- minh-luat’s blog – RFA
Khi đảng Cộng sản Việt Nam làm công tác nhân sự chuẩn bị tiến tới Đại hội đảng khóa 13, ngoài việc đấu đá tranh ghế trong nội bộ đã là thương hiệu truyền thống, giờ đây người dân phải chứng kiến thêm sự xuất hiện của các “nịnh thần” cứ lem lẻm, nói không biết ngượng.
Nổi lên trong số đó là “nịnh thần” Nguyễn Hồng Diên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, người mà mới đây có một phát biểu vuốt ve, làm mát lòng đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng: “Trường hợp đặc biệt về tuổi như Tổng bí thư là hạnh phúc của Đảng, dân tộc”.
Theo Vietnamnet cho biết, tại Hội nghị Báo cáo viên tuyên giáo hôm 27/5, thông báo về kết quả công tác nhân sự ở Hội nghị Ban chấp hành TƯ lần thứ 12, ông Nguyễn Hồng Diên nói:
“Nếu chúng ta thực hiện một cách xơ cứng quy định về độ tuổi thì một số cán bộ cao tuổi trong Ban chấp hành TƯ sẽ không tái cử…Đặc biệt là người đứng đầu, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Có thể nói trường hợp đặc biệt này là hạnh phúc của Đảng, dân tộc.”
Lời khen ngợi của cấp dưới dành cho cấp trên không phải là điều xa lạ. Nhưng những lời ca ngợi của ông Diên dành cho ông Nguyễn Phú Trọng thật sự quá thô thiển. Nó đã vượt qua giới hạn của sự khen ngợi thường tình, mà trở thành một sự “nịnh hót” lố bịch.
Bài học từ quá khứ
Mới đây, tại Hội nghị BCH TƯ kết thúc vào hôm 14/5, nhấn mạnh: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, xu nịnh, phe cánh…”. Tuy nhiên, nhìn vào biểu hiện xu nịnh lộ liễu của ông Diên – người hiện đang là Ủy viên Ban chấp hành TƯ khóa 12, và được dự đoán còn tiếp tục leo cao hơn tại kỳ Đại hội đảng khóa 13 vào đầu năm tới, cho thấy tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự của đảng CS chỉ mang nặng tính hình thức.
Có lẽ, ông Diên đã thấm nhuần được bài học lịch sử trong công tác nhân sự tại các kỳ Đại hội đảng trước đây. Vấn đề này được mô tả khá rõ qua bài viết “Phấn đấu & Cơ cấu”, tác giả Huy Đức viết về chuyện làm nhân sự dưới thời Tổng bí thư Đỗ Mười, nghe cứ như giai thoại:
Trước Đại hội VIII (1996), ông Đỗ Mười cho gọi một vị phó thủ tướng tới bảo: “Kỳ này tôi nghỉ anh thấy sao?”. Vị phó thủ tướng, vốn là một trí thức lịch lãm, chân thành hỏi lại: “Ai sẽ thay anh?”.Kết quả, ông bị loại ra khỏi danh sách tái cử.
Ông Đỗ Mười lại cho mời một nhà lý luận bảo thủ tới và khi ông vừa dứt lời thì nhà lý luận này liền đập tay xuống bàn: “Trời ơi, đất nước đang như thế này anh nghỉ làm sao được”. Kết quả, nhà lý luận giữ được ghế ủy viên Bộ chính trị.”
Ông Nguyễn Hồng Diên đã tiếp cận vấn đề theo cách của nhà lý luận bảo thủ từ câu chuyện trên, nhưng “nặng mùi” xu nịnh hơn. Các phát ngôn của ông Diên diễn ra trong bối cảnh tương tự như trước kỳ Đại hội đảng 1996, vì không ai biết chắc rằng, ông Nguyễn Phú Trọng có chịu chấp nhận rời ghế không, hay sẽ tiếp tục ở lại nắm quyền ở Đại hội 13 như là một “trường hợp đặc biệt”?
Mở đường cho sự tại vị kéo dài?
Không cần phải là nhà lý luận, ai cũng hiểu chấp nhận sự ngoại lệ về tuổi tác như một “trường hợp đặc biệt”, chính là sự ngụy biện cho sự tùy tiện phá vỡ các quy định đã được thiết lập trước đó trong việc đặt ra thời hạn nắm quyền.
Cụ thể, trước đây đảng CS có quy định về độ tuổi tham gia BCH TƯ là 60 đối với Ủy viên BCH TƯ, và 65 đối với Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng giờ đây sẽ không còn được thực hiện một cách “xơ cứng” như lời ông Diên.
Câu hỏi nêu ra cho trường hợp này là sự ngoại lệ về tuổi tác sẽ kéo dài đến khi nào mới kết thúc? Nó là cách thức để giúp cho một cá nhân duy trì sự cầm quyền kéo dài vô thời hạn của mình hay đó là “hạnh phúc cho dân tộc”?
Đến đây chắc có lẽ mỗi người đã tự có câu giải đáp. Quyền lực càng kéo dài thì con người càng trở nên tha hóa, đó là lý do chúng ta cần đến các quy định để ngăn chặn sự cầm quyền kéo dài. Và không một sự hạnh phúc nào cho dân tộc khi người dân bị gạt ra bên lề trong việc lựa chọn ra người lãnh đạo quốc gia.
Trong hoàn cảnh này dù ai lên hay xuống cũng khó đoán, nhưng có một điều rõ ràng, con đường tiến thân của ông Nguyễn Hồng Diên sẽ còn được bay cao, không phải nhờ tài lý luận mà nhờ vào thói nịnh hót không biết ngượng của mình.
Leave a Comment