The LEADER Việt Nam phải khẩn trương đặt lại chiến lược FDI, đưa ra các chính sách đối ngoại và ban hành các đạo luật có thể ngăn chặn được các dự án FDI có vấn đề.
Việt Nam đang đứng trước khúc ngoặt lớn về FDI, phải xét lại toàn bộ chiến lược, chính sách, cơ chế quản lý, đưa ra các quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan và cá nhân quyết định cấp phép các dự án về FDI. Ngoài ra, Quốc hội cần sớm ban hành luật an ninh kinh tế trong đó có các nội dung liên quan FDI.
Nếu hiểu lịch sử và lý luận của sự quan hệ giữa FDI và phát triển kinh tế sẽ thấy việc tiếp nhận FDI là cả một nghệ thuật về chiến lược, chính sách, đòi hỏi năng lực và tinh thần dân tộc của người lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, để tranh thủ được nguồn lực nước ngoài nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển mà không bị chi phối bởi nước ngoài.
Đó cũng là quan tâm chiến lược, là chính sách, thái độ của Nhật Bản và Hàn Quốc trước đây, tuy hiện nay ít người biết kinh nghiệm đó, chỉ biết họ là những nước đi đầu tư nhiều ở nước ngoài.
Bốn tiêu chí để đánh giá chất lượng FDI
Về lâu dài, những nước thành công trong việc thu hút FDI thường có các điểm chung.
Thứ nhất, FDI phải được đặt trong một chiến lược phát triển kinh tế hoàn chỉnh trong đó quy định những ngành, những lãnh vực cần thu hút FDI. Thông thường những ngành doanh nghiệp trong nước chưa có khả năng đầu tư nhưng xét thấy đó là những ngành có lợi thế so sánh trong tương lai và thị trường thế giới đang lớn mạnh, lãnh đạo phải tích cực tiếp thị để kêu gọi FDI vào những ngành đó và khi họ đến đầu tư thì theo dõi, tạo điều kiện để các dự án đó phát triển thành công.
Việc tiếp nhận FDI là cả một nghệ thuật về chiến lược, chính sách, đòi hỏi năng lực và tinh thần dân tộc của người lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và địa phương
Trong dài hạn lợi thế so sánh thay đổi và những ngành cần phát triển cũng thay đổi. Do đó, để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao, chiến lược thu hút FDI cũng phải thường xuyên thay đổi theo hướng khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài ngày càng đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, có hàm lượng công nghệ và tri thức nhiều hơn.
Thứ hai, khuyến khích, tạo điều kiện để các dự án FDI lập ra theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước vì liên doanh mới tạo điều kiện cho công ty trong nước tiếp cận trực tiếp với công nghệ và tri thức kinh doanh để sau này làm chủ được các nguồn lực đó. Trường hợp cho phép 100% vốn nước ngoài phải được xem là ngoại lệ, dành cho những dự án công nghệ rất cao, có sức lan tỏa ra nhiều ngành khác.
Thứ ba, để công nghệ và tri thức kinh doanh lan tỏa từ dự án FDI sang các khu vực khác của nền kinh tế, cần có chính sách thúc đẩy sự liên kết hàng dọc (vertical linkages) giữa FDI với các công ty trong nước. Nghĩa là phải khuyến khích các dự án FDI tích cực dùng nguyên liệu và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sản xuất trong nước, qua đó doanh nghiệp FDI sẽ chuyển giao công nghệ, truyền đạt tri thức, chỉ đạo quản lý để các công ty trong nước cung cấp hàng đủ chất lượng và với giá thành thích đáng.
Điều kiện để thực hiện điểm thứ hai và thứ ba là nội lực phải mạnh, cụ thể là phải có nhiều doanh nghiệp trong nước mạnh mới liên doanh được hoặc hình thành liên kết hàng dọc với doanh nghiệp FDI. Điều này cho thấy song song với việc thu hút FDI phải cũng cố nội lực.
Ngoài 3 điểm nói trên, đối với Việt Nam, phải thêm một tiêu chí nữa. Tại châu Á, Việt Nam là nước đi sau trong quá trình công nghiệp hóa. Xung quanh Việt Nam có nhiều nước mới phát triển trước Việt Nam độ vài chục năm.
So với những nước đã phát triển hàng trăm năm như Âu Mỹ và Nhật Bản, các nước xung quanh Việt Nam trình độ công nghệ còn thấp, chưa hoặc ít có các công ty đa quốc gia tầm cỡ.
Ngoài ra, văn hóa kinh doanh, tinh thần trách nhiệm xã hội của phần lớn doanh nghiệp tại các nước này cũng kém nên họ sẵn sàng có hành động bất chính đối với quan chức các nước họ đến đầu tư và không có ý thức bảo vệ lao động, bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp của các nước tiên tiến Âu Mỹ và Nhật Bản trên cá biệt (nhất là những doanh nghiệp nhỏ, chưa có thanh danh để sợ mất) có thể có các hành động bất hảo đó nhưng nếu bị phát hiện sẽ bị chế tài bằng luật pháp của chính quốc gia của họ. Các nước xung quanh Việt Nam thì không có các chế tài như vậy. Do đó khi đánh giá chính sách FDI cần xem đa số các dự án đến từ các nước tiên tiến hay là từ các nước xung quanh.
Bốn điểm nói trên cho thấy việc thu hút FDI là cả một nghệ thuật đòi hỏi người lập chính sách và quản lý FDI phải cố gắng không ngừng, phải quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp trong nước thì FDI mới có hiệu quả tích cực. Có thể gọi đó là 4 tiêu chí để đánh giá thành quả thu hút FDI của một nước.
Đánh giá FDI tại Việt Nam
Trong hơn 30 năm thu hút FDI, chiến lược, chính sách của Việt Nam chưa đạt được 4 tiêu chí đã nói ở trên.
Giai đoạn đầu thì bảo thủ, lo ngại FDI chi phối kinh tế, thủ tục hành chính phức tạp làm nản lòng nhiều doanh nghiệp lớn của các nước tiên tiến. Kết cuộc chỉ có mấy nền kinh tế như Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan đầu tư vào các ngành công nghiệp nhẹ như da giày, may mặc,….
Giai đoạn hai bắt đầu từ khi gia nhập WTO (2007) thì lại cho tự do, không định hướng, không chọn lựa những dự án theo các tiêu chí đã nói. Đặc biệt từ khi có chính sách phân quyền xuống các địa phương, nhiều nơi hoặc thiếu kiến thức chuyên môn, hoặc không ý thức trách nhiệm với tương lai đất nước, kể cả trường hợp bị công ty nước ngoài mua chuộc, đã có nhiều dự án FDI chẳng những không cần thiết (vì doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư) mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường và an ninh quốc gia.
Nhìn chung, thu hút FDI thời gian qua hầu như chỉ xem số lượng (như vốn đăng ký, vốn thực hiện) là thành quả của chính sách FDI và ít quan tâm đến chất lượng, ít năng động tranh thủ những dự án FDI có hiệu quả cho chiến lược công nghiệp hóa.
Hậu quả là Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc cao độ vào FDI (trong những nước có quy mô dân số trên 50 triệu dân có lẽ Việt Nam là nước phụ thuộc FDI nhiều nhất). Công ty có vốn nước ngoài chiếm khoảng 50% sản lượng công nghiệp và 70% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên xét về chất (về 4 tiêu chí nêu ở trên) thì Việt Nam không thành công.
Thứ nhất, FDI không giúp chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, không đưa Việt Nam tiến lên cao trong chuỗi cung ứng giá trị. FDI vào Việt Nam nhiều nhưng suốt trong thời gian dài từ khoảng năm 1990 cho đến những năm 2000 chủ yếu là những ngành dùng nhiều lao động giản đơn như may mặc, giày dép,…
Đó là những lĩnh vực không cần nhiều vốn, không cần công nghệ cao nên đáng lẽ doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư hay ít nhất là liên doanh với nước ngoài trong giai đoạn đầu và sau đó dần dần làm chủ hoàn toàn. Mặt khác, các ngành xuất khẩu ấy phải tùy thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc các sản phẩm trung gian như vải, tơ sợi,…
Từ thập niên 1990, dòng chảy chủ đạo của FDI tại châu Á là các ngành công nghiệp máy móc với giá trị gia tăng cao và nhu cầu trên thị trường thế giới lớn mạnh, như xe máy, đồ điện gia dụng, ô tô, máy tính,… Việt Nam đã nhiều lần có cơ hội đón đầu dòng chảy đó nhưng đã không chủ động về chính sách và sớm cải thiện môi trường đầu tư nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Trên thực tế, có một số dự án FDI ở Việt Nam trong các lĩnh vực đó nhưng hoạt động không thành công, không trở thành những sản phẩm “Made in Vietnam” trên thị trường thế giới.
Từ khoảng năm 2010 cơ cấu FDI mới có thay đổi theo hướng tăng nhiều dự án trong các lĩnh vực mới như máy tính, điện thoại di động,… nhưng các ngành phụ trợ liên quan chưa phát triển nên sự tham gia của doanh nghiệp trong nước trong các dự án đó còn yếu.
Thứ hai, phân tích hình thái FDI cho thấy, hiện nay hầu hết là 100% vốn nước ngoài, liên doanh giữa nước ngoài với công ty trong nước rất ít. Tính gộp tất cả dự án có từ trước và còn đang hoạt động cho thấy gần 80% dự án là 100% vốn nước ngoài. Những dự án FDI điển hình và nổi tiếng gần đây cũng theo hình thái 100% vốn nước ngoài. Chẳng hạn Samsung đầu tư với quy mô lớn tại Bắc Ninh và Thái Nguyên nhưng cả hai dự án đều là 100% vốn Hàn Quốc.
Thứ ba, cho đến nay hầu như sự liên kết giữa FDI và doanh nghiệp trong nước rất yếu. Muốn liên kết thì doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ chất lượng và với giá cả cạnh tranh được. Nhưng ở Việt Nam bây giờ vẫn còn bàn cãi vấn đề tại sao ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển đủ cho thấy tình hình các doanh nghiệp trong ngành này còn yếu như thế nào.
Thứ tư, nhìn cơ cấu các nước đầu tư tại Việt Nam cho thấy, các nước mới phát triển và ở gần Việt Nam chiếm vị trí áp đảo. Trừ Nhật Bản hầu như không thấy vai trò của các nước tiên tiến. Chẳng hạn năm 2019, trong tổng kim ngạch 38 tỷ USD của FDI (kể cả vốn đăng ký mới, vốn điều chỉnh và mua cổ phần), đứng đầu là Hàn Quốc và Hong Kong, sau đó là Singapore; Nhật Bản xếp thứ thư và Trung Quốc thứ năm.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc tiến lên hạng thứ hai chỉ sau Singapore (Hàn Quốc thứ ba và Nhật Bản thứ tư). Đặc biệt Mỹ chỉ có 28 triệu USD so với Trung Quốc là 826 triệu USD.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và đại dịch Covid, nhiều công ty Mỹ và Nhật muốn di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác, nhưng tại Việt Nam chỉ thấy sự hiện diện của Trung Quốc là rõ nét.
FDI từ Trung Quốc và vấn đề an ninh kinh tế, an ninh quốc gia
Trên đây nhìn từ mặt thuần túy kinh tế đã thấy FDI từ Trung Quốc nhìn chung (trừ ngoại lệ) thuộc về những nước đầu tư không thể có chất lượng tốt. Ở đây khi nói riêng về Trung Quốc cần thêm 2 điểm nữa.
Một là, lịch sử hình thành các doanh nghiệp đa quốc gia của Trung Quốc rất ngắn, nhất là thời gian hoạt động trong kinh tế thị trường chưa đủ dài để xác lập hệ thống quản trị doanh nghiệp (corporate governance) và văn hóa kinh doanh.
Trên thực tế, trong 100 công ty đa quốc gia lớn nhất của Trung Quốc thì có tới 81 là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần nhưng nhà nước chi phối. Khi văn hóa kinh doanh và hệ thống quản trị doanh nghiệp chưa được xác lập mà đầu tư mạnh ra nước ngoài sẽ dễ gây xung đột với quyền lợi ở nước sở tại, dễ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, đến các quan hệ về văn hóa, xã hội.
Hai là, vì nhiều doanh nghiệp chưa tích lũy nguồn lực kinh doanh như công nghệ, tri thức quản lý, cho đến nay hình thức FDI ra nước ngoài chính của doanh nghiệp Trung Quốc là mua bán và sáp nhập (M&A). Đây là hình thái xâm nhập, sở hữu kinh doanh nhanh chóng nhất ở thị trường nước ngoài. Số dự án M&A của doanh nghiệp Trung Quốc tăng vọt từ năm 2016.
Gần đây, lợi dụng tình trạng khó khăn do đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt Nam trở thành đối tượng M&A của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp của Trung Quốc. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong bốn tháng đầu năm nay, số lượt góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó riêng M&A của doanh nghiệp Trung Quốc tăng 38%.
Một điểm quan trọng nữa, nhiều công ty FDI của Trung Quốc đưa nhiều lao động giản đơn sang Việt Nam. Chỉ kể số khảo sát được cũng đã lên tới gần 5.000. Tại sao Việt Nam phải xuất khẩu lao động mà lại cho nhập khẩu nhiều lao động từ Trung Quốc như thế?
Ngoài yếu tố kinh tế, gần đây nổi cộm lên nhiều vấn đề khác rất đáng quan ngại. Thông tin từ Bộ Quốc phòng cho thấy doanh nghiệp Trung Quốc thuê đất lâu dài ở khu vực biên giới, khu vực biển và nhiều nơi nhạy cảm về an ninh quốc gia. Vấn đề này được báo chí phản ảnh từ lâu nhưng tin chính thức của Bộ Quốc phòng làm nhiều người càng lo ngại. Chưa hết, báo chí cũng phản ảnh một số doanh nghiệp Trung Quốc có hành động tuyên truyền cho đường lối xâm lấn biển đảo của nước họ, đi ngược lại chủ trương về chủ quyền của Việt Nam.
Ở đây cần chú ý một điểm liên quan: Từ Đại hội lần thứ 19 (tháng 10/2017), Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra chủ trương tăng cường sự lãnh đạo, kiểm soát đối với mọi mặt của kinh tế, xã hội, văn hóa, trong đó có hoạt động của doanh nghiệp.
Nhiều nước đã cảnh giác và ban hành các sắc luật mới hoặc sửa đổi các luật cũ nhằm ngăn ngừa các dự án FDI ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Từ khoảng 4-5 năm trước, Quốc hội Mỹ đã soạn thảo nhiều luật liên quan đầu tư từ nước ngoài và có quy định đặc biệt thẩm tra kỹ các dự án đến từ Trung Quốc để tránh trường hợp bí quyết về công nghệ hoặc thông tin về an ninh quốc gia được chuyển về Trung Quốc.
Có thể có nhiều trường hợp doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài không chú trọng mục đích kinh tế mà để phục vụ cho các mục tiêu khác.
Gần đây lợi dụng tình trạng chứng khoán rớt giá tại nhiều nước, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động M&A nên Úc, Nhật, Đức và nhiều nước khác đưa ra biện pháp ngăn chặn nguy cơ thâu tóm doanh nghiệp trong thời gian khủng hoảng kinh tế nhằm để bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng, các doanh nghiệp trọng điểm hoặc có liên quan đến an ninh quốc gia.
Vài lời kết
Chính sách thu hút FDI của Việt Nam cho đến nay chỉ chạy theo số lượng, thiếu sự chọn lựa chiến lược làm cho xí nghiệp nước ngoài hiện diện trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế một cách không cần thiết. Phần lớn các dự án FDI không đến từ các nền kinh tế có công nghệ và văn hóa kinh doanh tiên tiến.
Chúng ta phải khẩn trương đặt lại chiến lược FDI trên cơ sở 4 tiêu chí phân tích ở phần đầu bài viết này. Ngoài ra, phải quan tâm hơn đến an ninh kinh tế, an ninh quốc gia khi xét các dự án FDI và cần ban hành các đạo luật liên quan.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn lại là nước láng giềng Việt Nam cần duy trì, phát triển quan hệ, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Nhưng phân tích khách quan nhiều mặt đã cho thấy đáng quan ngại về FDI từ nước này.
Việt Nam cần đưa ra các chính sách đối ngoại và ban hành các đạo luật nhằm một mặt thu hút FDI trong các ngành công nghệ cao, giúp chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao hơn, mặt khác tránh các ảnh hưởng liên quan an ninh kinh tế và an ninh quốc gia.
Các chính sách và đạo luật không nhắm vào một nước cá biệt mà áp dụng chung cho tất cả các nước nhưng chất lượng của các chính sách, các luật này sẽ ngăn chặn được các dự án FDI “có vấn đề”.
Một ví dụ: Liên quan đến việc mua bán và sáp nhập (M&A), chúng ta quy định một trần giới hạn (chẳng hạn tối đa 15 hay 20% trong tổng kim ngạch giao dịch lũy kế) cho các doanh nghiệp đến từ một nước; hoặc đưa ra danh mục các ngành, các công ty mà chúng ta không muốn bị nước ngoài mua,…
Những vấn đề khác liên quan FDI của Trung Quốc nói ở trên cũng ngăn ngừa được nếu đưa ra các quy định, các luật lệ cụ thể. Cũng cần có các điều lệ hay luật pháp phạt nặng những quan chức hay người Việt Nam tiếp tay cho nước ngoài lách luật để chi phối kinh tế hoặc gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia./.
Leave a Comment