Lynn Huỳnh – (VNTB) – Số phận pháp lý của Hồ Duy Hải trong vụ án ở Bưu cục Cầu Voi, tháng 1-2008, coi như giờ còn chờ các bước tiếp theo từ phía Quốc hội và Chủ tịch nước.
***
Cái lạ lẫm ở đây là phán quyết bác kháng nghị của 17 vị thẩm phán áo đỏ ở tòa tối cao trong giám đốc thẩm, cho thấy dường như 17 ông, bà này đều nghĩ thiên hạ ngu ngốc hết, chẳng biết gì về luật pháp lẫn luật lệ.
Lưu ý luôn, ngoại trừ chánh tòa Nguyễn Hòa Bình là không hành nghề thẩm phán, tức không làm quan tòa xét xử chuyên nghiệp, còn lại 16 người đều thuộc ‘phán quan’ cấp cao. Họ sẽ cầm cân nảy mực có giống như vụ giám đốc này không, lúc họ sắm vai ‘Bao Công’ trong những vụ án hình sự khác?
Ông thầy giáo trường luật ở Hà Nội, thầy Ngô Huy Cương, chia sẻ về chuyện thiên hạ toàn ngu hết ấy:
“Cách đây hơn 15 năm, tôi còn nhớ như in, hội thảo và bàn luận về Nhà nước pháp quyền sôi nổi lắm trong giới luật học.
Viện Nhà nước và Pháp luật của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, không biết kiếm đâu ra tiền mời được hai giáo sư nổi tiếng của Cộng hòa Liên bang Đức sang thuyết trình về Tòa án hiến pháp. Đó là giáo sư Benda, cựu Chánh án Tòa án Hiến pháp CHLB Đức, và giáo sư Umback, cựu thẩm phán Tòa án Hiến pháp CHLB Đức.
Sau khi hai ông thuyết trình rất hay với sự dịch thuật điêu luyện của phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Như Phát từ tiếng Đức sang tiếng Việt, một vị giáo sư nhà mình tỏ ra rất hãnh sĩ hỏi hai ông giáo sư Đức một câu để tỏ ra ‘nguy hiểm’, rằng: “Thưa hai chuyên gia! Nếu Tòa án hiến pháp mà xử sai thì làm thế nào?”
Rất lịch lãm và đầy sự mỉa mai, giáo sư Benda ngửa mặt nhìn lên trần nhà và nói: “Vậy chỉ còn trời xanh nữa thôi!”. Vị giáo sư nhà mình tỏ ra không hiểu gì – theo phán đoán của tôi, vì ông ta nở một nụ cười khẩy.
Nên nhớ rằng đối với tư pháp mà lên tới nấc cao nhất còn xử sai về áp dụng luật hoặc tố tụng, thì đó là do lỗi hệ thống. Mà với lỗi đó thì cần phải trả lại hệ thống cho người tổ chức để tổ chức lại. Có hai cách tổ chức lại thường thấy trên thế giới, là cải cách ôn hòa, hoặc cải cách có tính chất bạo lực hơn – đó chính là cách mạng xã hội. Vì vậy tôi thiết tha đề nghị các vị cầm cân nẩy mực phải nhận thức rõ vai trò bảo vệ chế độ của mình!”
Xin diễn giải ngắn gọn ý trên của thầy giáo trường luật Ngô Huy Cương: việc tuyên bản án với cách hiểu về nghiệp vụ như 17 vị quan tòa áo đỏ, đó là một trong những con đường ngắn nhất đưa tới sự sụp đổ của chế độ mà các quan tòa vẫn hay nhân danh lúc tuyên án.
Chia sẻ với ý kiến của thầy Ngô Huy Cương, đồng nghiệp trường luật hiện sống tại Sài Gòn, thầy Lê Hùng nhìn nhận: “Có tội hay vô tội thì chưa biết, nhưng bản án phải tâm phục khẩu phục, kể cả đối với những người có chuyên môn Luật và không có chuyên môn. Nước nào cũng có án oan, án sai nhưng án làm ẩu thì hiếm lắm”.
Leave a Comment