Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ là chủ quyền những hòn đảo, những bãi đá nằm trên hải lộ hướng về phía Nam mà còn là nguồn tài nguyên dồi dào nằm sâu dưới đáy đại dương. Trữ lượng dầu khí lớn lao chưa khai thác ở đây có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của một nền kỹ nghệ sản xuất không được phép ngừng nghỉ như của Trung Quốc. Chính vì thế, viễn ảnh đói dầu, khát nhiên liệu trong tương lai buộc Trung Quốc chiếm lấy Biển Đông bằng mọi giá, mang một ý nghĩa sống còn của Bắc Kinh.
Dự án Cá Rồng Đỏ là dự án thăm dò khí đốt ký kết giữa Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam với công ty Repsol của Tây Ban Nha vào đầu năm 2017, gần quần đảo Trường Sa. Đó là lô 136-03 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cũng bắt đầu từ năm này, cuộc tranh chấp chung quanh quyền thăm dò, khai thác Cá Rồng Đỏ của Repsol cũng như Cá Voi Xanh của ExxonMobil bùng nổ, nhất là sau khi Repsol xác nhận có một mỏ khí đốt với trữ lượng lớn trong vùng này. Nhân danh chủ quyền lịch sử, Trung Quốc nhiều lần khẳng định không ai có quyền thăm dò, khai thác trong vùng biển thuộc “Đường Chín Đoạn” hoặc trong vùng tranh chấp.
Tình hình gay cấn đến nổi có lúc Trung Quốc đã lên tiếng hăm doạ tấn công các vị trí trú đóng của binh lính Việt Nam ở Trường Sa, nếu Việt Nam không chấm dứt hoạt động của Repsol tại Cá Rồng Đỏ. Áp lực của Trung Quốc buộc Bộ Chính Trị CSVN phải yêu cầu Repsol ngưng việc thăm dò từ giữa năm 2018, dù Repsol đã chi tiêu hàng trăm triệu đô-la cho dự án này.
Sau gần 3 năm ngưng hoạt động, Tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ban Nha đã quyết định bỏ chạy khỏi Biển Đông. Các nguồn tin cho biết trong tháng Sáu vừa qua công ty Repsol đã thoả thuận chuyển nhượng cổ phần cho PetroVietnam 3 lô dầu khí trong đó có mỏ Cá Rồng Đỏ, tức lô 136-3. Tin tức này bị chính phủ Việt Nam giấu kín không dám cho báo chí loan tải như các tin tức khác. Điều này cũng dễ hiểu vì làm nổi bật sự thất bại nặng nề về chủ quyền biển đảo trước sức ép của Trung Quốc.
Sự kiện Repsol phải bỏ chạy khỏi Việt Nam mang 3 ý nghĩa:
Thứ nhất, trên Biển Đông, Trung Quốc không chỉ bành trướng bằng sức mạnh quân sự như xây dựng các căn cứ đồn trú hải-không quân hay cho tập trận thường xuyên để dằn mặt Hoa Kỳ. Đối với Việt Nam, Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế chẳng những phô trương sức mạnh bằng cách đâm chìm tàu cá mà còn đi xa hơn như ngăn cấm các công ty Việt Nam và những công ty liên hệ thăm dò, khai thác dầu và khí đốt, dù cho những mỏ ấy nằm trong thềm lục địa Việt Nam.
Việc Repsol phải rút lui sau khi tốn nhiều công sức và tiền bạc cho thấy sức ép của Trung Quốc mạnh tới chừng nào, ngay đối với các nước muốn hợp tác với Việt Nam. Trong những trường hợp như vậy, Việt Nam cũng cho thấy không đủ khả năng tự bảo vệ mà chỉ rón rén từ bỏ quyền lợi của mình để bảo vệ cái gọi “16 vàng – 4 tốt” viễn vông!
Thứ hai, thời gian vừa qua Hoa Kỳ đã đưa ba hàng không mẫu hạm tới Biển Đông. Hành động này của Hoa Kỳ rõ ràng là một thông điệp cho đối thủ là Trung Cộng, thấy rằng nước Mỹ đã sẵn sàng nghênh chiến, trong trường hợp một cuộc chiến tranh bất đắc dĩ xảy ra. Nhưng điều đó không có nghĩa Hoa Kỳ sẵn sàng giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích cho các công ty dầu khí đang làm ăn với Việt Nam.
Nó cũng cho thấy chính sách ba không trong quan hệ quốc phòng đã cột tay nhà cầm quyền Hà Nội trong việc bảo vệ lợi ích của chính mình. Bám trụ nhiều năm với chiến lược ba không rồi biến tướng thành bốn không như hiện nay, cho thấy tưởng là khôn ngoan trong chiến lược đu dây để thủ lợi, hóa ra đây là chiến lược sai lầm và ngu xuẩn. Nó không đủ mềm dẻo để thay đổi, không đủ quyết tâm để đi gần với Hoa Kỳ hơn, hầu được Hoa Kỳ giúp bảo vệ đối kháng lại gã khổng lồ Trung Quốc trên Biển Đông.
Thứ ba, sự rút lui của Repsol vừa qua càng cho thấy hơn lúc nào hết, Việt Nam phải thay đổi thái độ một cách tích cực. Trước khi Trung Quốc có những bước đi hung hãn hơn như công bố thiết lập vùng Nhận diện Phòng không trên Biển Đông, Việt Nam phải tiến hành kiện Trung Quốc trên mặt pháp lý.
Làm được chuyện này, nhà cầm quyền CSVN không chỉ mang được vấn đế Biển Đông ra trước quốc tế mà còn vận động được sự đồng tình và ủng hộ tích cực của Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong vùng, về quyết tâm sẵn sàng đối kháng lại Bắc Kinh.
Tóm lại, Việt Nam phải mạnh dạn đứng thẳng người phát đơn kiện Trung Quốc, cho thế giới thấy Việt Nam thật sự chống Trung Quốc để bảo vệ lãnh thổ và toàn vẹn Biển Đông, chứ không phải nói bằng miệng như những năm vừa qua.
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment