Bài này tôi viết về vài ý kiến xung quanh Công hàm Phạm Văn Đồng ( CHPVĐ), nhưng trước hết xin kể hai câu chuyện ngắn gọn
Chuyện 1- Anh Taku học võ
Đầu thế kỷ 20 tại Nhật, Taku quyết chí tầm sư học võ. Qua nhiều tìm hiểu anh đã chọn được Buko, sư phụ môn võ K, môn này khá nổi tiếng trong truyền thống của Nhật và thường kình địch, chê bai môn võ Judo mới được truyền bá từ cuối thế kỷ 19. Khi Taku đến gặp, xin bái Buko làm sư phụ, chưa làm lễ thì được tạm giao việc kéo xe đưa Buko đi có việc. Dọc đường rừng Buko gặp Mila thuộc môn phái Judo. Hai bên gây sự đánh nhau. Buko dặn Taku đứng xem kỹ cho biết để bái phục. Không ngờ Mila đã đánh bại đối thủ một cách ngoạn mục. Taku lại phải kéo xe đưa Buko bị thương về, rồi từ biệt để đi tìm môn phái Judo.(tôi nhớ K là Karate, nhưng không dám khẳng định).
Chuyện 2- Vụ kiện bất ngờ
Năm 2012, tôi được chọn để xét xử một vụ kiện về hợp đồng Xây dựng tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế của Việt Nam. Bên A kiện bên B đòi bồi thường khoảng 4 tỷ vì vi phạm hợp đồng. Bên B không những chấp nhận vụ kiên mà còn làm đơn kiện lại, đòi A trả khoảng 2 tỷ, cũng vì lý do vi phạm HĐ. Tôi và hai trọng tài viên khác (một là GS TS về luật, một là GS TS về kinh tế XD, còn tôi là GS TS về Kết cấu XD) đã nghiên cứu hàng chồng hồ sơ của hai bên trong vài tháng. Cả A và B đều thuê những Văn phòng luật sư có danh tiếng ở Hà Nội. Hồ sơ do các công ty luật lập. Theo hồ sơ thì bên nào cũng đưa ra những lý lẽ, những chứng cứ, những điều luật có lợi cho họ và phản bác bên kia. Hội đồng trọng tài lại phải ngồi nhiều buổi để nghe luật sư hai bên tranh luận.
Luật sư bên A rất tin rằng A nhất định thắng. Khi đến dự phiên xét xử, ngoài hai LS chính, họ còn đưa thêm ba LS tập sự để học tập. Bên B chỉ có một LS.
Sau khi nghe hai bên tranh luận đầy đủ hết mọi lý lẽ, Hội đồng trọng tài gồm ba GS họp riêng để nghị án. Cả ba trọng tài viên đếu xử cho bên B thắng, buộc A phải trả tiền cho B. Sau khi ra phán quyết chúng tôi nghĩ rằng A sẽ có phản ứng chống lại, Nhưng không, A đã chấp nhận chịu thua và trả tiền cho B.
Qua hai câu chuyện trên tôi thấm thía phương châm biết mình biết người. Tin vào mình là cần, là đúng, nhưng quan trọng không phải thấy rõ sức mạnh của mình mà ngược lại, phải thấy rõ chỗ yếu của mình và thấy được chỗ mạnh của đối phương. Muốn vậy, có một phương pháp đơn giàn (nhưng khó thực hiện) là xem rằng mình đang làm luật sư cho họ.
Trong vụ việc CHPVĐ, tôi có một số ý kiến khác với một số người, kể cả luật sư. Chỉ xin nêu 2 điểm sau:
Điểm 1- Họ cho rằng CHPVĐ không có giá trị pháp lý vì những vấn đề thuộc lãnh thổ phải thông qua và do Quốc hội quyết định. Luật sư TQ có khả năng dễ dáng bác bỏ lập luận này vì:
- Đây là một tuyên bố (của Chu) và một thư (của Phạm) được xem như Công hàm chứ không phải Hiệp định về biên giói, về lãnh thổ.
- Quốc hội có hay không có biểu quyết là chuyện nội bộ của VN. Phía TQ nhận được CHPVĐ là đã đủ chứng cứ. Phía VN thấy cần phản đối, cần bác bỏ CHPVĐ thì họp QH đem ra thảo luận công khai. VN có câu: Nhất ừ, nhì làm thinh. QHVN làm thinh có nghĩa là không phản đối, nghĩa là gián tiếp đồng ý.
Điểm 2- Cho rằng năm 1958 Hoàng Sa và Trường Sa do VNCH quản lý, Hà Nội không có tư cách quyết định một thứ mình không có chủ quyền. Đây là một đánh tráo khái niệm. Trong CHPVĐ không có chuyện Hà Nội nhường HS và TS cho TQ. Nếu có tranh chấp thì đó là tranh chấp giữa A là TQ và B là VNCH. Hà Nội là bên thứ ba, đứng bên ngoài, nói vọng vào, thể hiện nhận thức của mình. Như vậy không dễ gì bác bỏ tính pháp lý của CHPVĐ.
Chuyện lạ. Hình như sau khi Chu Ân Lai ra tuyên bố không có một nước nào ủng hộ hoặc phản đối, ngoài VNDCCH. Phải chăng có sự vận động hoặc thúc ép ngầm từ phía TQ và hình như ở Việt Nam CHPVĐ cũng được giữ dưới dạng tối mật của Nhà nước.
Một số người cho rằng TQ nắm được CHPVĐ như nắm con dao cùn, thế mà đòi chém VN. Vâng, dù cho là dao cùn, nhưng lại do ông Đồng, đại diện Chính phủ VNDCCH trao cho chúng nó, chúng nằm đằng cán, chúng lo mài cho sắc được đến đâu thì tốt cho chúng đến đó và phát cho trên một tỷ người. Chúng ta có chứng cứ lịch sử, chúng nó cũng có chứng cứ. Ngoài ra chúng còn nắm được con dao.
Viết ra như trên không phải để chịu thua mà muốn nói rằng để thắng được phải tìm thêm sức mạnh nữa. Đó là sức mạnh do việc thoát cộng và thoát Trung mang lại./.
Leave a Comment