Tác giả: Nguyễn Thành Trung – Nghiên Cứu Quốc Tế
Tháng 9/1982 người đàn bà thép Margaret Thatcher, thủ tướng Anh lúc đó, tới Bắc Kinh để bàn về tương lai Hong Kong sau 1997 khi thời hạn thuê 99 năm sắp hết. Người đàn bà thép, được tiếp sức sau khi Anh giành chiến thắng trước Argentina trong cuộc chiến đảo Falklands (Falklands War) trước đó 3 tháng, hy vọng có thể giành ưu thế trước nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc Đặng Tiểu Bình trong việc gia hạn quản lý Hồng Kông. Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra lời cảnh báo tới Thatcher rằng “Trung Quốc có thể đưa quân tiến vào Hồng Kông và lấy lại chỉ trong vòng 1 ngày” nếu nước Anh có ý định nào khác đối với Hồng Kông.
Khi bước ra khỏi tòa Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc, bà Thatcher đã vấp ngã (xem clip). Sự kiện này được 1 số người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc hả hê. Ngay sau đó, tờ Đại Công Báo (Ta Kung Pao) thân đại lục Trung Quốc ở Hồng Kông đã chạy dòng chữ “Người đàn bà thép đã không chịu nổi thép của ông Đặng bé nhỏ”. Ông Đặng chỉ cao 1m52.
Sự hả hê của người Trung Quốc một phần xuất phát từ lịch sử “nạn nhân” (victim narrative) với Tây Phương. Có lẽ người Trung Quốc không quên sự kiện tuy nhỏ nhưng mang đầy tính thách thức sức mạnh Trung Quốc trước đó gần 200 năm khi sứ thần đầu tiên của nước Anh là Lord Macartney đến yết kiến vua nhà Thanh là Càn Long vào năm 1793. Với niềm tin nước Anh là đế quốc số 1 trên thế giới lúc này, Macartney quyết không khấu đầu (kowtow) tức quỳ dập đầu trước vua Càn Long trừ khi người đồng cấp nhà Thanh của ông cũng làm vậy trước bức ảnh của vua Anh lúc đó là George III. Tất nhiên nhà Thanh không đồng ý.
Sau chuyến thăm của Macartney khoảng 50 năm, hai cuộc chiến tranh nha phiến (opium wars) giữa Anh Quốc và nhà Thanh đã làm cho mối quan hệ trong lịch sử giữa Trung Quốc và Anh Quốc không mấy êm đẹp và mở đầu cho thời kỳ mà sử sách Trung Quốc gọi là trăm năm ô nhục (bách niên quốc sỉ: a century of humiliation) cho đến năm 1949 khi Mao Trạch Đông thống nhất Trung Quốc.
Sau cuộc chiến nha phiến đầu tiên (1839-1842), nhà Thanh phải nhượng đảo Hong Kong vĩnh viễn cho Anh Quốc theo điều ước Nam Kinh, và tiếp đó cuộc chiến nha phiến lần 2 (1856-1860) buộc nhà Thanh phải nhượng khu vực bán đảo Cửu Long (Kowloon) vĩnh viễn cho Anh Quốc theo điều ước Bắc Kinh. Khu vực bán đảo Cửu Long có khu Tsim Tsa Tsui, đại lộ Ngôi Sao và khu Mong Kok (Vượng Giác) mà chắc những người mê phim TVB đều biết. (Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng được thành lập vào tháng 2/1930 ở khu vực Cửu Long Thành ở bán đảo Cửu Long).
Tới năm 1898, Anh Quốc và nhà Thanh ký điều ước Bắc Kinh thứ II cho Anh Quốc thuê khu Tân Giới (New Territories) và các đảo nhỏ 99 năm. Thời hạn thuê chấm dứt vào năm 1997. Lúc ấy, Claude MacDonald, đại diện Anh Quốc ký kết điều ước Bắc Kinh thứ II chọn mốc 99 năm bởi vì nghĩ nó cũng tương đương mãi mãi và không bao giờ phải trả lại. Ba khu vực bao gồm đảo Hong Kong, bán đảo Cửu Long và khu Tân Giới hình thành nên Hồng Kông như chúng ta đều biết.
Khi Thatcher tới Bắc Kinh vào năm 1982 bà chỉ mới nghĩ nhiều về gia hạn Tân Giới chứ chưa nghĩ tới về việc trao trả cả khu vực đảo Hong Kong và bán đảo Cửu Long vốn thuộc về Anh mãi mãi theo các điều ước Nam Kinh và Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn cho rằng các hiệp ước này là bất bình đẳng và không bao giờ công nhận. Và ông Đặng không phải là người dễ chơi và dễ khuất phục.
Những người đầu tiên lo lắng về tương lai Hồng Kông lúc đó chính là giới bất động sản. Vào những năm 1970 những nhà đầu tư phát triển bất động sản Hồng Kông ở khu vực Tân Giới không thể nào bán nhà giá cao khi họ không chắc là quyền sở hữu nhà có bị thay đổi bởi chính quyền Bắc Kinh sau năm 1997. Những gia tộc bất động sản giàu có như Lý Gia Thành (Li Kashing) hay Lý Triệu Cơ (Li Shau Kee) áp lực buộc thống đốc Hồng Kông lúc đó là MacLehose phải nói chuyện với Bắc Kinh về tương lai Hồng Kông sau 1997.
MacLehose (1971-1982) là một trong những thống đốc được dân Hồng Kông yêu mến nhất. Chính MacLehose là người thành lập Ủy Ban Độc lập về chống tham nhũng của Hồng Kông (ICAC) mà người mê phim Hồng Kông nào cũng biết. Trước khi làm thống đốc Hồng Kông thì MacLehose từng làm đại sứ Anh Quốc tại Việt Nam Cộng Hòa vào 1967 và Hồng Kông lúc đó thì tham nhũng trong chính quyền tràn lan, đặc biệt là cảnh sát. ICAC sau đó đã biến Hồng Kông trở thành một trong những lãnh thổ ít tham nhũng nhất trên thế giới. Năm 1979, MacLehose tới Bắc Kinh để mở ra cuộc nói chuyện chính thức về tương lai Hồng Kông, và mở đường cho bà Thatcher gặp ông Đặng vào 1982.
Và sau đó mọi chuyện như chúng ta đã biết, nước Anh không thể gia hạn thuê khu vực Tân Giới mà còn trao trả cả 2 khu vực còn lại. Một số học giả Hồng Kông đổ lỗi thất bại trong việc điều đình cho đoàn đàm phán của bà Thatcher mặc dù toàn dân tốt nghiệp Oxford, Cambridge nhưng chỉ biết tiếng Trung mà chẳng hiểu gì về Trung Quốc. Tuyên bố chung Trung-Anh vào năm 1984 đã quyết định trao trả chủ quyền cả 3 khu vực đảo Hong Kong, bán đảo Cửu Long và Tân Giới về đại lục Trung Quốc vào 01/07/1997 với nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” (nhất quốc lưỡng chế) và điều kiện hệ thống tư bản và lối sống trước đó của Hồng Kông sẽ không thay đổi trong khoảng thời gian 50 năm cho đến năm 2047 (ngũ thập niên bất biến/ 50 years unchanged). Hiến pháp của Hồng Kông được gọi là Luật Cơ bản (Basic Law). Điều 23 của Luật Cơ bản quy định các luật về an ninh sẽ do do cơ quan lập pháp của Hồng Kông quyết định.
Cơ quan lập pháp của Hồng Kông theo tiếng Quảng Đông đọc là “laap faat wui” (lập pháp hội) bị những người theo phong trào dân chủ ở Hồng Kông gọi chế là “laap saap wui” (rác rưởi hội) do đa số trong tổng số 70 nghị sĩ có quan điểm thân đại lục Bắc Kinh.
Nhưng cuối cùng thì ngày 28/05/2020 Quốc hội Trung Quốc cũng tước quyền này của họ khi giành quyền soạn thảo các đạo luật liên quan an ninh cho Hồng Kông khi Bắc Kinh mất kiên nhẫn với tình hình biểu tình liên tục gần đây ở Hồng Kông kể từ tháng 6 năm ngoái khi giới trẻ Hồng Kông xuống đường biểu tình chống luật dẫn độ. Sau này, những người biểu tình trẻ tuổi có thể bị bắt vì tội khủng bố, đòi ly khai hay lật đổ chính quyền thay vì chỉ vì tội gây mất trật tự xã hội. Trung Quốc có thể ổn định hơn để phát triển kinh tế sau sự kiện Thiên An Môn đòi dân chủ của sv vào 1989 nhưng không biết Hồng Kông thì như thế nào.
Cuối cùng coi như nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ” đã chấm dứt đối với Hồng Kông cũng như ngoại trưởng Mỹ Pompeo viết trong thông cáo hôm 27/05 rằng Hồng Kông đã mất sự tự trị như cam kết. Năm mươi năm bất biến đã rút gọn thành hai mươi ba năm. Bản sắc Hồng Kông sẽ đi về đâu? Một bản sắc được pha trộn giữa văn hóa Á Đông và các giá trị tự do cá nhân của phương Tây. Một vùng đất nhỏ xíu chỉ hơn 1.000 km2 với 7 triệu người và hàng năm đón hơn 40 triệu du khách, trong đó có hơn 20 triệu từ đại lục.
Năm 1997, khi Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc thì nền kinh tế của Hồng Kông gần 1/5 GDP của Trung Quốc (18%), trong khi hiện nay chỉ còn hơn 2%. Hương Cảng như tên gọi Hồng Kông cũng ko còn được coi là cảng rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc khi trong 4 cảng đông đúc nhất thế giới thì có tới 3 cảng ở đại lục Trung Quốc và cảng Thượng Hải đứng đầu.
Hồng Kông cuối cùng rồi cũng sẽ giống như một thành phố Trung Quốc khác (another Chinese city). Ổn định xã hội hay bản sắc, cái nào quan trọng hơn đối với dân Hồng Kông?
Leave a Comment