Trong các vụ án oan như Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn…, và có thể là cả Hồ Duy Hải, thì ‘bị hại’ là rõ ràng với danh tánh cụ thể người bị sát hại. Thế nhưng khi ‘bị hại’ ở đây là ‘nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa’, thì ‘oan’ ở đây sẽ được hiểu như thế nào?
Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:
“Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
- Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
- a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
- b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
- c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
- Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Thắc mắc đầu tiên, “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” có phải là “chống Nhà nước Việt Nam”?
Các điều khoản ghi ở Điều 117.1 không xác định rõ thế nào là “chính quyền nhân dân”; và “chính quyền nhân dân” có phải là tên gọi khác của “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”?
Có phải “Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” ở miền Bắc trước đây không là “chính quyền nhân dân”?
Tương tự, có phải “Nhà nước Việt Nam Cộng hòa” ở miền Nam trước đây cũng không phải là “chính quyền nhân dân”?
Một khi chưa rõ ràng về các định danh, về những cách hiểu khác nhau thì làm cách nào để tiên quyết về nội dung bài báo đó là ‘chống chính quyền nhân dân’, là ‘chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’?
Nếu quyền tự do chính trị được ghi ở Điều 14.1, Hiến pháp: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” thực sự tôn trọng, thì ở đây vì sao không nhìn nhận các bài báo được cho là ‘chống’ đó, đang thể hiện về một quyền hiến định, là quyền công dân về chính trị? Hơn nữa, chế tài cho quyền công dân về chính trị được nêu ở Điều 11.2, Hiến pháp: “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”.
Các bài báo được cho là ‘chống’ đó, hầu hết chuyển tải những nội dung phản biện chính sách, mà các phản biện này lại nằm trong quyền hiến định, ghi cụ thể ở Điều 4.2, Hiến pháp: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.
Một đơn cử để thấy rõ hơn về án oan ở các bài báo trong ‘chống nhà nước xã hội chủ nghĩa’, là hãy giở lại toàn bộ vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm, trong đó có bài báo gần đây “Ông Nguyễn Đình Hương và chuyện ‘đưa’ ông Nguyễn Hữu Đang về Hà Nội”, đăng trên báo Thanh Niên ngày 5-5-2020, trong chuỗi bài tưởng niệm ông Nguyễn Đình Hương từ trần ngày 3-.5-2020, thọ chín mươi tuổi (*)./.
Chú thích:
(*) https://thanhnien.vn/…/ong-nguyen-dinh-huong-va-chuyen-dua-…
Leave a Comment