Không ai thích bị chỉ trích. Cả tôi, cả bạn.
Tôi thừa nhận rằng trong muôn vàn những thảo luận trong và ngoài mạng xã hội, tôi chưa từng thích thú gì khi bị phản biện cho dù lời phản biện mang tính chất xây dựng, chứ đừng nói gì đến những phát ngôn chỉ có tính công kích.
Tôi thừa nhận rằng chính bản thân mình cũng đã vận dụng mọi thể loại ngụy biện, mà nhiều nhất là loại ngụy biện “rẻ tiền” về thẩm quyền, để cho rằng quan điểm và góc nhìn của mình đáng lắng nghe và quan trọng hơn người tôi đang phải tranh luận.
Nhưng có một điều tôi tin chắc mình sẽ không bao giờ định làm: bỏ tù những người chỉ trích hay nói xấu tôi.
Có thể bạn sẽ bảo rằng đó là bởi vì tôi chưa có quyền trong tay chăng?
Nhưng điều này cũng giúp bạn và tôi có cùng điểm xuất phát: quyền lực có thể khiến chúng ta tha hóa, giúp chúng ta thực hiện những dã tâm mà chúng ta đáng lẽ sẽ không bao giờ thực hiện.
Song quan trọng hơn, bạn có nghĩ rằng những lãnh đạo chính trị – lãnh tụ chính trị, có phải là bất khả xâm phạm trước công chúng hay không?
Giả sử, tôi nói với bạn rằng ông Hồ Chí Minh làm gì “thông thạo” đến 29 thứ tiếng. Ông chỉ đọc viết tương đối tốt tiếng Pháp, phần còn lại chỉ là vài câu tiếng “bồi” để chào hỏi, giao tiếp ai cũng có thể học được mà thôi.
Hay giả sử, tôi viết công khai với công chúng rằng ông Hồ Chí Minh không có bất kỳ chính sách kinh tế, văn hóa xã hội gì đặc sắc hay đáng nể cả. Hầu hết đều học lại từ Trung Quốc, Liên Xô, và những chính sách quan trọng thì lại thất bại trầm trọng (ví dụ như Cải cách ruộng đất).
Bạn có cho rằng tôi đang “bôi nhọ, phỉ báng, xuyên tạc” lãnh đạo? Và nếu có, bạn có cho rằng tôi đáng phải ngồi tù?
Việc phải ngồi tù vì bình phẩm liên quan đến chính trị gia không lạ lẫm gì ở phía Đông Châu Á này.
Dịch chuyển vài vĩ tuyến lên phía bắc, nơi người anh em xã hội chủ nghĩa Trung Quốc đang thống trị. Một tài phiệt Trung Quốc, Ren Zhiqiang, đã mất tích hơn hai tháng, với thông báo “con con” của chính quyền rằng ông đang bị xem xét kỷ luật.
Trước khi bị mất tích, Ren có viết một bài luận ngắn chỉ trích chính quyền Bắc Kinh về cách mà họ xử lý đại dịch cúm Vũ Hán. Bài viết không nhắc trực tiếp đến chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng có đoạn: “Tôi không nhìn thấy một vị vua đang đứng để khoe khoang bộ cánh mới của ông ta, tôi chỉ thấy một thằng hề cởi truồng nghĩ rằng mình vẫn còn xứng đáng để làm hoàng đế”.
Tại Việt Nam, cũng vừa mới đây thôi, nhà báo – cây bút Phạm Thành vừa bị bắt tạm giam bốn tháng.
Có nhiều khả năng lý do ông bị bắt là vì ông đã tự xuất bản quyển sách “Nguyễn Phú Trọng: Thế Thiên Hành Đạo Hay Đại Nghịch Bất Đạo” vào năm 2019, và việc ông có thể cộng tác với Nhà Xuất bản Tự do.
Quyển sách nói trên đã theo dõi, cập nhật những hoạt động, quan điểm của ông Nguyễn Phú Trọng suốt từ giữa những năm 2000 khi ông ta trở thành một thế lực chính trị trong Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong đó có đoạn: “Vào năm 2007, ông Trọng lúc bấy giờ đã trên cương vị Chủ tịch Quốc hội được Trung Quốc mời sang thăm. Ông ấy có một cuộc họp ở Bắc Kinh ngày 10/4/2007, tuyên bố rằng ‘Quan hệ Việt – Trung chưa bao giờ tốt như bây giờ’. Trong khi vào tháng 01/2005 tàu Cảnh sát Biển Trung Quốc đã bắn chết 9 ngư dân, bị thương 8 ngư dân, bắt về Trung Quốc 7 người khi các ngư dân Thanh Hóa đang đánh bắt ở Vịnh Bắc Bộ.”
“Máu xương của những ngư dân này còn đang đỏ thẫm ở Biển Đông mà ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Chủ tịch Quốc hội lại phát biểu Quan hệ Việt – Trung chưa bao giờ tốt như bây giờ.”
Vậy bạn đang ở đâu trước hai luồng quan điểm trái ngược? Dưới đây là vài câu hỏi mà tôi muốn đặt ra trước khi bạn xác định vị trí của mình.
Bạn có nghĩ rằng chính trị gia phải “nhạy cảm” hay “mặt dày” trước công luận?
Pháp luật của hầu hết các quốc gia cấp tiến trên thế giới đều cho rằng chính trị gia phải là người “mặt dày” hơn so với công chúng.
“Mặt dày” ở đây không phải là không biết xấu hổ, không biết ngại.
“Mặt dày” ở đây là để nói về những nguyên tắc pháp lý đặt ra đối với các chính trị gia, bắt buộc họ phải chịu ngưỡng chỉ trích cao hơn tất cả các công dân thông thường cộng lại.
Lý do thật ra cũng là lẽ thường mà thôi. Nếu anh đã chọn con đường quyền lực với thẩm quyền ảnh hưởng lớn đến đời sống của công chúng, thì anh phải chuẩn bị tinh thần cho việc chịu đựng mọi loại chỉ trích từ lịch sự đến trần trụi, từ có căn cứ đến chửi đổng.
Ví dụ, chúng ta hãy nói về án lệ New York Times Co. v. Sullivan (1964) lừng danh của Hoa Kỳ mà Luật Khoa tạp chí từng phân tích.
Tối cao Pháp viện Mỹ đã phải đối mặt với câu hỏi rằng tờ báo New York Times có vi phạm pháp luật và phải bồi thường khi họ chỉ trích và đưa ra thông tin sai – vâng, tôi xin nhấn mạnh là sai – về L. B. Sullivan – Ủy viên Hội đồng An ninh Công cộng của thành phố Montgomery?
Ngược lại, tờ New York Times thì cho rằng, nếu họ bị buộc phải kiểm tra mọi thông tin chỉ trích một nhân viên công quyền (public officials), thì quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin nhanh chóng, kịp thời của công dân sẽ có thể bị ảnh hưởng.
Trong phán quyết cuối cùng, toàn bộ thành viên của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đồng thuận rằng, đối với các nhân viên công quyền, để chiến thắng trong một cáo buộc phỉ báng, họ phải chứng minh được rằng các cơ quan ngôn luận đã hành động một cách có ác ý chủ đích (actual malice). Đó là khi các cơ quan ngôn luận biết chắc chắn rằng thông tin sai, tin giả mà vẫn cố tình đưa đến tay độc giả.
Đấy là một tiêu chuẩn chứng minh rất cao, khiến cho việc lạm dụng quyền lực và các mối quan hệ công cộng để đàn áp thông tin bất lợi về mình của các nhân vật quyền lực là gần như không thể xảy ra. Ở Hoa Kỳ, chính trị gia buộc phải “mặt dày” chắc cũng là vì lẽ đó.
Hay tại Liên minh Châu Âu (EU), cách tiếp cận cũng khá tương tự.
Năm 1975, sau cuộc tổng tuyển cử giúp cho ông Bruno Kreiski nắm vị trí Đại Chưởng ấn Liên Bang Áo (Federal Chancellor), nhà báo Lingens đã viết hai bài báo chỉ trích vị tân Chưởng ấn.
Trong đó, ông Lingens cho rằng việc Kreiski tuyên bố thành lập liên minh chính trị với một chính trị gia khác có gốc gác Dân Xã (Nazi) là một nỗ lực ngầm nhằm duy trì sự thống trị của Nazi trong chính trường nước Áo. Lingens cáo buộc hành vi này là phi đạo đức, phi nhân phẩm và cơ hội chủ nghĩa.
Lingens bị khởi tố. Tòa án Áo đưa vụ việc ra phân xử và kết luận rằng Lingens không thể chứng minh những cáo buộc mà ông đã đưa ra đối với vị tân Chưởng ấn. Vì vậy, ông phải đối diện với mức hình phạt là phạt tiền, cùng đó là trách nhiệm công khai cải chính, xin lỗi Bruno Kreiski.
Lingens đưa vụ việc lên đến Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Và các thẩm phán của tòa án đó tại Strasbourg đã có cái nhìn khá khác biệt.
Theo lập luận của tòa Nhân quyền, quyền tự do biểu đạt vừa là nền tảng của một xã hội dân chủ, vừa là điều kiện cơ bản cho sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân. Không chỉ vậy, những thông tin hay ý tưởng này không nhất thiết phải “dễ nghe” hay “lọt tai”.
Một xã hội tôn trọng tự do ngôn luận còn phải khoan dung với cả những ý tưởng phiền toái, gây sốc, hay có tính xúc phạm.
Riêng đối với các chính trị gia, ngưỡng khoan dung trước các chỉ trích lại càng phải rộng hơn những cá nhân thông thường. Đó là bởi vì họ cố tình và mong muốn đặt mình vào tình thế chính trị mà mọi lời nói, cử chỉ, hành vi, quá khứ, v.v. đều bị báo chí và công chúng xem xét, đánh giá.
Như vậy, theo triết lý pháp luật thế giới, chính trị gia phải là người chịu áp lực nhiều hơn, có trách nhiệm hứng chịu chỉ trích nhiều hơn là người thường. Đôi khi còn thậm chí là bất kể đúng hay sai.
Còn nói gần gũi hơn, ví dụ như Sơn Tùng – MTP, nếu bạn muốn ngồi ở vị trí mà không ai ngồi được thì phải chịu được những cảm giác không ai chịu được (dù thật ra tôi biết rằng ca sĩ này có lẽ sẽ không đồng tình với 100% những gì tôi viết ở đây).
Vậy cớ gì chúng ta lại phải tạo ra một bộ máy lùng sục, bắt bớ những người chỉ trích lãnh đạo? Thái độ lạ lùng của các chính trị gia quá nhạy cảm tại Việt Nam khi đối mặt với những chỉ trích và phản ứng của dư luận, rõ ràng vô cùng phản logic như những gì chúng ta đã chứng minh ở trên.
Vì sao bạn nghĩ rằng người dân “nói xấu” lãnh đạo phải bị xử lý hình sự?
Bôi nhọ, xuyên tạc, phỉ báng lãnh đạo Đảng, dù Trung ương hay địa phương, đều có thể dẫn đến kết quả là ngồi tù ở Việt Nam.
Tôi may mắn có điều kiện tiếp cận và thời gian để đọc hơn vài chục bản án về ngôn luận từ khắp mọi miền đất nước.
Trong mọi bản án liên quan đến “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 109); “phá hoại chính sách đại đoàn kết” (Điều 116); hay đặc biệt là “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền… chống lại nhà nước…” (Điều 117)… thì bôi nhọ hay phỉ báng lãnh đạo luôn luôn xuất hiện như là minh chứng hùng hồn cho hành vi phạm tội.
Một số người cho rằng cho rằng văn hóa chính trị phương Đông khác với phương Tây. Thế nhưng, họ đứng trước trách nhiệm khá lớn là phải chứng minh: khác là khác thế nào?
Về cơ bản, dù hệ tư tưởng và mô hình chính trị có thể khác nhau, cả nhà nước Việt Nam lẫn nhà nước Hoa Kỳ đều viện dẫn tính chính danh của họ dựa trên chủ quyền nhân dân.
Chính trị gia của cả hai nước đều dùng diễn ngôn “đại diện nhân dân” để mô tả về thẩm quyền, cũng như trách nhiệm của họ. Như vậy, theo suy luận lý tính, nếu người Mỹ có thể tự do chỉ trích lãnh đạo của họ đến mức đôi khi khá “nhăng cuội”, thì không có lý do gì người Việt Nam lại không thể?
Mặt khác, nếu bạn cho rằng việc chỉ trích hay bôi nhọ một lãnh đạo đảng hay nhà nước là xứng đáng bị xếp vào diện hành vi vi nguy hiểm cho xã hội, đến mức những hành vi đó cần phải bị răn đe và trừng phạt công khai bằng cách tước đoạt tự do của một cá nhân (cụ thể là ngồi tù), bài toán tư pháp hình sự của bạn sẽ tạo ra bất đẳng thức như sau:
Tự do ý chí cá nhân + Tự do thân thể cá nhân < Quyền danh dự của lãnh đạo
(Freedom of thought) (Freedom of movement) (Leader’s right to reputation)
Theo nhiều luật gia, mà trong số đó là Giáo sư Luật Ronald Dworkin của cả Đại học New York và Đại học Tổng hợp Luân Đôn (University College London), đây là một bất đẳng thức sai lầm. Theo ông, khi xuất hiện xung đột trực tiếp giữa các quyền tự do cơ bản với một lợi ích nhà nước thuần túy, thì quyền tự do cơ bản của công dân phải được đặt lên hàng đầu.
Thật vậy, danh dự của một lãnh đạo không tạo ra lợi ích công cộng nào khác ngoại trừ thực tế là việc người này đang nắm giữ một chức danh chung mà thôi.
Chúng ta công nhận việc cần thiết trong bảo vệ quyền danh dự của mọi cá nhân, nhưng bảo vệ chúng bằng cách đánh đổi quyền tự do ý chí và quyền tự do thân thể của một cá nhân khác là một canh bạc đánh đổi quá lớn. Điều này hoàn toàn không phù hợp với mục tiêu cuối cùng của tư pháp hình sự.
***
Tôi tin rằng việc chấp nhận hình phạt bỏ tù dành cho những người “bôi nhọ lãnh đạo” chỉ là một phản ứng thụ động của chúng ta trong một xã hội nơi mà người dân đã quen với việc không có không gian để nói lên tiếng nói của mình.
Xét cả về lý tính, xét cả về tư pháp hình sự, thật khó để lý giải cho hiện tượng pháp luật quái lạ này. Nhưng quan trọng nhất vẫn là bạn, những người Việt Nam: Liệu còn có cách lý giải hợp lý nào cho việc bắt bớ, bỏ tù những người “bôi nhọ lãnh đạo” hay không?
Leave a Comment