Dân Việt có vẻ thờ ơ với chính trị? Có lẽ điều đó chỉ là hiện tượng, chứ không phải bản chất. Bản chất của cái sự thờ ơ này là nỗi SỢ. Cái nỗi sợ đấy tích tụ từ gần trăm năm nay. Sợ bị chụp mũ, bị vu cho là phản động, là thế lực thù địch… Ông sợ, rồi truyền nỗi sợ ấy sang cha, cha lại truyền sang con… Hễ cứ nhắc đến chính trị là sợ. Sợ thì tìm cách lảng tránh… Những ai ít sợ, hay nhắc đến chính trị thì lập tức được cộng đồng nhắc khéo bằng những câu như: “Ăn cơm nước mắm, đừng bàn chuyện chính trị”… Hoặc “mày nói cứ như phản động”… Người quen, người thân inbox nhắc nhở, khuyên can…:((
Tại sao lại sợ chính trị? Vì hèn? Vì ngại va chạm? Vì sợ con đường quan lộ, thăng tiến bị ảnh hưởng? Vì sợ nồi cơm bị hất tung lên? Vì dân trí thấp, vì dân khí yếu? Có tất. Đầy đủ các lý do trên. Ông quan nho nhỏ muốn phát biểu chính kiến thì sợ trù dập, sợ bị văng ra khỏi guồng, sợ bị chặn đường thăng tiến. Ông cán bộ quèn thì sợ không được chọn làm đối tượng đảng, sợ kỷ luật, sợ không được tăng lương, ảnh hưởng nồi cơm của gia đình. Dân đen thì sợ bị chụp mũ, úp sọt, bắt bớ, ảnh hưởng đến dòng tộc, gia đình, con cái… Càng ngày dân trí càng thấp, dân khí càng yếu, càng nhụt… Mặc kệ tất cả, dân tộc, đất nước, cộng đồng…muốn sao cũng được, miễn là mình được yên ổn, vinh thân phì gia hoặc kiếm được miếng cơm, manh áo…
Cái tư duy “ăn cơm nước mắm thì không bàn chuyện chính trị” với cái khát khao dân chủ (người dân được làm chủ thực sự) nó mâu thuẫn ghê gớm. Bởi, sự thờ ơ chính trị là cái chết của nền dân chủ. Mặc dù rất sùng bái cố chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng dân Việt lại biết rất ít về quan điểm của Hồ Chí Minh. Câu nói: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng” của Hồ Chí Minh mãi vẫn chỉ là khẩu hiệu. Dân Việt đa phần không mở miệng vì sợ hãi. Nỗi sợ hãi mang tính “di truyền”… Sợ bị vu cho là thế lực thù địch, là 3 que, phản động…
Vậy chính trị là gì? Chính trị có nhiều khía cạnh, trong đó có khía cạnh quan trọng, liên quan trực tiếp đến người dân: “Chính trị là sự tham gia của nhân dân vào công việc của Nhà nước và xã hội…” Bao trùm đấy nhé. Chính trị nó ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ trong một đất nước, từ chuyện quốc gia đại sự cho đến giá cả cuộn giấy vệ sinh, cái tăm xỉa răng… Cuộn giấy vệ sinh đang 10 ngàn, ngày mai tăng 15 ngàn, bạn im lặng, hàng xóm im lặng, đồng nghiệp im lặng thì ngày kia nó là 20 ngàn, ngày kìa nó là 30 ngàn… Một người trong cộng đồng bị oan sai, bị chèn ép, bạn không lên tiếng, người kia không lên tiếng, người kia nữa cũng không lên tiếng thì rất có thể ngày mai thôi, chính bạn là nạn nhân… Và to lớn hơn, một vài vùng đất của Tổ quốc bị sử dụng không đúng mục đích, bạn im lặng, tôi im lặng, bạn của chúng ta im lặng thì sẽ đến lúc, đời con, cháu chúng ta phải lưu vong trên chính Tổ quốc mình…
Mới đây, chiều 15/6/2020, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã có một phát biểu rất chuẩn, rất đúng và hợp lòng dân: Đừng vội quy kết những người phản ứng với chính sách là “thế lực thù địch”, trước hết cán bộ hãy tự kiểm vì sao không nhận được sự đồng thuận… Đừng mượn ‘bóng ma thế lực thù địch’ để công kích người góp ý với mình…./.
—————————————
(*) Ông Phạm Hồng Phong, ĐB Hậu Giang, đã phát biểu tại Quốc Hội rằng: ý kiến phản đối Tòa trong vụ xử Hồ Duy Hải hay vụ ông Lương Hữu Phước tự sát ngay tại Tòa Bình Phước là “do lực lượng chống phá ta, do thế lực thù địch lợi dụng”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa phải phản đối ông Thẩm phán này rằng: “Đừng mươn bóng ma “thế lực thù địch” để công kích người góp ý cho mình”.
Leave a Comment