Giá trị đồng tiền được định giá bởi lượng hàng hóa và dịch vụ chứ không phải bằng mệnh lệnh, điều đó ngày nay ai cũng biết nhưng trước đây 35 năm, cả BCT không biết. Điều nực cười là người ta nghĩ nguyên tắc đó chỉ có ở xã hội tư bản chứ ở nước XHCN thì không như thế. Vậy nên ông Lê Duẩn mới có câu nói “bất hủ” rằng, “Tôi hỏi thì nói không có tiền. Kìa, không có thì in ra! In ra! Không sợ lạm phát! Tư bản đế quốc in tiền mới lạm phát chứ ta, chuyên chính vô sản thì sao lại lạm phát mà sợ”.
Thực ra đấy là suy nghĩ chung của hầu hết những lãnh đạo trong đảng chứ không riêng gì ông Lê Duẩn. Trước thềm hội nghị Trung ương 8 năm 1985 thì có 2 xu hướng gây tranh cãi: xu hướng thứ nhất là “tiền định giá” và xu hướng thứ 2 là “thị trường định giá”. Đến Hội nghị Trung ương 8 diễn ra (tháng 6 năm 1985) thì quan điểm “tiền định giá” thắng thế vì đó là suy nghĩ của ông Lê Duẩn và Bộ Chính Trị thời đó. Và thế là chính sách “giá-lương-tiền” ra đời.
Để thực hiện chính sách, BCT cho thành lập Ban chỉ đạo triển khai chính sách “giá-lương-tiền” do ông Trần Phương- Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng làm trưởng ban, và 2 người gồm Đoàn Trọng Truyến-Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng và ông Trần Quỳnh-Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng làm phó ban. Các mệnh lệnh bằng văn bản dưới luật triển khai chính sách “giá-lương tiền” thì do Tố Hữu ký ban hành và giao cho Ban chỉ đạo triển khai. Ông Tố Hữu lúc đó giữ chức Phó chủ tịch thứ nhất Hội Đồng Bộ Trưởng, tức tương đương với chức phó thủ tướng thường trực hiện nay.
Chính sách được tóm tắt như sau: về giá, thì nhà nước sẽ ấn định giá cả hàng hóa thật thấp sao cho sát với giá sản xuất; về lương, thì họ chỉ đạo tăng lương lên 20%; về tiền thì sẽ in nhiều hơn nữa để chi trả cho phần lương tăng lên. Chính sách chỉ gói gọn trong bao nhiêu mục tiêu đó thôi. Và họ rất tự tin rằng, với chính sách này họ sẽ mang lại cho dân sự giàu có.
Vì đứng trên quan điểm “tiền định giá” nên họ nghĩ rằng, chỉ cần dùng pháp lệnh nhà nước ghim giá hàng hóa cho thật thấp, đồng thời in tiền bơm ra thị trường dưới dạng chi tiêu chính phủ và tăng lương cho cán bộ công nhân viên chức là xong. Hàng hóa thì có giá thấp mà tiền thì rủng rỉnh thì mặc nhiên đời sống người dân sẽ sung túc mà không cần phải gia tăng sản xuất. Lúc đó cả BCT họ nghĩ vậy. Và đó là lý do chính sách “giá-lương-tiền” ra đời. Một suy nghĩ vô cùng ngây ngô nhưng họ hoàn toàn không hề hay biết, mà tai hại nhất là những suy nghĩ đó ngự trị ngay trong não của những kẻ đang ở đỉnh cao quyền lực, và tất cả bọn họ đều rất đồng lòng. Nếu ngày nay, ông quan chức nào có suy nghĩ như thế thì chắc chắn sẽ bị dân chửi cho sấp mặt vì quá dốt nát, nhưng ngày đó cách nghĩ như vậy được cho là “đột phá”.
Để in thêm tiền, chính quyền CS Việt Nam vấp phải vấn đề trở ngại. Họ không đủ trình độ in tiền nên nhờ nước ngoài in. Nhưng nếu in thêm tiền để đáp ứng nhu cầu tăng lương thì số lượng tiền in là quá lớn mất nhiều thời gian và tiền bạc, thế là họ nghĩ ra chiêu “đổi tiền”. Đây là lần đổi tiền thứ 3 trong vòng 8 năm. Với 1 đồng mới sẽ đổi lấy 10 đồng cũ thì tổng số tiền in ra dùng để lưu hành ngoài xã hội và tăng lương cho công nhân viên chức vẫn ít hơn lượng tiền dự tính in thêm nếu không đổi tiền. Và thế là họ chọn phương án đổi tiền. Tố Hữu chính là người ký lên những quyết định triển khai giải pháp này.
Cơ chế thị trường là con ngựa bất kham, nó luôn vận hành theo cơ chế tự cân bằng giữa hàng hóa và lượng tiền chứ nó chẳng nghe theo lệnh ai cả cho dù đó là một Lê Duẩn đầy quyền uy. Lượng hàng hóa được sản xuất ra không tăng nhưng tiền thì cứ in nhiều, mà giá cả thì cứ bị nhà nước ghim chặt. Tiền thừa hàng thiếu, thế là đến ngưỡng nào đó ghim bị nhổ và giá cả hàng hóa tăng phi mã không thể nào kiểm soát nổi. Năm 1986, lạm phát là 776%, năm 1987 là 323,1%, và năm 1988 là 393%. Kinh khủng, đời sống người dân điêu đứng vì hằng ngày họ bị lạm phát móc túi gần như kiệt quệ.
Thực ra chính sách này đã sai ngay từ đầu, ngay ở quan điểm “tiền định giá” kìa. Nhưng khổ nỗi tất cả những “bộ óc tinh hoa” trong BCT không nhận ra và cứ thế họ làm một cách bướng bỉnh như một con trâu điên. Và đến khi họ đưa đất nước ủi vào tảng đá to thì mới ngộ ra và sửa sai. Tiểu tiết sai thì có thể sửa chứ nền tảng sai thì nó dẫn đến sai hàng loạt sau đó mà không thể sửa chữa được. Và đây là một bài học đắt giá mà cho đến hôm nay ĐCS vẫn không nhận ra, họ vẫn cứ dẫm lên chính vết xe đổ của mình với quy mô lớn hơn. Đó chính là sự kiên định theo Mác–Lê–Hồ./.
Leave a Comment