Lê Văn Đoành|
Tuần này, Bộ chính trị ĐCSVN nhóm họp để giải quyết những vấn đề vô cùng gay cấn, liên quan đến chuyện chia “ghế” trong cấu trúc quyền lực của Đảng trước thềm đại hội XIII.
Bế mạc Hội nghị trung ương 12, Ban chấp hành Trung ương đã đá “quả bóng” sắp xếp nhân sự về phía Bộ Chính trị, có nghĩa là, Bộ Chính trị sẽ phải gút lại danh sách ứng viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhân sự chủ chốt lần cuối, trong đó có các “trường hợp đặc biệt” trước khi trình ra Hội nghị Trung ương 13, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2020.
Ai cũng biết, tại thời điểm này, quyền lực của Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng đang ở tột đỉnh. Dư luận Hà Nội đồn đoán, ông Nguyễn Phú Trọng không chịu nghỉ, muốn ít ra ông cũng ngồi lại nửa nhiệm kỳ, trước khi bàn giao chức Tổng Bí thư và Chủ Tịch nước cho các nhân vật trẻ hơn.
Sự thật không hẳn là như vậy, mặc dù các nịnh thần cùng các “đồ đệ” rất muốn ông ngồi lại, nhưng ông Trọng ý thức được tình trạng sức khoẻ của mình. Thông tin rò rỉ cho hay, hai trong số những kẻ muốn ông Trọng trụ thêm một thời gian nữa là Hồ Mẫu Ngoạt và Đinh Văn Ân.
Hồ Mẫu Ngoạt sinh ngày 15/7/ 1956, quê Nghệ An, cựu Ủy viên trung ương khoá XI. Từ tháng 8/2011, ông Ngoạt được điều chuyển từ Phó Chánh Văn phòng, phụ trách Văn phòng Trung ương Đảng, sang giữ chức trợ lý Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư.
Tại đại hội XII diễn ra hồi tháng 1/2016, ông Ngoạt có tên trong danh sách tái ứng cử, quy hoạch chức danh Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Do đạo đức và lối sống có vấn đề, thêm nhiều bê bối khác nữa, nên Hồ Mẫu Ngoạt đã bị đánh văng ra khỏi Trung ương khoá XII.
Người ngồi vào Ban Bí thư và soán ghế Chánh Văn phòng Trung ương là ông Nguyễn Văn Nên, một đàn em của phe Ba Dũng. Không trúng Ủy viên trung ương, lẽ ra ông Ngoạt sẽ phải nghỉ hưu vào tháng 7/2016, nhưng TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn đặc cách, giữ Hồ Mẫu Ngoạt ở lại đến nay, với nguyên chức vụ.
Đinh Văn Ân sinh 1953, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế (CIEM), thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư. Năm 2009, từ Viện trưởng CIEM, Đinh Văn Ân được rút về Văn phòng Trung ương đảng.
Ông Ân đầu quân trong vai trò Trợ lý khi ông Trọng đắc cử Tổng bí thư vào tháng 1/2011. Dư luận cho rằng, bộ đôi Ân – Ngoạt, cùng với sự tham mưu của các đồng chí “nước lạ”, tạo nên QĐ 244 để loại Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi cuộc so găng hồi tháng 1/2016.
Với sự ưu ái của ông Trọng, xem ra, đặc quyền tuổi tác của hai ông Ân – Ngoạt đã ngang bằng hoặc hơn các thành viên Ban Bí thư và Bộ Chính trị.
Dư luận còn đồn đại, để nhận kỷ luật Đảng nhưng hạ cánh an toàn, hoặc tránh khỏi “lò ông Trọng”, những Ủy viên trung ương, Ủy viên BCT như Tất Thành Cang, Lê Thanh Quang, Nguyễn Quốc Cường, Lê Thanh Hải, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình… cũng phải tìm đến bộ đôi Ân – Ngoạt. Điều đó cũng lý giải việc nhiều nhân vật “tâm điểm” của đại án, bỗng thoát hiểm ngoạn mục, được cơ cấu đi lên.
Trở lại diễn biến ở “cung đình”, một nguồn tin nội bộ rò rỉ cho hay, Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII chỉ có Tòng Thị Phóng và Ngô Xuân Lịch xin rút vì quá tuổi, Hoàng Trung Hải rút vì dính kỷ luật đảng. Số còn lại chưa thấy động tĩnh gì. Chắc tuổi già không ai “tham vọng quyền lực”, mà họ muốn “cống hiến” cho Đảng đến hơi thở cuối cùng chăng?
Số trẻ hơn trong Bộ chính trị như Nguyễn Hoà Bình, Nguyễn Văn Bình, Võ Văn Thưởng, qua lấy phiếu giới thiệu ở Hội nghị 12 vừa rồi, đang được “soi kỹ”. Cơ hội tái trúng cử với các ông này, cũng không hề đơn giản.
Năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2016-2011, ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị ĐCSVN đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải:
1. Tình trạng tham nhũng, mua quan bán chức từ địa phương đến trung ương. Lãnh đạo bất chấp pháp luật, câu kết với tư nhân, doanh nghiệp chạy thầu, dự án, bòn rút công sản, ép dân để cướp đất. Kỷ luật đảng không đủ răn đe, quan chức lờn thuốc, hành động ngày càng táo tợn, tinh vi.
2. Tình hình biển Đông căng thẳng. Trung Quốc núp chiêu bài “đại cục” ý thức hệ Cộng sản để thực thi công hàm Phạm Văn Đồng, tiến tới yêu cầu VN rút quân ra khỏi các đảo tiền tiêu ở Trường Sa, thực hiện Vùng nhận dạng phòng không ADIZ nhận dạng phòng không, buộc các đối tác VN và cả phía VN phải nhượng bộ, huỷ bỏ hợp đồng khai thác dầu khí, phải nhổ các giếng khoan trong “đường lưỡi bò”.
3. Nội bộ đảng mất đoàn kết nghiêm trọng, hình thành các phe phái vùng miền: Nghệ Tĩnh, Thanh Hoá, Ninh Bình… Phe thuộc Cả Trọng, Tư Sang, Ba Dũng. Các phe “giương đông kích tây”, chạy đua vào các vị trí chủ chốt.
4. Các nhóm “tư bản đỏ” thao túng nền kinh tế, lấn dần sang chính trị, “nhóm lợi ích” lũng đoạn cả các văn bản lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhân dân mất niềm tin vào cả công lý lẫn công quyền. Luật pháp đang phục vụ giai cấp thống trị và giới giàu có, thế lực, oan khiên cho người yếu thế trải dài khắp ba miền đất nước.
Quay lại chiếc ghế Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đồng ý rời ngôi “đế vương” mà ông đã nắm giữ suốt hai nhiệm kỳ. Bộ Chính trị sẽ bàn việc, có nên tái lập quy chế cố vấn BCH Trung ương dành cho ông Trọng, mặc dù quy chế này đã bãi bỏ cách đây 15 năm.
Bộ Chính trị cũng sẽ động viên bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Thiện Nhân rút ý định tranh ghế tứ trụ, để việc dàn xếp nội bộ dễ dàng hơn. Bởi lẽ chức vụ Tổng Bí thư là thang bậc quyền lực cao nhất của thể chế Cộng sản, nó là đích ngắm cuối cùng của bất kỳ chính trị gia nào đã lọt vào Bộ Chính trị.
Gần 35 năm trước, chuẩn bị đại hội VI hồi tháng 12/1986, cả hai ông Trường Chinh (79 tuổi) và Lê Đức Thọ (75 tuổi) tranh giành ghế Tổng bí thư. Gay cấn đến nỗi, các Ủy viên Bộ Chính trị như Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Võ Chí Công, Phạm Hùng, Nguyễn Đức Tâm kéo nhau đến nhà riêng, yêu cầu ông Trường Chinh ký vào “đơn xin rút”, để giữ cho Đảng khỏi… “toang”.
Ba ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt đã liên thủ tấn công TBT Lê Khả Phiêu, khi ông Phiêu muốn ra khỏi tầm ảnh hưởng của họ. Kết thúc cho cuộc “lật đổ” ấy, tại Hội nghị trung ương 12 khoá VIII, trước thềm khai mạc Đại hội IX, Ban Chấp hành Trung ương đã bác bỏ quyết định của Bộ Chính trị và bỏ phiếu buộc ông Lê Khả Phiêu phải rút khỏi ý định tái cử Tổng Bí thư nhiệm kỳ hai.
Không khí chính trị có vẻ im ắng hơn so với hồi đại hội XII, mặc dù cũng có những cú “ra đòn” dành cho đối phương.
Hôm 20/4/2020, Đinh Tiến Dũng, bộ trưởng Bộ Tài chính đã phát công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ đạo điều tra về “dấu hiệu tiêu cực trong quản lý hoạt động xuất khẩu gạo” của Bộ công thương. Đó đây xầm xì bàn tán, Đinh Tiến Dũng muốn cản đường vào Bộ Chính trị của Trần Tuấn Anh.
Với vai trò đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri thành Hồ hôm 18/5/2020, Viện trưởng VKS Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, việc kháng nghị để làm rõ vụ án Hồ Duy Hải là đúng luật, thận trọng, khách quan, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, đồng thời củng cố lòng tin của người dân và xã hội đối với nền tư pháp. Nói như thế, khác gì vả vào mặt Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án Tối cao và là ứng viên Bộ Chính trị khoá XIII.
Một diễn biến nữa, Kết luận Thanh tra số 636/TB-Thanh tra Chính phủ hôm 29/4/2020, “Về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai” tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017, đang dồn Nguyễn Thanh Nghị, con trai Ba Dũng vào thế khó. Tương tự vậy, vụ án Nhật Cường đang được xếp vào “đại án” cũng đe doạ sinh mệnh chính trị của Nguyễn Đức Chung.
Mới đây, trên một vài trang mạng có bài tấn công ứng viên số 1 vị trí Tổng bí thư Trần Quốc Vượng, với nội dung mơ hồ, không được kiểm chứng.
Thông tin mà chúng tôi có được, ông Trần Quốc Vượng là đời thứ 12 của tộc Trần làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, Nam Định. Nay là làng Trình Trung, An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình. Tiền nhân dòng tộc ông Vượng có những đóng góp lớn lao, lập nhiều công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, được phong đến tước Hầu. Ông nội ông Vượng có mỗi bố ông là con trai. Bố ông cũng sinh mỗi Trần Quốc Vượng là trai và có đến 6 người con gái.
Ông Trần Quốc Vượng có 2 con, một trai một gái. Bản thân đạo đức lối sống tốt, liêm khiết, gia đình, vợ con cũng không điều tiếng gì. Bộ Chính trị và các cơ quan có trách nhiệm nhận được đơn thư tố cáo cá nhân ông Vượng hoặc gia đình hay không, thì không rõ.
Trong tình hình này, việc dàn xếp nhân sự có thể sẽ kéo đến hội nghị 14, không biết có ngã ngũ chưa. Nhưng dân chúng không mấy quan tâm ông bà nào ngồi vào “ngôi vua tập thể”, Vượng hay bất cứ nhân vật nào “làm vua” thì cũng vậy thôi, nếu không có những thay đổi thực chất.
Điều mà người dân quan tâm là đảng CSVN sẽ đưa đất nước này đi đến đâu, đời sống người dân sẽ thế nào, bao giờ mới thoát ra khỏi “vòng kim cô” của Trung Cộng và quan trọng nhất là khi nào ĐCSVN mới chấp nhận đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập, tôn trọng nhân quyền, người dân có được tự do, dân chủ thực sự./.
Nguồn: Báo Tiếng Dân
Leave a Comment