Quảng Cáo

Xin thưa quý tòa…

Quảng Cáo

Khánh Hòa – (VNTB) – Tôi không hiểu quý tòa giám đốc căn cứ vào điều gì để cho rằng cấp sơ thẩm, phúc thẩm xét xử đúng người, đúng tội? Phải chăng quý tòa chỉ dựa vào một loại sản phẩm tinh thần “xa xỉ” là niềm tin nội tâm?”

***
Quyết định giám đốc thẩm vụ án Bưu cục Cầu Voi, gồm ba vấn đề: Tuy vụ án (chính xác là quá trình điều tra) có sai sót và vi phạm tố tụng, nhưng sai sót và vi phạm trên không làm thay đổi bản chất của vụ án; việc cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải về tội giết người (giết 02 nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi) là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật; Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của bị cáo và quyết định trên đang có hiệu lực, pháp luật cũng không quy định khác nên kháng nghị đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là trái luật.

Luật sư Phạm Cương (Đoàn luật sư Hà Nội) có một phát biểu công khai đầy cảm tính trên tài khoản fb cá nhân: “Nếu trong hồ sơ có đến cả trăm lần Hải nhận tội, nhưng các lời khai đó mâu thuẫn với nhau, thì chỉ có ai não phẳng mới kết tội cho Hải!”. (https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=925517074566093&id=100013234273107)

“Não phẳng” là cụm từ miệt thị quen thuộc để ám chỉ những người không biết suy nghĩ hay ngu dốt; và theo luật sư Phạm Cương, các thẩm phán áo đỏ đều là đảng viên ưu tú của Đảng, trong đó chánh án tòa tối cao lại là Bí thư Trung ương Đảng, thì không thể “não phẳng” được.

Đúng người, đúng tội?

Theo luật sư Phạm Cương, cần trả lời các câu hỏi sau: “Đã 12 năm Hải không kêu oan mà chỉ xin tha tội chết. Vì sao lại vậy? Trong khi ở nhà, mẹ của Hải lại ngược xuôi suốt chục năm dòng ra Bắc vào Nam kêu oan cho con, trong khi không có lấy một chứng cứ đích thực nào. Tất cả đều mơ hồ? Tại sao lại vậy?”

Có lẽ luật sư Phạm Cương luôn tin tưởng vào việc các điều tra viên (ĐTV) ở Việt Nam từ năm 2008, đã tự nguyện tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng Nghị quyết số 39/46 ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Đây là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người của Liên hợp quốc.

Đến ngày 07/11/2013, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về chống tra tấn.

Nếu căn cứ vào lộ trình như kể trên, thì khó thể tin ở Việt Nam không có chuyện tra tấn người bị tình nghi phạm tội. Cứ giở hồ sơ các vụ án Nguyễn Thanh Chấn, và cả vụ Hàn Đức Long mà chính luật sư Phạm Cương có tham gia bảo vệ, sẽ rõ.

Luật sư Phạm Cương biện luận:

“Việc cơ quan điều tra (CQĐT) không thu các tang vật chứng:

– Khi xảy ra vụ án, do chưa xác định được đối tượng gây án, nên cái thớt, cái ghế cũng như hàng chục các đồ vật khác trong nhà không có đồ vật nào mang dấu vết khả nghi cho nên ĐTV không nhận biết đâu là tang vật của vụ án, nên ĐTV chỉ lập biên bản và mô tả tất cả những vật đó trong Biên bản khám nghiệm hiện trường.

Vậy theo các bạn ĐTV có vi phạm luật tố tụng không, mức độ vi phạm nếu có thì vụ án có nên hủy và trả hồ sơ để điều tra lại không, nếu điều tra lại thì làm cái gì?

– Đến khi bắt Hồ Duy Hải mới khai dùng dao, thớt, ghế đánh và cắt cổ nạn nhân, nhưng do không thu các tang vật này cho nên anh chị em bưu điện đem đốt tiêu hủy hết. Đến khi Hải khai ra các tang vật nói trên, ĐTV mới nói với nhân viên bưu điện ra chợ mua con dao tương tự, cái thớt tương tự, cái ghế tương tự đưa vào hồ sơ làm vật mô phỏng lại các tang vật chứng đã mất – biên bản nói rõ là vật mô phỏng chứ không phải tang vật.

Vậy theo các bạn ĐTV có vi phạm không, vi phạm thì vi phạm cái gì? Nếu trả hồ sơ thì làm cái gì nếu có vi phạm?

Về các dấu vân tay. Bưu điện là nơi công cộng có rất nhiều người ra vào, trong khi đó ĐTV cũng đã thu 7-8 vân tay nhưng không chứng minh được dấu vân tay của ai. Vậy ĐTV trong trường hợp này có sai phạm không, sai cái gì? Nếu có sai phạm thì trả hồ sơ để làm gì khi mà hội đồng thẩm phán vẫn cho là có căn cứ kết luân Hồ Duy Hải phạm tội.

Tóm lại, về mặt tố tụng CQĐT đã vi phạm cụ thể những nội dung nào, những nội dung đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không? Nếu trả hồ sơ thì làm những gì?”. (https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=925402057910928&id=100013234273107)

Vẫn theo luật sư Phạm Cương, thì phiên giám đốc thẩm mà chánh tòa tối cáo Nguyễn Hòa Bình ngồi ghế chủ tọa, “theo nhận xét của tôi thì đây là một trong những phiên tòa minh bạch và có chất lượng nhất trong lịch sử nền tư pháp Việt Nam”. (https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=925227447928389&id=100013234273107).

Xin thưa quý tòa…

Nhưng vấn đề mà luật sư Phạm Cương đưa ra với giọng văn mang tính thách thức nói trên, được ông Võ Văn Tài – giảng viên trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, cựu phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, tranh biện:

Tại hiện trường vụ giết 02 nạn nhân có con dao và cái thớt nhưng không hiểu vì lý do gì mà người chủ trì khám nghiệm hiện trường ngay khi vụ án xảy ra lại không thu giữ? Đấy là những vật chứng đặc biệt quan trọng, nó giúp cho CQĐT Long An kết luận chính xác là nạn nhân bị giết bởi hung khí gì, và giúp cho truy ra hung thủ dễ dàng nếu thu được mẫu vân tay trên hung khí đó.

Sau khi bắt Hồ Duy Hải, CQĐT quay lại hiện trường tìm hai loại hung khí trên thì muộn màng. Để lấp liếm vì sai sót đó là không thể khắc phục, ĐTV nhờ nhân chứng (tư cách nhân chứng này cũng chưa đúng, quý vị xem lại định nghĩa về nhân chứng quy định tại Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự) ra chợ mua 01 con dao, 01 cái thớt và yêu cầu bị can vẽ lại hình dáng con dao rồi cho bị cáo nhận dạng hung khí mà bị cáo sử dụng giống như đồ mua ngoài chợ về, từ đó cơ quan tố tụng kết luận hung khí mà bị cáo dùng để giết người có hình dạng như thế.

Xin thưa, theo Điều 190 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và điều khoản tương ứng ở phiên bản 2003 cũng như vậy về quy định, khi cho người phạm tội tiến hành nhận dạng đồ vật thì các vị phải đưa ra ít nhất là 03 đồ vật, như vậy phải đưa ra ít nhất là 03 con dao và 03 cái thớt khác nhau mới đúng quy định.

CQĐT chỉ đưa ra 01 vật duy nhất là không đúng quy định. Việc tiến hành cho nhận dạng sai quy trình sẽ làm cho Biên bản nhận dạng không có giá trị chứng minh. Vì vậy, đến hôm nay, quý tòa giám đốc cũng không có cở sở để kết luận nạn nhân bị giết bởi hung khí có hình dáng chính xác như thế nào.

Quý tòa giám đốc cho rằng bị cáo thừa nhận đã dùng dao và thớt giết nạn nhân, người dọn dẹp bưu điện cũng thừa nhận có con dao và cái thớt hình dáng như vậy, và khám nghiêm tử thi cho thấy nạn nhân có vết thương do vật sắc và vật cứng gây ra; bị cáo khai có nhờ 01 nạn nhân đi mua trái cây, qua xác minh người bán trái cây thời điểm đó thừa nhận có chị V đến mua trái cây; và bị cáo khai có đi đến địa điểm tiêu thụ tài sản là đúng, vì chỉ bị cáo có khai nên CQĐT mới xác định được địa điểm ấy…

Bị cáo khai báo “trùng khớp” với các tình tiết, chứng cứ mà CQĐT thu thập được, vậy hung thủ giết người là bị cáo.

Lập luận này tôi thấy quá đơn giản, đặc biệt trong thời điểm 2010, khi mà tình trạng dùng nhục hình rất nhức nhối trong thực tế điều tra. Chắc quý tòa và cả quý luật sư Phạm Cương không quên vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long… và đặc biệt là vụ 07 người Khơ-me ở Sóc Trăng chứ? Bảy con người vô tội đó tự nhiên bị bắt và khởi tố về tội giết người – nạn nhân là anh Lý Văn Dũng, hồ sơ do ĐTV xây dựng “đẹp” đến không có một chỗ nào mâu thuẫn, cho đến khi 02 đứa bé gái đến tự thú mình là hung thủ mới tả hỏa ra do ĐTV làm sai lệch sơ vụ án.

Tôi không dám nói vụ án này có vấn đề như thế. Nhưng nếu ĐTV muốn làm cho người đang bị bắt khai sao cho trùng khớp với các nội dung khác thì không mấy khó khăn. Đồng thời, những tình tiết mà quý tòa phúc thẩm và cả luật sư Phạm Cương tin rằng hung thủ đúng là Hồ Duy Hải, đều là những chứng cứ gián tiếp. Phải chi đây chỉ là vụ án ít nghiêm trọng, bị cáo chỉ bị phạt vài tháng tù, đằng này là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo bị tuyên tử hình nhưng chỉ với những chứng cứ gián tiếp như vậy thì không thể thuyết phục được dư luận và có gì đó giống như là một sự phiêu lưu không hơn, không kém?

Khi pháp luật chưa quy định rõ ràng, hoạt động điều tra thì vi phạm nghiêm trọng tố tụng, chứng cứ buộc tội thì không vững chắc, nhưng quý tòa giám đốc (và có thể là cả cách nghĩ của luật sư Phạm Cương) suy luận và áp dụng theo hướng bất lợi và giữ nguyên bản án tử hình đối với bị cáo, là vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, đặc biệt là nguyên tắc suy đoán vô tội.

Tôi không hiểu quý tòa giám đốc căn cứ vào điều gì để cho rằng cấp sơ thẩm, phúc thẩm xét xử đúng người, đúng tội? Phải chăng quý tòa chỉ dựa vào một loại sản phẩm tinh thần “xa xỉ” là niềm tin nội tâm?”

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux