẹ con Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và bà Nguyễn Thị Tâm.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn hôm 24 tháng 6 năm 2020, liên quan vụ việc vừa nêu, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người có hợp đồng tư vấn, bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho anh Trịnh Bá Phương, nói:
“Rạng sớm sáng nay, tôi có được thông tin về việc chính quyền bắt giữ ba người trong gia đình chị Cấn Thị Thêu, gồm cả hai con trai là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư.
Cho đến nay, chính quyền vẫn chưa thông tin chính thức về lý do bắt giữ họ. Thế nên, đã gây nên nhiều sự đồn đoán không thể kiểm chứng được. Trong thời gian gần đây, tôi cũng biết cả ba thường đưa những thông tin và phát ngôn phê phán hết sức thẳng thắn về những diễn biến xung quanh vụ án Đồng Tâm có thể không làm hài lòng chính quyền. Nếu chỉ ở mức độ thực hiện quyền ngôn luận mà bị bắt giữ thì điều đó thật đáng lo ngại. Cho nên, tôi nghĩ có thể có lý do nghiêm trọng hơn để giải thích cho việc bắt giữ người này.
Riêng đối với trường hợp Trịnh Bá Phương, thì bạn ấy đã có hợp đồng với văn phòng luật sư chúng tôi để nhờ tư vấn, bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho mình trước pháp luật. Thế nên, chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu cơ quan tố tụng nào ở Hà Nội đã thực hiện việc bắt giữ để sớm liên hệ làm thủ tục đăng ký bào chữa cho Phương.”
Đánh vào lực lượng dân oan
Bà Cấn Thị Thêu, một dân oan, một nhà tranh đấu, vào năm 2014 từng bị tuyên phạt 15 tháng tù với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ khi cùng gia đình không cho chính quyền cưỡng chế đất vì phản đối việc đền bù với giá không hợp lý. Đến năm 2016, bà Thêu tiếp tục bị tuyên án 20 tháng tù với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ khi tham gia biểu tình ôn hòa cùng nhiều người khác.
Anh Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư là hai con trai của bà Thêu cũng cùng bà thường xuyên lên tiếng về những bất công xã hội.
Bà Nguyễn Thị Tâm, hay còn được biết là Tâm Dương Nội nổi tiếng bởi các video trực tiếp bà tường thuật tại những điểm nóng như khi đi kiện tụng, các lần biểu tình hoặc phỏng vấn dân oan.
Nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, người thường xuyên liên lạc với gia đình Chị Thêu, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 24 tháng 6 năm 2020, nhận định:
“Việc hôm nay họ tấn công vào bắt gia đình Chị Thêu và ở Dương Nội thì có thêm chị Tâm, thì theo tôi họ đang đánh vào lực lượng dân oan, vì đấy là điểm nóng có sức mạnh đoàn kết, và có nhiều tiếng nói mạnh mẽ. Việc bắt dân oan thì có nhiều mục đích, nhưng có lẽ mục đích gần nhất có lẽ do sắp tới đây có phiên xử 29 người dân Đồng Tâm, thì đây cũng là một nhân tố lên tiếng mạnh mẽ nhất. Sau những sự việc bức bối, dân oan Dương Nội cũng đã chia sẻ rất là nhiều với các bà con Đồng Tâm, họ có cùng nỗi oan ức với nhau. Từ chỗ đó tôi cho rằng việc bắt giữ, tấn công vào Dương Nội hôm nay có liên quan trực diện đến phiên xử Đồng Tâm sắp tới.”
Ông Đào Công Sự, một dân oan ở Dương Nội, một người thường tranh đấu với Chị Thêu trước đây, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 24 tháng 6 năm 2020, về việc bắt giữ Chị Tâm và gia đình Chị Thêu:
“Trong việc này thì bà con dân oan chỉ biết chờ giải quyết, không biết vì cái gì lại bắt 3 mẹ con nhà người ta, hôm qua ở Dương Nội bắt 4 người. Việc ở Dương Nội thì từ lâu rồi lên đến chính phủ, chỉ chờ chính quyền giả quyết, không biết vì sao lại bắt người. Bà con dân oan đang đi tìm hiểm xem, không đọc lệnh mà đến bắt người như thế, thì đang đi hỏi là đang giữ người ở đâu.”
Thời gian gần đây, công an liên tục sách nhiễu gia đình Bà Cấn Thị Thêu, một trong những nguyên nhân công an sách nhiễu, được bà cho RFA biết trước khi bị bắt, vì qua sự việc Đồng Tâm, gia đình bà đã cùng với tất cả những người có lương tri, không im lặng trước bất công, nên đã đưa rất nhiều tin tức về Đồng Tâm, để lên án tôi ác của chính quyền.
Việc hai con trai của bà Cấn Thị Thêu là nhà hoạt động xã hội dân sự Trịnh Bá Phương, và em trai Trịnh Bá Tư, đã liên tục cập nhật tin tức về vụ việc này lên mạng xã hội, là một hành động mà chính quyền bưng bít thông tin như Việt Nam không hề muốn.
Đến nay, anh Trịnh Bá Phương đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các viên chức tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, để nói rõ tất cả thông tin liên quan vụ công an tập kích tấn công người dân Đồng Tâm, vào giữa đêm 9 tháng 1 năm 2020.
“Sự sợ hãi của chính quyền”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 24 tháng 6 năm 2020:
“Tôi nghĩ chính quyền này càng ngày càng sợ hãi, ai tìm cách nói ngược họ thì họ tìm cách họ diệt. Gia đình Chị Thêu, Phương, Tư và Chị Tâm có tiếng nói rất đanh thép… tất cả những cái đó ngứa mắt họ, và họ đã tấn công bắt giữ hôm nay… Tôi nghĩ việc bắt giữ này rất là nghiêm trọng. Việc bắt giữ này theo tôi có lẽ liên quan nhiều thứ chứ không chỉ vì vụ Đồng Tâm. Vì vụ Đồng Tâm chỉ liên quan Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư là chính, nhưng họ bắt cả chị Thêu và chị Tâm, trong khi Chị Tâm chỉ thường lên tiếng cho dân oan Dương Nội.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, có thể nói là liên quan vụ Đồng Tâm, nhưng từ giờ cho đến hết năm, cho đến hết đại hội tới của đảng cộng sản Việt Nam, thì bất kể tiếng nói nào họ không thích thì họ có thể bắt giam.
Cho đến tối muộn ngày 24 tháng 6 năm 2020, báo chí nhà nước mới đồng loạt đăng tin đã khởi tố, bắt tạm giam Bà Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư với cáo buộc ‘Làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ theo Điều 117 – Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Hòa Bình được báo chí nhà nước trích dẫn, lực lượng chức năng đã thu giữ một số tài liệu như: ‘Cẩm nang nuôi tù’, ‘Phản kháng phi bạo lực’, ‘Đặt bàn tay lên Việt Nam’, ‘Chính trị bình dân’. Biên bản bắt giữ ghi rõ, những cuốn sách này đều mang tên tác giả Phạm Đoan Trang, cùng một số tài liệu viết tay bị cho là có nội dung liên quan đến hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước.
Tuy nhiên bài báo lại không nhắc đến việc bắt giữ Anh Trịnh Bá Phương và Bà Nguyễn Thị Tâm, cũng như không nhắc đến vụ việc Đồng Tâm.
Gia tăng đàn áp
Theo Thư viện Pháp luật, Điều 117 – Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nếu bị kết tội, có thể bị phạt từ 05 năm đến 12 năm tù giam. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người chuẩn bị phạm tội này, cũng bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 24 tháng 6 năm 2020, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng, nhận định:
“Trước những sự kiện lễ lạc hay đại hội đảng, thì cộng sản vẫn tìm cách bắt bớ, bắt càng nhiều người càng tốt. Vừa rồi họ bắt Chị Thêu và anh Phương là những người đấu tranh cho dân oan, đấu tranh chống sự oan ức, đấu tranh cho dân chủ. Đặc biệt anh Trịnh Bá Phương có viết một số bài chứng minh sai lầm của công an trong vụ Đồng Tâm. Vừa rồi thì công an lại công bố tố cáo 29 người ở Đồng Tâm. Không biết việc bắt bớ có liên quan không, nhưng tôi xem thông tin thấy trước đại hội đảng, thì họ ra sức bắt bới để dẹp yên dư luận, để chống lại những ý kiến phản biện…”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống chắc chắn rằng, đây là chính sách dọa nạt, chính sách bắt bớ để rồi những người có chút lương tri, có chút tinh thần phản biện, phải co lại, không dám nói gì cả, để bảo đảm cho sự dối trá của đảng được thực hiện một cách suôn sẻ… Ông cho biết, ông thấy sự khủng bố, đàn áp của cộng sản hiện nay đã tăng lên.
Leave a Comment