Nếu đọc xong toàn bài báo, tôi không nghĩ ông ta học luật, chứ đừng nói tới đang là một thẩm phán Toà án tối cao.
Điều thứ nhất
Với Điều 53 BLTTHS, nó yêu cầu bắt buộc phải thay đổi, nó là quy định tại phần chung và áp dụng cho toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự – mà giám đốc thẩm chỉ là một thủ tục phải tuân theo. Hơn nữa, tính logic của quy phạm rất đơn giản, nếu Điều 53 không áp dụng (như vị thẩm phán này nói) cho việc giám đốc thẩm, thì nó phải quy định ngay tại Điều 53 với phần loại trừ bằng câu “trừ trường hợp quy định tại phần/điều…”. Nhưng Điều 53 không có loại trừ, và là nguyên tắc chung cho toàn bộ mọi hoạt động tố tụng trong BLTTHS.
Điều thứ hai
Trong trường hợp ông ta nói, do Bộ Công an đã có những hoạt động nhất định để xem lại vụ án, mặc dù không có quy định trong BLTTHS nhưng được HĐTP tham khảo. Xin thưa, đây là một vấn đề vi phạm đặc biệt nghiêm trọng khác – nguyên tắc hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật (Điều 31 Hiến pháp và Điều 23 BLTTHS). Trong văn bản của BCA mà HĐTP dùng tham khảo có sự khẳng định “việc kết tội Hải là đúng người, đúng tội”. Đây là một vi phạm nghiêm trọng vì ngoài HĐTP giám đốc thẩm, chỉ tuân theo pháp luật và đánh giá lại toàn bộ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, sẽ không ai được đưa ra hoặc có bất kỳ định bướng kết tội bất lợi nào cho bị cáo. Đây không phải là giai đoạn để có bất cứ hoạt động nào của BCA đối với vụ án mà được lấy làm cơ sở vì HĐTP đang xem xét lại các bản án mà bị kháng nghị có nhiều vi phạm tố tụng – ở đây không thể xuất hiện bất cứ sự khắc phục hay cần một sự phán quyết nào từ bên ngoài – phải căn cứ vào hồ sơ đang có để xem VKS kháng nghị là đúng hay không. Không có trong thủ tục nhưng lại được dùng làm tham khảo, để đi đến phán quyết thì không thể nào là tư duy của một người nắm cán cân công lý – chỉ trừ khi đó là chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ án.
Điều thứ ba
Thủ tục giám đốc thẩm được thực hiện vào bất kể lúc nào nếu nó có lợi hoặc minh oan được cho bị cáo, kể cả khi họ đã chết. Quyết định về vấn đề ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước KHÔNG LÀ CĂN CỨ và KHÔNG CÓ HIỆU LỰC với thủ tục kháng nghị – nó chỉ là một thủ tục là điều kiện để thi hành án tử hình chứ không là cơ sở để phủ nhận thủ tục kháng nghị. Kháng nghị có cơ sở hay không phải căn cứ vào Điều 371 về các căn cứ kháng nghị – mà các căn cứ tại Điều này làm gì có Quyết định về vấn đề ân giảm của CTN? Giám đốc thẩm để xem xét lại các bản án có hiệu lực pháp luật, chứ không và không thể nào bị ngăn cản và khống chế bởi một quyết định về ân giảm của CTN – nếu hiểu như thế, chính nó đã phá vỡ và phủ nhận hiệu lực của Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức TAND.
Riêng về Điều 53 và Điều 49 BLTTHS, rõ ràng, ngay cả các vai trò tiến hành hoặc tham gia tố tụng khác, đều phải tuân theo, như người bào chữa, nếu đã tham gia với tư cách là người làm chứng hoặc người định giá, người phiên dịch hoặc đã tham gia tiến hành tố tụng trong vụ án đó…tức rằng, bất kỳ có mối liên quan nào mà có thể gây ra sự xung đột hoặc có tác động tới ý chí, nhận thức của họ, đều phải từ chối. Đằng này luật đã ấn định một quy phạm cứng, vậy nhưng lại cố tình diễn giải phá vỡ cấu trúc và sự logic của nó./.
Leave a Comment