Hiền Lương – (VNTB) – Sau tháng tư, 1975 ở Việt Nam chấm dứt báo chí tư nhân. Từ tháng 4-2020, nhiều tờ báo ở Việt Nam bắt buộc chuyển sang hình thức tạp chí. Quyền tự do báo chí vẫn là giấc mộng dài của đêm trường thông tin suốt 45 năm qua.
Những nhận định ở trên là căn cứ từ các tiêu chí của Ngày Tự do Báo chí thế giới, viết tắt là WPFD (World Press Freedom Day), là ngày Liên Hiệp Quốc dành riêng để cổ vũ và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Tự do báo chí trên toàn thế giới, ngày 3 tháng 5.
Theo đề nghị của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc, ngày 20-12-1993, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã công bố ngày 3 tháng 5 là “Ngày Tự do Báo chí thế giới” với Nghị quyết số 48/432, nhằm để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do báo chí, và nhắc nhở các chánh phủ về bổn phận phải tôn trọng và duy trì quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, và đánh dấu ngày kỷ niệm Tuyên ngôn Windhoek, một tuyên ngôn về những nguyên tắc tự do báo chí do các nhà báo châu Phi đưa ra năm 1991.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Cộng Sản – cơ quan lý luận chính trị của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, với tựa đề “Tránh “bẫy tự do báo chí” trong thời kỳ hội nhập quốc tế”, có đoạn viết: “Giăng chiếc “bẫy tự do báo chí”, các thế lực thù địch rêu rao chúng ta không cho phép báo chí tư nhân là không có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Chúng lợi dụng các vụ, việc một số nhà báo có hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức người làm báo bị xử lý để cho rằng tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam bị hạn chế… Để đối phó với thực tế này và trong bối cảnh thông tin đa chiều, đặc biệt là khi người đọc không phải tìm kiếm mà thông tin được chủ động đưa đến cho người đọc (thậm chí người đọc phải tiếp nhận thông tin một cách bị động – bị gửi vào facebook, zalo, viber…) thì việc cung cấp những nguồn tin chính xác, kịp thời cho báo chí chính là cách thức nhanh nhất, hiệu quả nhất để định hướng và quản lý thông tin. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã áp dụng phương pháp quản lý vừa thuyết phục, nhắc nhở, vừa cưỡng chế bằng các chế tài, công cụ pháp luật. Thuyết phục, nhắc nhở là thông qua tổ chức định hướng thông tin thường xuyên, đặc biệt khi có các sự kiện lớn, các sự việc nhạy cảm. Cưỡng chế là ban hành và thông qua các quy định pháp luật để bảo đảm mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…” (*).
Trong bài báo kể trên, tái xác nhận là ở Việt Nam không có báo chí tư nhân, và tái khẳng định thông tin trên báo chí ở Việt Nam là có “định hướng”.
Nếu đánh giá về quyền “tự do báo chí” từ Luật Báo chí hiện hành ở Việt Nam, cho thấy khá rõ về những cách hiểu ‘tự do’ của nhà nước Việt Nam so với thế giới (ngoại trừ Trung Quốc, Triều Tiên).
Luật Báo chí Việt Nam có quy định “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân” – điều 13.2.
Điều luật 13 là không ổn, vì nó mâu thuẫn với quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Cụ thể là ở nội dung thứ nhất: “nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ”. Điều khoản đó có nghĩa nếu phóng viên, biên tập viên chưa được cấp thẻ nhà báo tuy hoạt động trong khuôn khổ pháp luật song có thể không được Nhà nước bảo hộ. Nội dung này có vẻ mang tính răn đe và ban phát không cần thiết và không thấy được trách nhiệm phải có của Nhà nước.
Ở nội dung thứ hai, “không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân” thì nội dung này hoặc là thừa, hoặc đã được đặt không đúng chỗ, thậm chí còn có vẻ răn đe không cần thiết. Vì trong điều 9 quy định về “Các hành vi bị cấm” trong hoạt động báo chí, đã đề cập vấn đề này.
Tuy nhiên nếu nhìn từ Hiến pháp năm 2013, về việc đã quy định những quyền cơ bản, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, thì mục đích trước hết của một đạo luật về báo chí, là nhằm đảm bảo cho mọi người có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Do vậy, đối tượng chế tài của nó là Nhà nước; nó buộc Nhà nước phải đảm bảo quyền tự do báo chí, thể hiện bằng những quy định cụ thể trong Luật Báo chí.
Nếu Nhà nước hay bất kỳ chủ thể nào trong các chính sách, pháp luật hay hành động cụ thể của mình trong thực tế không đảm bảo quyền tự do báo chí thì Nhà nước, chủ thể đó đã vi phạm luật, vi phạm Hiến pháp và phải chịu chế tài.
Cho nên, cách gọi tên đúng nhất phải là “Luật về Quyền tự do báo chí”. Trong khi đó thì Luật Báo chí về nguyên tắc thể hiện một cách hiểu, và do đó là một cách làm hoàn toàn ngược lại. Đối tượng chế tài của một đạo luật mang tên như vậy sẽ là nhân dân, và đó sẽ là một đạo luật của Nhà nước, để cho Nhà nước nắm lấy mà cai trị dân về mặt báo chí. Đạo luật đó sẽ nhằm đảm bảo quyền tự do báo chí của Nhà nước chứ không phải của dân. Một Nhà nước nắm luật đó sẽ có quyền cho phép người dân được tự do về mặt báo chí đến đâu, tức ngược với tinh thần của Hiến pháp.
Và với cách hiểu ở trên góp phần giải thích vì sao là thành viên Liên Hiệp Quốc, song Nhà nước Việt Nam không hề hưởng ứng Ngày Tự do Báo chí thế giới, mồng 3 tháng 5 hàng năm.
________________
Chú thích:
Leave a Comment