Trung Điền – Web Việt Tân
Cách nay mười ngày, hôm 14 tháng Năm, 2020, Phát Ngôn Nhân Bộ Ngoại Giao CSVN chính thức xác nhận là Việt Nam được mời tham gia vào nhóm “Bộ Tứ Mở Rộng” (the Quad Plus) để thảo luận về những hợp tác kinh tế hậu COVID trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đây không chỉ là tin tức thời sự bình thường mà là một chuyển biến quan trọng trong chiến lược ngoại giao đu dây giữa Mỹ và Trung Cộng của lãnh đạo CSVN trong nhiều năm vừa qua. Nói một cách cụ thể là Cộng Sản Việt Nam đang thay đổi chiến lược đi gần với Mỹ hơn là Trung Cộng.
Để chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc nhằm đa dạng nguồn cung cấp trang thiết bị chung cho toàn cầu sau biến cố COVID-19, từ cuối tháng Ba vừa qua, Hoa Kỳ đã trao đổi cùng với các quốc gia trong nhóm “Bộ Tứ” gồm Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ và Hoa Kỳ để tiến đến việc xây dựng “Mạng lưới Kinh tế Thịnh vượng” (Economic Prosperity Network) trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Bắt đầu từ giữa tháng Tư, nhóm “Bộ Tứ” nói trên đã tiến hành một số nỗ lực:
Thứ nhất, Thủ Tướng Abe, Nhật Bản chính thức kêu gọi các công ty Nhật Bản di dời nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc về lại Nhật hoặc sang các quốc gia khác, và chính phủ sẽ trợ giúp chi phí này với tổng ngân sách dự trù là 2,2 tỷ Mỹ Kim. Sự lên tiếng của Nhật Bản đã tác động đến khối EU khi Ủy viên Thương Mại Liên Âu là ông Phil Hogan đã chính thức tuyên bố rằng EU sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc.
Thứ hai, Tổng Thống Donald Trump lên tiếng kêu gọi các công ty Hoa Kỳ rút ra khỏi Trung Quốc. Ông Trump còn viện dẫn Luật Sản Xuất Quốc Phòng (the Defense Production Act of 1950) để buộc các công ty Hoa Kỳ hỗ trợ sản xuất hàng hóa chống dịch phải sản xuất ngay tại Mỹ. Song song, Hoa Kỳ đã tung ra gói cứu trợ hơn 600 triệu Mỹ Kim giúp cho 62 quốc gia có quan hệ tốt với Hoa Kỳ để cứu vãn nền kinh tế đang chịu hậu quả lệ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Thứ ba, chính phủ Ấn Độ đã chọn 10 lãnh vực sản xuất ưu tiên bao gồm điện, dược phẩm, thiết bị y tế, điện tử, kỹ thuật nặng, thiết bị năng lượng mặt trời, chế biến thực phẩm, hóa chất và dệt may để tiếp cận hơn 1.000 công ty Hoa Kỳ di dời nhà máy từ Trung Quốc đến Ấn Độ.
Song song, Hoa Kỳ đã chủ động mời thêm ba quốc gia gồm Nam Hàn, Tân Tây Lan và Việt Nam tham gia vào trong nhóm “Bộ Tứ Mở Rộng” (Quad Plus) qua những phiên họp trực tuyến nhằm thảo luận về bốn nội dung:
– Hợp tác trong việc đối phó với dịch bệnh COVID;
– Tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu để tránh những tai họa như đã xảy ra qua dịch COVID;
– Hỗ trợ các công ty di dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc;
– Vận động các nước tham dự “Mạng lưới Kinh tế Thịnh vượng.”
Theo tờ Times of India số ra vào đầu tháng Năm, 2020 cho biết là phía CSVN đã cử một cán bộ cấp thứ trưởng tham gia hầu hết các phiên thảo luận trực tiếp bàn về cách thức hợp tác và đề nghị danh sách một số nước được mời tham gia vào chuỗi cung ứng.
Sự hợp tác nói trên có thể mang đến cho CSVN một số cơ hội tốt để tái cấu trúc nền kinh tế vốn đang bị đình đọng vì dịch COVID-19. Đó là thu hút một số công ty sản xuất công nghệ cao cấp của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Đức di dời nhà máy sản xuất từ Hoa Lục sang Việt Nam nhằm chuyển hướng tính chất đầu tư mang nặng tính gia công của các công ty từ Hong Kong, Trung Quốc trong thời gian qua. Nói cách khác, việc tham gia “Bộ Tứ mở rộng” giúp cho CSVN nhiều cơ hội đón được nguồn vốn từ bên ngoài lớn hơn, không chỉ từ Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản,… mà còn từ các công ty lớn của Hoa Kỳ, Âu Châu. Trong nỗ lực đó, hôm 15 tháng Tư, Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) cũng đã hỗ trợ cho CSVN một ngân khoản 42 triệu Mỹ Kim nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để thu hút đầu tư ngoại quốc.
Ngoài những hỗ trợ về mặt kinh tế, Hoa Kỳ còn mời CSVN tham dự tập trận RIMPAC 2020 vào tháng Bảy tới đây, cùng với 25 quốc gia khác mà không mời Trung Quốc tham dự. Những diễn tiến này đang đẩy CSVN ngày một đi gần hơn với Hoa Kỳ, tách dần sự ảnh hưởng của Trung Quốc không chỉ trên lãnh vực kinh tế, thương mại, mà còn cả những vấn đề an ninh quốc phòng.
Nhóm “Bộ Tứ” (the Quad) được hình thành từ năm 2004 với bốn thành viên nòng cốt gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Châu và Hoa Kỳ nhưng không có những hoạt động gì đáng kể ngoài những hợp tác ứng phó trận sóng thần xảy ra vào năm 2004 khiến cho 230 ngàn người chết ở Ấn Độ. Khi ông Abe được bầu làm thủ tướng Nhật vào năm 2013 thì Tokyo đã tích cực muốn làm sống lại nhóm “Bộ Tứ” với mục tiêu ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông. Từ cuối năm 2017, sau khi rút ra khỏi Hiệp Định TPP, Tổng Thống Donald Trump đã đề xướng việc tái hoạt động “Bộ Tứ” nhằm mở rộng sự tham gia và hợp tác của các cường quốc dân chủ trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Đương nhiên, CSVN nhìn thấy rõ việc tham gia vào “Bộ Tứ Mở Rộng” là cơ hội cho sự phát triển mới của Việt Nam, nhưng chắc chắn sẽ đẩy Hà Nội vào thế đối đầu với Bắc Kinh một khi cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày một leo thang trong thời gian tới.
Tóm lại, sự kiện CSVN được mời tham gia vào nhóm “Bộ Tứ Mở Rộng” trong bối cảnh Trung Cộng đang bị thế giới lên án hiện nay, cho thấy là Hà Nội khó tiếp tục chiến lược ngoại giao đu dây như nhiều năm qua. Nhưng dù có muốn đi gần Mỹ để thu hút đầu tư, CSVN cũng biết rằng Trung Quốc đang nắm đến 80% tiềm lực nền kinh tế của Việt Nam, nên nếu hành xử không khéo, Bắc Kinh đóng cửa biên giới, không cho xuất khẩu nguyên liệu trong một tháng, thì cả xã hội Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng biến loạn. Biết đâu hậu COVID-19, thay vì đu dây, CSVN lại rơi vào cảnh “một cổ hai tròng.”
Trung Điền
Leave a Comment