Tân Phong – Web Việt Tân
Luật Bảo Vệ Môi Trường sửa đổi mà chính phủ ông Phúc trình quốc hội theo đề nghị của Bộ Tài Nguyên – Môi Trường (TN-MT) về thu phí rác thải sinh hoạt tính theo … kilogram trở thành vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội bởi tính “phi thực tế” và dễ dẫn đến tình trạng tận thu khi sức dân đang cùng kiệt.
Báo Tuổi Trẻ có bài “người gom rác không thể mang theo cân khi hốt rác, Bộ nói sao?” khi đề cập khía cạnh thực thi của đề án mà Bộ TN-MT của ông Trần Hồng Hà đề xuất. Có thể tiên lượng được sự rối loạn trong công tác thu phí sẽ như thế nào vì hàng loạt các vấn đề liên quan tới …cái cân. Tuy vậy, xem ra thì đề án này sẽ sớm được quốc hội thông qua vì đơn giản là nó sẽ mang tới ngay lập tức một nguồn thu lớn cho ngân sách đang như “dòng sông đã cạn.”
Công bằng mà nói thì việc phân loại rác từ nguồn và thu tiền rác thải theo khối lượng là một công tác đáng khuyến khích và cần được đưa vào chương trình giáo dục cộng đồng từ sớm cũng như có chế tài xử phạt việc vi phạm xả thải như ở các quốc gia văn minh tiến bộ khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam, câu chuyện có thể hoàn toàn khác. Người dân không thể biết được nguồn thu phí “bảo vệ môi trường” này sẽ được xử dụng như thế nào. Giống như tiền phí bảo vệ môi trường được tính trên mỗi lít xăng, dầu cố định là 4.000 đồng/lit, chỉ riêng nguồn thu phí môi trường từ xăng dầu chiếm tới 1% GDP tương đương hơn 45.000 tỷ đồng/năm, xấp xỉ 5% thu ngân sách.
Đáng lẽ số tiền này phải được chi dùng vào các dự án xử lý ô nhiễm, chất thải tập trung qui mô lớn cho các đô thị quan trọng để góp phần giảm bớt tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng tại Việt Nam nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Số tiền thu được từ phí bảo vệ môi trường được bù đắp thâm hụt chi tiêu cho chính phủ và bổ sung cho phần chi thường xuyên cho bộ máy công quyền khổng lồ là chính. Không khí đô thị ở Việt Nam ở tình trạng tồi tệ và Hà Nội cùng TP.HCM luôn đứng ở top đầu những thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất thế giới.
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở Hà Nội nghiêm trọng tới mức đã nhiều lần nhà cầm quyền ra cảnh báo hạn chế người dân ra ngoài trong những ngày mà chỉ số không khí PM2.5 ở mức nguy hại. Nhưng đến nay không có một dự án hay biện pháp nào hữu hiệu được thực thi để giảm thiểu mức độ ô nhiễm này. Trong khi đó, tiền bảo vệ môi trường thì vẫn được bù đắp cho chi tiêu chính phủ. Còn người dân thì tiếp tục chịu đựng ô nhiễm và bệnh tật.
Một ví dụ nữa về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, được tính bằng 10% đơn giá nước sạch chưa bao gồm VAT, còn đối với xả thải trong sản xuất được tính theo lưu lượng xả thải theo qui định 53/2020/NĐ-CP của nhà cầm quyền CSVN là những qui định mới được áp dụng kể từ 1 tháng Bảy, 2020 và năm 2021 tới đây. Hy vọng rằng, nguồn kinh phí này sẽ được dùng đúng mục đích của nó là dùng để xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị, nước thải công nghiệp tập trung cho các khu đô thị chứ không phải là để …bù đắp chi thường xuyên trả lương cho Bộ Tài Nguyên – Môi Trường giống như tiền bảo vệ môi trường của xăng dầu.
Cần phải nhấn mạnh rằng ô nhiễm nước thải đô thị và nước thải công nghiệp ở Việt Nam là một lĩnh vực vô cùng tồi tệ. Trong suốt 45 năm qua, nhà cầm quyền CSVN chưa bao giờ xây dựng một công trình xử lý nước thải tập trung ở các khu đô thị. Sau chiến tranh, dân cư bùng nổ và quá trình đô thị hóa nhanh chóng nhưng thiếu qui hoạch và quản lý lỏng lẻo, nhà nước và các doanh nghiệp chỉ tập trung vào xây dựng đường sá và phát triển các dự án bất động sản để bán đất kiếm lời nhưng hạ tầng cấp thoát nước và xử lý nước thải đô thị cực kỳ yếu kém.
Các đô thị Việt Nam hiện nay đều ở tình trạng tương tự nhau, nước thải đô thị xả thẳng ra sông ngòi, úng lụt kinh niên khi có mưa và triều cường. Các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Biên Hòa, Cần Thơ… thì tình trạng này càng nghiêm trọng. Tất cả các dòng sông chảy qua TP Hà Nội hay TP.HCM đều trở thành những con sông chết, đen đặc, hôi thối, là nguồn lây nhiễm bệnh tật nguy hiểm cho cộng đồng dân cư sống ở hai bên bờ.
Kể từ 1975 tới nay, môi trường, môi sinh hoàn toàn bị bỏ mặc, bị phá hoại nghiêm trọng. Mặc dù cũng có những bộ luật, nghị định, thông tư bảo vệ môi trường ở trên giấy. Nhưng thực tế, một xã hội tham nhũng từ trên xuống dưới và phổ biến như Việt Nam thì tất cả những qui định luật pháp đều vô nghĩa. Môi sinh bị hủy hoại nghiêm trọng và cái giá phải trả trong tương lai chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều những “thành tựu kinh tế” thiển cận trước mắt.
Như vậy tới đây, các qui định mới về phí bảo vệ môi trường được tính theo đầu kilogram rác thải, theo từng m³ nước sinh hoạt sẽ được nhà cầm quyền CSVN tính toán chi ly từng xu. Có lẽ, cũng chẳng loại trừ khả năng Bộ Trưởng Trần Hồng Hà sẽ trang bị cho đội quân gom rác đủ cả cân lớn, cân nhỏ để cân rác tính tiền. Nghe thì như đảng thương dân lắm, cái gì liên quan tới THU của dân thì đảm bảo “công bằng” để không ai bị “thiệt.” Còn CHI tiền của dân ra sao thì là “quyền đảng, ý đảng.”
Ở Việt Nam có một “luật bất thành văn” rằng, cứ bộ ngành nào có “sáng kiến” thu thêm tiền cho ngân sách thì có quyền giữ lại một phần nguồn thu đó. “Miếng bánh” được giữ lại, to nhỏ ra sao thì tùy thuộc quyền lực của bộ ngành đó. Ví dụ như Bộ Công An đang là một siêu bộ “bá đạo” trong lĩnh vực tự tung, tự tác đưa ra các qui định về mức thu phí phạt về vi phạm giao thông và được giữ lại …70% nguồn thu này để sử dụng.
Nhưng nguồn thu đó không là cái “đinh” gì. Nguồn tiền thu được từ việc “làm luật” trên mọi tuyến đường, cung đường quốc lộ, tỉnh lộ của CSGT thậm chí có thể lớn hơn cả nguồn thu từ dầu khí và xuất khẩu than khoáng sản hàng năm. Tất nhiên, nguồn thu khổng lồ này chỉ chui vào túi các tướng lãnh trong ngành còn ngân sách thì chẳng được xu nào cả. Bộ ngành nào cũng có lĩnh vực riêng để “ăn”, Bộ Tài Nguyên cũng là một bộ ngành có nguồn thu lớn từ đất đai, khoáng sản và bây giờ là …rác. Không rõ, với đề nghị tính phí bảo vệ môi trường từng kilogram rác thải và từng m³ nước thải này, Bộ Trưởng Trần Hồng Hà bỏ túi được bao nhiêu cho Bộ TN-MT và cho riêng ông mỗi năm?
Sau dịch cúm Tàu, nền kinh tế gia công đơn giản Việt Nam chịu tác động khốc liệt. Ít nhất 30% doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, da giày, điện tử, gia công lắp ráp… đang cần “máy trợ thở.” Số lượng doanh nghiệp phá sản và xin dừng hoạt động vô thời hạn tăng hơn 60% so với năm 2019. Theo ước tính, toàn quốc khoảng 4 triệu lao động bị thất nghiệp và giảm 50% thu nhập. Riêng ở TP.HCM, có ít nhất hơn 100.000 lao động có hợp đồng đã thất nghiệp. Con số trên thực tế có thể lớn hơn 5-7 lần. Đồng lương eo hẹp của người lao động vốn chỉ đủ chi trả cuộc sống tối thiểu cũng còn khó. Nay không còn công ăn việc làm, mà chờ nhận được 1 triệu trợ cấp trên tivi khéo còn khó hơn cả lên trời.
Không chỉ có thế, người dân phải đối mặt với đủ các thuế phí đang tăng phi mã. Hóa đơn tiền điện kể từ tháng Tư đã trung bình tăng thêm ít nhất 35% dù công suất xử dụng thực tế không tăng, tiền nước kể từ 1 tháng Bảy, 2020 tăng thêm 10% phí bảo vệ môi trường và tới đây phí tiền rác thải chắc chắn cũng tăng đáng kể. Dân sinh cùng quẫn nhưng người dân Việt Nam vẫn cam chịu một cách kỳ lạ, như một đàn vịt ngoan ngoãn để đảng vặt tới những cái lông cuối cùng trước khi bị vứt vào vạc dầu sôi.
Chiều đi làm về, thấy hai bên lề đường những quán xá nhếch nhác vẫn đầy ngập người. Cánh đàn ông tụ tập sau giờ tan tầm, bù khú với những cốc bia hơi, vài bìa đậu chiên rẻ tiền, hô vang lừng “dzô, dzô.” Tương lai của đất nước này sẽ đi về đâu? Có lẽ, sẽ còn lâu lắm, 10 năm nữa, 20 năm nữa, khi “nhận thức của đám đông” không còn là những câu chuyện mông vú của showbiz hay “đốt lò” mua vui, mà là những quan tâm về chính trị bắt đầu từ ngay những thứ thuế phí như rác thải hay hóa đơn tiền điện tăng hơn 30% …biến thành những hành động đấu tranh cụ thể như xuống đường biểu tình, bãi công, bãi khóa.
Một xã hội chỉ có thể tiến hóa khi đám đông thị dân có được ý thức công dân và nhận thức chính trị. Điều mà còn đáng sợ hơn cả một nhà nước độc tài đó là “sự vô cảm phổ biến khắp nơi” mà Alexis de Tocqueville từng nói về một “chủ nghĩa cá nhân” khi con người chỉ biết tới Lợi, Dục. “Cố gắng để trở thành con ếch bị luộc chín cuối cùng” là những gì mà đại đa số những người lao động, những “giai cấp công nông” của thế kỷ 21 của đất nước này đang ráng sức.
Còn ở một khía cạnh khác, một thể chế đang cố gắng tìm mọi cách để vắt cùng kiệt tới những đồng xu cuối cùng của người dân để nuôi béo bộ máy công quyền của mình thì đó cũng là đoạn cuối của một kết cục diệt vong đã rất gần.
Tân Phong
Leave a Comment