- songchi’s blog – RFA
Một quyết định khiến dư luận không tâm phục, khẩu phục.
Sau 3 ngày “xét xử”, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, giữ nguyên bản án với Hồ Duy Hải. “Hội đồng cho rằng, quá trình điều tra, Cơ quan điều tra có một số sai sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”, rằng “không có bức cung, nhục hình đối với Hồ Duy Hải”, rằng “Sau khi xét xử phúc thẩm, Hải chỉ có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình, không kêu oan.”, thậm chí ‘Việc không trùng khớp dấu vân tay không phải là tình tiết quan trọng’, 17/17 tức 100% thành viên trong Hội đồng thẩm phán đã giơ tay biểu quyết “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”, và “Không chấp nhận kháng nghị” (“Bác kháng nghị, y án tử hình Hồ Duy Hải”, báo VietnamNet)
Như vậy là bất chấp sự oan sai quá rõ ràng trong vụ án, bất chấp lời kêu oan liên tục suốt 13 năm nay của tử tù Hồ Duy Hải và gia đình, đặc biệt là người mẹ, bất chấp sự phẫn nộ đòi hỏi công lý của dư luận, 17 nhân vật khoác áo thẩm phán nhưng hoàn toàn không có lương tri, lương tâm kia đã lạnh lùng cố ép một con người vô tội phải chết cho bằng được.
Có thể hình dung ra sự tuyệt vọng đến mức nào của bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hài, người đã bán nhà, bán đất 13 năm nay lặn lội từ Nam ra Bắc để kêu oan cho con, sự tuyệt vọng của gia đình Hải và của chính bản thân Hồ Duy Hải.
Ngay sau khi có kết luận của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, hàng loạt ý kiến, bài viết trên facebook và một số tờ báo khác liền bày tỏ sự bất bình, phẫn uất. BBC làm một chương trình bàn tròn có chủ đề: “Vụ Hồ Duy Hải: quyết định Giám đốc thẩm “đầy bất công, gây tranh cãi” với sự tham gia của Luật sư Nguyễn Văn Đài (từ Hanau, CHLB Đức), luật sư Đinh Hồng Hạnh (từ Sài Gòn) và cựu Thiếu tá an ninh, blogger Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập nên trang Anh Ba Sàm trước kia.
Hầu hết các ý kiến của mọi người là không tâm phục khẩu phục với quyết định này.
Một quyết định dựa trên những yếu tố khác, chứ không phải vì có oan sai hay không.
Nhưng thật ra, nếu ai theo dõi vụ Giám đốc thẩm thì sẽ có thể hình dung ngay từ đầu kết luận của họ sẽ ra sao, khi bản thân luật sư Trần Hồng Phong, bào chữa cho bị cáo, chỉ được phép trình bày có 20 phút trong ngày đầu tiên, sau đó không được phép tham gia tiếp. Nhưng do có kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nên luật sư Trần Hồng Phong mới lại được tham dự ngày cuối cùng nhưng cũng không được tranh luận. Một số nhân vật quan trọng không có mặt, trong đó có bà Lê thị Nga, (khi đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội), người từng theo sát vụ này và đã có bản kiến nghị về việc xem xét kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải. Còn bản thân ông Chánh án Chánh án Nguyễn Hòa Bình chủ tọa phiên tòa Giám Đốc Thẩm, từng là Viện trưởng Viện Kiểm Sát ký quyết định không kháng nghị vụ án trước đây.
Nói như nhà báo, blogger Nguyễn Hữu Vinh, hình như đã có một sự đồng thuận nào đó từ cấp cao về kết quả của vụ án ngay từ đầu, nên trong ngày thứ hai là báo chí bắt đầu chuẩn bị dư luận cho cái sự y án từ hình đối với Hồ Duy Hải rồi (“VKS: Kháng nghị chỉ ra sai sót tố tụng, chứ không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan”, báo Tuổi Trẻ). Và thời điểm đưa ra xét xử lại cũng rất là nhạy cảm, khi đảng cộng sản VN đang chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng lần thứ 13, và một số nhân vật liên quan đến kỳ án này đều là những nhân vật có thể “lên” hay “xuống” tùy theo kết quả của Giám đốc thẩm, nên tất nhiên họ phải chọn một kết luận làm sao cho có lợi về tương lai chính trị của chính họ và nhiều người khác, chứ không phải một kết luận công tâm.
Bởi vì nếu muốn có một phiên tòa công tâm thì ít nhất họ phải cho điều tra lại, với những chứng cứ mới, phải cho phép luật sư tranh luận trước tòa, thậm chí cho phép tử tù Hồ Duy Hải một lần nữa được phép trình bày trước tòa, chứ không phải chỉ sử dụng những bản điều tra cũ, chứng cứ cũ, với thành phần thẩm phán tham gia đông áp đảo: 17 người.
Đã có quá nhiều bài báo phân tích về những cái sai sót, khuất tất của vụ án cũng như tình cảnh của tử tủ Hồ Duy Hải, người mẹ và gia đình Hải, kể cả nghi vấn kẻ giết người thực sự có thể là Nguyễn Văn Nghị, một trong hai bạn trai của một trong hai nạn nhân. Trên mạng còn lưu truyền lại bài báo trên báo Công An từ năm 2008 “Vụ 2 nhân viên Bưu điện bị giết: nghi can là bạn trai của nạn nhân!”, thỉnh thoảng trong bài viết ở báo này báo khác cũng có nhắc đến nghi can Nguyễn Văn Nghị và chính bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải từng có đơn tố cáo trực tiếp Nguyễn Văn Nghị mới chính là thủ phạm.
Trở lại kết luận của Hội đồng Giám đốc thẩm rằng Cơ quan điều tra có một số sai sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”, rằng “không có bức cung, nhục hình đối với Hồ Duy Hải”, rằng “Sau khi xét xử phúc thẩm, Hải chỉ có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình, không kêu oan.”, thậm chí “Việc không trùng khớp dấu vân tay không phải là tình tiết quan trọng’, rất là nực cười và không thuyết phục. Chứng cứ, vân tay là cái quan trọng nhất mà lại cho là không quan trọng, quá trình điều tra, kết án không chỉ có sai sót mà còn có dấu hiệu làm sai lệch chứng cứ vậy mà lại bảo “không làm thay đổi bản chất vụ án”. Sự thật là Hải luôn luôn kêu oan suốt 13 năm nay. Còn chuyện bức cung, nhục hình là chuyện cơm bữa ở xứ này.
Hãy nghe ông Nguyễn Thanh Chấn, một trong những người tù bị oan sau đó được thả, kể lại: “Ông Nguyễn Thanh Chấn kể: “Gần 2 tuần tôi tập tành giết người. Hàng ngày họ đưa tới 1 phòng, trong phòng có 1 hình nộm, 1 con dao giả, cứ tập 8h bắt đầu, 11h30 nghỉ, chiều 14h tới 16h30. Mấy ngày đầu còn người đứng trông, sau đó tự tập, tập đến khi thành thục, thì thực hiện, tức biểu diễn, rồi họ chụp ảnh…
”Rồi từ màn biểu diễn thành thục đó, Tòa án đã nhân danh…. tuyên ông Chấn chung thân, thay vì tử hình bởi có bố là liệt sỹ. 10 năm sau, kẻ giết người thực sự ra đầu thú. Ông Chấn được thả, ngẩn ngẩn ngơ ngơ và nhận bồi thường 7 tỷ…” (“Từng bị án oan, Nguyễn Thanh Chấn kể lại chuyện “tập giết người”, Chính trị Việt Nam)
Đó là lý do vì sao lời khai của Hải luôn luôn thay đổi, lúc đầu không trùng khớp với hiện trường, về sau trùng khớp là do đã bị bức cung, mớm cung. Nhưng Hội đồng Giám đốc thẩm lại cho rằng lời khai của Hải chính xác chứng tỏ Hải phải có mặt ở hiện trường và đã giết người!
So với hai người tửng bị tù oan là Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, bị kết án tử hình về tội giết người vào năm 2003, sau đó được minh oan và thả ra vào năm 2003 sau 10 năm ngồi tù, ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt tù chung thân vì tội giết người vào năm 1998, sau đó cũng được minh oan và được thả vào năm 2015, sau 17 năm ngồi tù, Hồ Duy Hải có phần kém may mắn hơn. Thứ nhất, trong cả hai vụ trên, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn là do thủ phạm, Lý Nguyễn Chung, người cùng làng với ông Chấn, ra đầu thú. Vụ ông Huỳnh Văn Nén, là do có người biết thủ phạm là ai đã làm đơn tố giác sau đó thủ phạm cũng tự thú. Chứ hoàn toàn không phải do sự công tâm điều tra lại từ đầu của công an, bên kiểm sát. Và cả hai thủ phạm đều là thường dân. Còn vụ Hồ Duy Hải, như dư luận râm ran bao lâu nay, kẻ thủ ác là con, cháu của một nhân vật cựu quan chức rất to, nghe đâu đã trốn sang nước ngoài sinh sống từ lâu và chắc chắn không bao giờ ra đầu thú, thì Hải làm sao thoát?
Chưa kể yếu tố chính trị trong vụ án. Có quá nhiều nhân vật dính líu vào vụ án nay lại ngồi trong phiên tòa Giám đốc thẩm, bản thân ông Nguyễn Hòa Bình từng bác kháng nghị xử lại vụ án, không lẽ bây giờ ông lại đưa ra phán quyết ngược lại, tức là tự thừa nhận mình sai? Tuyên bố Hải vô tội thì bao nhiêu người khác, từ đám điều tra viên cho đến thẩm phán lại phải “chết”! Chính vì vậy mà có kết luận y án tử hình đối với Hồ Duy Hải của phiên tòa Giám đốc thẩm.
Nói tóm lại, cho dù sức ép lên 17 con người ngồi trên ghế thẩm phán trong phiên tòa Giám đốc thẩm có đến từ nhiều phía, từ cả yếu tố chính trị, dư luận xã hội, niềm tin của nhân dân thì họ-những đảng viên đảng cộng sản sẽ luôn luôn lựa chọn yếu tố chính trị, lựa chọn sự an toàn, thăng chức cho bản thân chứ không phải lựa chọn tiếng nói của lương tri, lương tâm, mạng sống của một con người.
Nhiều người cũng đề cập đến hy vọng cuối cùng cho Hồ Duy Hải đó là quyết định của Chủ tịch nước, cũng là Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng. Nhưng ngay cả ông Nguyễn Phú Trọng, nếu ông có ân xá cho Hồ Duy Hải hay bác đơn xin ân xá thì quyết định ấy cũng lại cân nhắc trên yếu tố chính trị, có lợi hay hại cho số phận chính trị của ông, chứ không phải vì mạng sống của Hải.
Lịch sử đã chứng minh, đảng và nhà nước cộng sản VN hoàn toàn không có trái tim, mạng sống của người dân đối với họ chỉ là cỏ rác.
Leave a Comment