Vì sao đa số người Việt nghĩ đất nước có dân chủ? (*)
Tin về chuyện có tới trên 70% người Việt Nam tin rằng đất nước đã có dân chủ vừa đáng ngạc nhiên và vừa là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
Điều đáng ngạc nhiên là một tỷ lệ cao tới như vậy cho rằng đất nước đã có dân chủ khi chỉ có duy nhất một đảng được hoạt động. Nó cũng giống như chuyện coi có dân chủ trong một gia đình đông con nhưng chỉ có ông bố quyết tất cả mọi thứ còn bà mẹ và con cái tồn tại cũng như không. Bà mẹ và các con cũng không được phép lập nhóm để bàn về cách chống lại sự gia trưởng của ông bố và họ cũng không được nói cho hàng xóm biết ông quá quắt ra sao. Gia đình đạt được thành công gì thì đó đều là công của bố còn có sai lầm gì thì đó là do các lý do khách quan và không có gì đáng để bàn nhiều. Nếu ai dám chú ý quá nhiều tới các lỗi lầm của ông bố, họ sẽ bị bỏ đói hay thậm chí bị ông thượng cẳng chân hạ cẳng tay.
Quả thực nếu ai hỏi tôi Việt Nam có dân chủ không khi tôi tốt nghiệp đại học hồi đầu thập niên 90 có lẽ tôi cũng sẽ trả lời “có”. Lý do đơn giản là khi đó tôi hiểu rất mù mờ về dân chủ. Các sinh viên trường tôi không có cơ hội để tìm hiểu về điều xa xỉ như dân chủ nên khó có thể hiểu tường tận về nó. Nên nhớ khi đó Việt Nam còn giữ thị thực xuất cảnh và kể cả bạn đã có hộ chiếu vẫn phải xin nhà nước cho xuất cảnh mỗi khi cần ra nước ngoài. Mãi tới năm 1997 tôi vẫn không thể sang Liên Hiệp Quốc trong ba tháng như họ mời chỉ vì không có được visa xuất cảnh. Và khi đó Việt Nam cũng chưa có internet. Cũng phải nói thêm chỉ sang năm 1998 cả hai thứ đó đã thay đổi.
Dân chủ, theo cách hiểu của tôi, là người dân thực sự làm chủ trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Chẳng hạn họ có thể chủ động lập nhà xuất bản nếu họ muốn thay vì phải lập nhà xuất bản chui và trốn chạy công an chỉ vì làm điều Hiến pháp thừa nhận nhưng chính quyền lại không luật hoá điều đó cho người dân. Quan trọng hơn là mỗi người dân đều có thể tự ứng cử và vận động người dân bầu cho mình. Hiện nay nếu bạn không phải là đảng viên, đừng hy vọng có nhiều cơ hội trong chính trường. Còn nếu bạn định lập đảng cạnh tranh với đảng độc nhất hiện nay, người ta sẽ tìm ngay ra cớ để đưa bạn vào tù.
Một xã hội sẽ không thể có dân chủ khi dân trí chưa cao. Nếu dựa vào đóng góp của Việt Nam cho thế giới về tri thức như các đầu sách có trong thư viện tại các trường đại học quốc tế, các bài báo được trích dẫn hay cao hơn như các giải Nobel, mặt bằng kiến thức chung ở Việt Nam vẫn còn thấp. Trình độ dân trí cũng còn phụ thuộc vào mức độ tự do của truyền thông đại chúng. Người dân Việt Nam thường chỉ được biết những gì nhà nước muốn họ biết. Những kênh nói thẳng nói thật như VOA hay BBC bị chính quyền dùng tường lửa chặn. Báo chí trong nước chỉ đưa tin chính trị theo cách nhà nước muốn để báo khỏi bị đóng cửa. Đó là lý do có người hỏi tôi ông Lê Đình Kình là ai mà tôi đóng góp tiền giúp gia đình ông. Khi truyền thông thực sự tự do, chuyện chính quyền vào nhà đảng viên kỳ cựu và hành hình ông tại chỗ vào lúc 3-4 giờ sáng sẽ gây sốc cho toàn xã hội và sẽ là đề tài được truyền thông đưa đủ mọi góc cạnh trong một thời gian dài.
Với sự kiểm soát toàn bộ truyền thông của Đảng Cộng sản trong chính sách ngu dân, ít nhất là về hiểu biết chính trị, đa số người dân tin rằng họ đang sống trong nền dân chủ là hiểu được. Đó là còn chưa loại trừ những người không dám nói thật ngay cả khi trả lời các câu hỏi khảo sát vì tâm lý sợ hãi cũng như thói quen nói dối.
Để xác nhận những gì 70% người dân Việt Nam nhận thức về dân chủ chỉ là ngộ nhận chúng ta chỉ cần nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc. Nếu hỏi người Việt Nam rằng Trung Quốc có dân chủ không có lẽ nhiều người sẽ nói rằng không. Nhưng trên 70% người Trung Quốc cũng lại cho rằng họ đang sống trong một nền dân chủ. Và nên chăng chúng ta tập trung vào sự tự do thay vì dân chủ vì như người ta nói trong xã hội có hai con sói và một con cừu thì khả năng cừu bị thịt qua bỏ phiếu là gần như chắc chắn./.
(*) Tựa nguyên thủy của tác giả
Leave a Comment