Ngành tư pháp Cộng Sản được xem như được thành lập vào ngày 24-1-1946. Khi đó ông Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 13 quy định về việc tổ chức các Toà án và các ngạch Thẩm phán. Thế nhưng mãi đến ngày 9-11-1946, Quốc hội khóa 1 mới ra bản Hiến pháp đầu tiên trong đó có quy định về “Cơ quan tư pháp” tại Chương VI. Như vậy quyết định thành lập cơ quan tư pháp của bản Hiến pháp nói cho cùng, nó chỉ là trò hề. Bởi vì trước đó, tòa án đã được lập theo sắc lệnh của ông Hồ Chí Minh ban ra rồi.
Như ta biết, hệ thống tòa án của Hoa Kỳ được thành lập theo Hiến pháp. Tư pháp ở xứ họ là một nhánh quyền lực lớn, nó cân bằng với nhánh hành pháp của tổng thống và nhánh lập pháp nên không có chuyện hệ thống tòa án được thành lập bằng một sắc lệnh hành pháp như ở Việt Nam được. Đây là cách tổ chức rất khoa học và có tầm nhìn rất xa. Vì sao? Vì chỉ khi tư pháp độc lập với hành pháp thì tòa án mới có thể xét xử công minh được. Nói thế để chúng ta thấy, việc lập nên hệ thống tư pháp bằng một sắc lệnh hành pháp nó sẽ làm cho tư pháp bị méo mó là điều không thể nào tránh khỏi. Loại tòa án như vậy thì nó sẽ không bao giờ xử án công minh được, bởi vì nó luôn bị điều khiển.
Một tội phạm đơn lẻ ngoài xã hội nếu cố sát, thì cùng lắm hắn chỉ sát hại một vài người mà thôi, nhưng nếu một người đứng đầu hành pháp mà có dã tâm cố sát thì hậu quả kinh khủng vô cùng. Lúc đó, không phải một vài người bị sát hại mà phải đến hàng ngàn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu người. Vì sao vậy? Vì đơn giản nếu anh dùng súng hay dùng dao, thì cùng lắm anh chỉ ra tay với một số người giới hạn, nhưng nếu anh dùng cả bộ máy nhà nước cho ý đồ sát nhân, thì khi đó con số người bị sát hại là rất lớn. Chính vì thế mà bao giờ những lãnh tụ CS cũng chiếm vị trí áp đảo trong danh sách những nhân vật khát máu nhất của nhân loại. Mao Trạch Đông, Stalin, Pol Pot và Hồ Chí Minh đều là những kẻ sát nhân lên đến hàng triệu người trong thời kỳ nắm quyền của họ.
Khi hành pháp đè tư pháp xuống và dùng nó như là công cụ, thì lúc đó thú tính (nếu có) của những kẻ đứng đầu hành pháp không còn ai có thể kiểm soát được. Chính vì thế mới thấy, việc nâng tầm quyền tư pháp ngang bằng với quyền hành pháp nó lợi hại như thế nào?! Nó không những mang lại công bằng trong xét xử, mà nó còn là cánh tay loại bỏ những âm mưu khát máu (nếu có) của những người đứng đầu hành pháp. Bất hạnh thay, Việt Nam không có Tam Quyền Phân Lập.
Để hình dung sự tai hại của loại tư pháp công cụ, chúng ta hãy xem thời kỳ kinh hoàng nhất với tầng lớp địa chủ Việt Nam, thời Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ). Nghe đến từ Cải cách Ruộng đất thì người ta dễ nhầm tưởng đó là một chính sách phát triển nông nghiệp, nhưng kỳ thực không phải. Đúng chính xác nó là một chiến dịch thanh trừng giai cấp. Để thực hiện dã tâm sắt máu của mình, ngày 12-4-1953 ông Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 150 thành lập các “Tòa án nhân dân đặc biệt” để phục cụ cho chiến dịch CCRĐ. Hình thức thành lập rất đơn giản, quan tòa do những người không có chuyên môn về luật đảm nhận, thậm chí kẻ dốt nát mù chữ cũng có thể ngồi ghế quan tòa xét xử. Loại “tòa án” này không tuân thủ bất kỳ một quy trình tố tụng nào cả, chỉ cần có ai đó bắt người lôi ra tố trước “tòa” và tố họ là địa chủ, thì lập tức quan tòa sẽ cho nhục hình họ hoặc nặng hơn là có thể cho hành quyết. Loại “tòa án” này có thể mọc lên khắp nơi, miễn sao nơi nào có đối tượng để tố. Và kết quả là có đến 172.000 người vô tội bị sát hại vì loại “tòa án” như thế này. Sau khi giết người thỏa thích thì ngày 22 tháng 12 năm 1956, ông Hồ Chí Minh cho ban hành sắc lệnh số 284-SL bãi bỏ loại “tòa án” sát nhân này. Lúc đó có thể nói trên toàn miền Bắc oan khiên ngất trời, nhưng tất cả cũng chỉ ôm nỗi oan đó xuống mồ chứ không thể kêu cứu ai được.
Như vậy qua đây chúng ta thấy, khi tư pháp bị đặt vào tay hành pháp thì nó đã bị biến tướng theo ý của người đứng đầu hành pháp như thế đó. Nó không những không phải là cơ quan mang lại công lý cho dân mà ngược lại, nó còn bị biến thành cỗ máy giết người hàng loạt theo chủ đích của người đứng đầu. Thực ra cái gọi là “tòa án đặc biệt” ấy của ông Hồ Chí Minh lập ra nó không phải là tòa án gì cả, mà đó chính là cái lò hành quyết người vô tội mà thôi. Với chủ ý lập cỗ máy giết người khắp nơi như thế thì không thể gọi là “sai lầm” mà nó phải gọi là tội ác diệt chủng. Tội ác kinh thiên động địa này được CS gói vào 2 chữ “sai lầm” một cách nhẹ nhàng, và kẻ thủ ác – ông Hồ Chí Minh chỉ cần nhỏ vài giọt nước mắt trước ống kính tele là xem như ông ta hoàn toàn “vô tội”.
Ngày nay, văn minh đã theo chân internet mang tri thức đến với người dân Việt Nam tối tăm. Chính vì thế tòa án CS không còn giết người hàng loạt như trước đó, nhưng bản chất thì không đổi. Ngày xưa lò sát nhân tên “Tòa án Nhân dân Đặc biệt”, thì ngày nay nó bỏ đi 2 chữ cuối còn “Tòa án Nhân dân”. Tòa án Nhân dân không còn giết người hàng loạt nhưng hàm oan hay giết oan người vô tội thì vẫn rất nhiều. Vụ án xét xử Huệ Như 42 tháng tù giam và vụ giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải là 2 ví dụ trong vô số vụ án như thế.
Ở đất nước Việt Nam này, rồi cũng sẽ tới lúc nhân dân phải nghĩ lại, cần phải loại bỏ ĐCS để nhân dân được sống bình an. Không thể để một thể chế mà cứ tạo thêm bất công, tạo thêm oan khuất cho nhân dân mãi như thế được. Là một dân tộc trăm triệu dân thì cũng cần phải hiểu, hay ít nhất tới một lúc nào đó cũng phải nhận ra rằng, vai trò của chính quyền là để mang lại bình yên cho nhân dân, chứ không phải để gây ra tội ác.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-lich-su?dDocName=TOAAN017208
Leave a Comment