Nguồn: “India and China have their first deadly clashes in 45 years”, The Economist, 16/06/2020 – Biên dịch: Phan Nguyên – Nghiên Cứu Quốc Tế
Hai đội quân đều có súng, pháo và xe tăng ở phía sau. Nhưng ở đằng trước, họ chỉ cầm gậy gộc và đá, khi màn đêm buông xuống vào ngày 15 tháng Sáu. Nhưng thế là đủ chết người. Khi cuộc ẩu đả kết thúc, và những tảng đá cuối cùng được ném đi, ít nhất 20 lính Ấn Độ nằm chết trong thung lũng Galwan đẹp như tranh vẽ trên núi Ladakh. Thương vong phía Trung Quốc vẫn chưa rõ bao nhiêu. Đây là những trường hợp tử vong do xung đột đầu tiên ở vùng biên giới nhiều đồi núi giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong 45 năm qua, chấm dứt kỷ nguyên mà trong đó hai cường quốc châu Á đã quản lý sự khác biệt giữa họ với nhau mà không phải đổ máu.
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã vướng vào đối đầu tại ba địa điểm ở Ladakh, một vùng lãnh thổ Ấn Độ ở cực bắc của nước này, trong hơn một tháng qua. Hồi tháng Tư, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã ngừng các cuộc tập trận và chiếm một loạt các đồn biên phòng hẻo lánh nằm dọc biên giới tranh chấp, được gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Cả hai bên nhanh chóng di chuyển quân đội và vũ khí hạng nặng về phía LAC. Khi binh sĩ hai bên đối đầu, ẩu đả đã nổ ra hai lần vào tháng Năm, tại hồ Pangong ở Ladakh và tại Naku La ở Sikkim, cách đó 1.200km về phía đông, dẫn đến thương tích nghiêm trọng cho cả hai bên. Tổng cộng, PLA đã chiếm được khoảng 40 đến 60 km2 lãnh thổ mà Ấn Độ coi là của mình, theo ước tính của Trung tướng H.S. Panag, cựu chỉ huy bộ tư lệnh phía Bắc của quân đội Ấn Độ.
Ngay cả khi đó, chính phủ Ấn Độ đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nhằm tránh gây ấn tượng rằng họ đã sơ hở, bị bất ngờ ở biên giới, đồng thời e ngại rằng một phản ứng dân tộc chủ nghĩa dữ dội sẽ khiến cho việc khắc phục tình hình trở nên khó khăn hơn. Khi các nhà ngoại giao và tướng lĩnh trao đổi qua điện thoại và gặp nhau ở biên giới, mọi thứ dường như lắng dịu. Vào ngày 9 tháng 6, chính phủ Ấn Độ cho biết Trung Quốc đã rút quân, lều và xe cộ tại thung lũng Galwan và một địa điểm khác (dù chưa rút khỏi hồ Pangong) và Ấn Độ đã đáp lại. Vào ngày 13 tháng 6, Tướng M.M. Naravane, chỉ huy quân đội Ấn Độ, vui vẻ tuyên bố rằng các cuộc đàm phán đã “rất hiệu quả”.
Cuộc đụng độ chết người hai ngày sau đó cho thấy rõ ràng chúng chưa đủ hiệu quả. Quân đội Ấn Độ ban đầu nói rằng một sĩ quan và hai binh sĩ đã bị chết “trong quá trình giảm leo thang”, mặc dù các nguồn tin quân đội sau đó đã thừa nhận một mức thương vong cao hơn nhiều. Quân đội nói thêm rằng “cả hai bên đều chịu thương vong”. Tin tức từ báo chí Ấn Độ cho rằng binh sĩ hai bên đã gặp mặt để thảo luận chi tiết về một cuộc rút quân thì ẩu đả nổ ra khiến các binh lính Ấn Độ ngã xuống một con dốc. Nitin Gokhale, một nhà phân tích quốc phòng Ấn Độ cho biết, “binh sĩ Trung Quốc dường như đã mang theo các thanh sắt, gậy được gắn hai đầu bằng đầu kim loại và đá. Phía Ấn Độ cũng mang theo một số thiết bị của họ”. Thậm chí 24 giờ sau cuộc đụng độ, một thiếu tá và một đại uý Ấn Độ vẫn được cho là đang bị phía Trung Quốc giam giữ.
Chính phủ Trung Quốc không hề hối hận. Họ nói rằng Ấn Độ đã vi phạm các thỏa thuận trước đó và “hai lần vượt qua biên giới để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp, khiêu khích và tấn công nhân viên Trung Quốc”. Hu Xijin, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo của nhà nước, đã thừa nhận thương vong phía Trung Quốc trong một dòng tweet. Nếu có binh sĩ PLA bị chết, đây sẽ là những trường hợp tử vong trong chiến đấu đầu tiên của Trung Quốc, không tính các sứ mạng bảo vệ hòa bình, kể từ những cuộc giao tranh với Việt Nam trong những năm 1980.
Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng hiện nay dường như là do Ấn Độ tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng ở phía đông Ladakh, bao gồm một con đường chính Bắc – Nam giúp di chuyển quân đội dễ dàng hơn và làm giảm lợi thế của Trung Quốc về mặt hậu cần. Rohan Mukherjee, một giảng viên Đại học Yale-NUS cho biết “Ngay bây giờ, những gì chúng ta đang nhìn thấy là mâu thuẫn của cả hai bên trước cách tiếp cận thể hiện năng lực và quyết tâm cao hơn của Ấn Độ đối với đường LAC”. Nhưng hai nước cũng đã bị xô đẩy đến tình trạng này bởi các biến động địa chính trị lớn hơn.
Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc đã là đối thủ của nhau trong một nửa thế kỷ (PLA từng đánh bại quân đội Ấn Độ trong một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngày vào năm 1962), nhưng sự cạnh tranh giữa hai bên đã tăng cao trong thập niên qua. Vùng biên giới đã trở nên căng thẳng hơn, với các cuộc xâm nhập của Trung Quốc ở Ladakh xảy ra vào năm 2013 và 2014, và một cuộc đối đầu kéo dài 73 ngày ở gần biên giới Bhutan vào năm 2017. Năm ngoái, Trung Quốc đã bất an khi Ấn Độ hủy bỏ địa vị tự chủ hiến định của bang Jammu và Kashmir và nhập Ladakh vào một lãnh thổ riêng biệt do Delhi quản lý trực tiếp. Các quan chức Ấn Độ cũng tăng cường luận điệu về việc chiếm lại toàn bộ lãnh thổ cũ của bang này, bao gồm cả một dải đất mà Pakistan nhượng cho Trung Quốc vào năm 1963. Ấn Độ lo lắng về ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc tại Pakistan, Nepal, Bhutan, Bangladesh và Sri Lanka, cũng như việc các tàu chiến Trung Quốc tràn vào Ấn Độ Dương.
Để đáp lại, các chính phủ Ấn Độ liên tiếp nhau đã xích lại gần hơn với Mỹ, trong đó Ấn Độ đã ký một hợp đồng mua vũ khí trị giá 3,5 tỷ đô la vào tháng 2, và tăng cường quan hệ với các đối thủ của Trung Quốc tại châu Á, như Việt Nam. Một “Bộ tứ” gồm các quốc gia nghi ngờ Trung Quốc, gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, hiện gặp nhau thường xuyên. Mặc dù Ấn Độ luôn nhấn mạnh rằng Bộ tứ không phải là một liên minh, Úc có thể sớm tham gia các cuộc tập trận hải quân liên quan đến ba quốc gia còn lại, bổ sung lĩnh vực hải quân vào hợp tác của nhóm này.
Bước ngoặt bạo lực trong tranh chấp biên giới có thể đẩy nhanh những xu hướng này. Nirupama Rao, cựu bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ và từng là đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, nói rằng “chúng tôi đang đứng trước một ngả rẽ đáng lo ngại và hết sức nghiêm trọng trong quan hệ với Trung Quốc”. Bà chỉ ra “sự bất đối xứng rõ ràng về quyền lực” giữa hai nước. Ấn Độ có khả năng sẽ tăng cường quan hệ với Mỹ và tăng ngân sách quốc phòng, theo Mukherjee. Khi cả hai bên chuyển các nguồn lực lên biên giới, “sẽ có một giai đoạn điều chỉnh mà theo đó tình hình mọi thứ có thể đặc biệt nóng lên”, ông nói.
Tuy nhiên, Ấn Độ hiện phải đối mặt với bất ổn quân sự và ngoại giao với ba nước láng giềng. Vào ngày 12 tháng 6, một công dân Ấn Độ đã bị giết bởi lính biên phòng Nepal trong một tranh chấp biên giới khác giữa Ấn Độ và Nepal. Quan hệ với Pakistan cũng căng thẳng sau khi một người lính Ấn Độ tử vong vì trúng đạn của Pakistan vào ngày 14 tháng 6, và ngày hôm sau, hai quan chức Ấn Độ ở Pakistan được cho là đã bị bắt cóc hơn mười giờ và bị tra tấn bởi “các cơ quan Pakistan”. Và giờ thì nhiều binh sĩ hơn của họ đã bị tử vong trong xô xát với binh sĩ Trung Quốc.
Leave a Comment