Nguyễn Nam (ghi) – (VNTB) – “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” – Trích Điều 4.2, Hiến pháp 2013.
Nếu đảng đã phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, thì có lẽ đảng cần lắng nghe những ý kiến của người dân đang công khai trên các diễn đàn mạng xã hội.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, được báo chí đăng toàn văn (*), đã nhìn nhận việc đảng chính trị ở Việt Nam đang gặp hàng loạt yếu kém:
“Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực.
Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa toàn diện, có mặt còn hạn chế, yếu kém; không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế.
Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’.
Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật” (hết trích).
Trong bài viết có tựa “Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2020) Bác Hồ và những danh ngôn bất hủ” đăng trên báo Nhân dân Cuối tuần ngày 15-5-2020 (*), có đoạn viết: “Có những câu nói dân gian, nhưng khi Bác nhắc lại trong những hoàn cảnh đặc biệt thì ai cũng tưởng đó là danh ngôn: Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Vậy nếu ở bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra loạt khó khăn trong nhân sự cho nhiệm kỳ mới, thì tại sao ông Tổng bí thư không học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh, để “khó trăm lần dân liệu cũng xong”?
Kể từ số báo Chủ nhật 31-5, nếu được sự ủng hộ của quý bạn đọc trong và ngoài nước ở chủ đề này, nhóm biên tập thực hiện trang Việt Nam Thời Báo sẽ thực hiện các ghi nhận ý kiến của người dân được bảo hộ theo Điều 4.2, Điều 14.1, Điều 16.2, Điều 18.2, Điều 25, Điều 28 của Hiến pháp 2013 (***).
Sở dĩ cần minh định về quyền hiến định với những điều khoản cụ thể như trên, vì nhóm biên tập xác định việc thực hiện ghi nhận chủ đề này không nhằm đến các hành vi của Điều 117, Bộ Luật hình sự hiện hành.
Bài ghi nhận ‘mở hàng’, xin giới thiệu ý kiến của luật sư Lê Trọng Hùng.
Luật sư Lê Trọng Hùng (Đại học Luật TP.HCM): “Thấy các bác chuẩn bị nhân sự Đại hội và điều chắc chắn là bác nào vào TW mới được bố trí làm Bộ trưởng đầu ngành. Không nên nói xấu cá nhân nhưng buộc phải nêu và góp ý với các bác.
Đã là Bộ trưởng, ngoài tiêu chuẩn các bác đã chọn còn phải có hai tiêu chuẩn nữa: nhà quản lý giỏi của ngành phụ trách, và nhà chính trị thể hiện qua phát ngôn chuẩn. Đối với hai tiêu chí này, thì các ông Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng Giao thông nên chờ vào dịp khác để được tái cử, hoặc ứng cử (nói lịch sự kiểu MC an ủi các thí sinh bị loại), còn nhân dân thì nói rằng: nên cho trượt từ vòng gửi xe khi đi dự Đại hội .
1️⃣– Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Giới trí thức không phục vì việc ông làm công tác phong học hàm, học vị. Giới phụ huynh bất bình vì sách giáo khoa lộn xộn, có việc trẻ con đi học trong kỳ đại dịch mà ông lúng túng như gà mắc tóc, đá xuống dưới đẩy lên trên chứng tỏ việc quản trị ngành không tốt.
Có thể ông là một nhà nghiên cứu, một nhà giáo giỏi nhưng ông không là nhà quản lý giỏi.
2️⃣– Ông Bộ trưởng Bộ Giao thông: Ông là tác giả của các dự án BOT bị phản đối nhiều nhất: sai về giá trị (kiểm toán đã nêu), sai về vị trí đặt trạm BOT. Ông đưa ra những quy định rất thiếu thực tế: kiểm định xe máy, bật đèn xe máy ban ngày thi lại bằng lái xe… dư luận phản đối rất nhiều.
Nổi bật nhất là ông coi thường các nhà thầu trong nước, đề cao Trung Quốc trong việc xây dựng cao tốc Bắc Nam trong khi dự án Cát Linh – Hà Đông do chính Bộ ông có trách nhiệm thì không giải quyết.
3️⃣– Ông Bộ trưởng Bộ Công thương: Đây có lẽ là Bộ trưởng bị coi là kém năng lực nhất đã thế lại phát biểu được coi là dối trá nhất về giá điện (nói không tăng nhưng tăng 38%), đặc biệt: ông báo cáo với Thủ tướng là dân đồng tình với việc tăng giá điện, giá xăng (giảm sâu: gần 1 ngàn, tăng nhẹ hơn 2 ngàn), giá thịt lợn (đưa xuống 90 ngàn rồi 60 ngàn đồng/ kg, nhưng giá đó chỉ có trên TV).
Mỗi phát biểu của ông này mọi người đều phải bật cười và thi nhau chế diễu. Cụ thể thế nào xin vào mạng sẽ thấy.
Cả ba ông Bộ trưởng đều bị mạng xã hội không đồng tình: ngoài việc đời tư, hoặc khiếm khuyết giọng nói không nên kể ra, thì xét về mặt tổng thể cả ba ông đều không làm được cái gì ra hồn cho ngành mình, cho đất nước.
Hy vọng là các bác sắp xếp cho phù hợp với ý Đảng, lòng dân. Mong lắm thay”.
_________________
Chú thích:
(*) https://www.nhandan.com.vn/cuoituan/the-thao/item/44473202-bac-ho-va-nhung-danh-ngon-bat-hu.html
(***) http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop/hienphapnam2013
Leave a Comment