Quảng Cáo

Khi chánh án là “vua”

Hình: Một trong ba mẫu phác thảo biểu tượng công lý Lý Thái Tông (Nguồn: Internet)

Quảng Cáo

Tân Phong – Web Việt Tân

Chẳng hiểu căn cớ làm sao mà Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam lại nảy ra ý muốn lấy ông vua Lý Thái Tông làm “tổ ngành” của mình và dựng tượng ông như biểu tượng của …Công Lý ở các tòa án các cấp, từ trung ương tới địa phương. Ý tưởng này thậm chí còn bị chính những cựu công chức cao cấp của chế độ cho rằng “dựng tượng vua để tôn kính thì được chứ để làm biểu tượng Công lý thì nực cười quá” – như ông Ngô Cường, nguyên vụ trưởng vụ quốc tế của Tòa án nhân dân tối cao nói với báo Tuổi Trẻ online hôm 28 tháng Tư, 2020.

Tuy vậy, ý tưởng nực cười đó vẫn có thể được thực thi ở một xứ sở mà bất kể chuyện phi lý và quái đản đến đâu cũng có thể trở thành hiện thực khi nó được “lãnh đạo” chấp thuận và trở thành “quyết tâm chính trị”. Một cuộc triển lãm các mẫu hình tượng ông vua Lý Thái Tông trong trang phục “áo cổn, mũ miện”, một tay cầm một quyển sách, tay kia cầm một cái cân, hông đeo một thanh gươm được đem ra thuyết minh các ý nghĩa “thâm thúy”, mang tính lịch sử sâu sắc… Thôi thì chưa nói đến những ý tứ thâm sâu mà chỉ có lãnh đạo mới hiểu được. Dân đen nhìn qua thì thấy ông Lý Thái Tông trông rất giống ông vua Tàu nào đó trên các bộ phim chiếu suốt ngày trên các kênh truyền hình Việt Nam mà được Trung Quốc tặng miễn phí.

Nói về trang phục triều Lý thì quả thực cho tới giờ, chúng ta cũng chẳng thể biết các vua chúa ngày xưa ăn mặc ra sao. Lịch sử chính thống mới được ghi chép lại từ thời Trần. Cái sự ăn mặc của cổ nhân dù có đem ra tranh cãi trong “ngàn năm mũ áo” của ông Trần Quang Đức thì cũng chẳng có mấy căn cứ sử liệu đầy đủ. Ngoài những hình vẽ, ảnh chụp hiếm hoi có từ thời Nguyễn làm mẫu hình gốc còn lại thì cũng tùy thế nhân sáng tạo theo trí óc của mình. Thế nên, chuyện ông vua Lý bây giờ có mặc y chang ông vua nhà Đường bên Tàu thì cũng là chuyện dễ hiểu khi mà giờ đây “người người xem phim Tàu, nhà nhà xem phim Tàu.

Không rõ từ khi nào, cái “văn hóa tượng đài” nó lại ăn sâu vào trí não của các lãnh đạo CSVN đến như thế và cớ tại làm sao thì có …Giời mới biết. Nhưng kể ra thì cũng có cái lý của nó vì mang tiếng là đất nước 4000 năm văn hiến nhưng chẳng có một tượng đài nào thực sự có giá trị lịch sử. Những người cộng sản chắc sẽ phải cố công lắm để dựng lên một hình tượng trong lòng dân chúng.

Dù 20 năm qua, tượng của ông Hồ được xây dựng trên khắp mọi miền đất nước, ngốn một nguồn kinh phí khổng lồ hàng trăm ngàn tỷ nhưng thú thực là nó xa lạ, phô trương và …rẻ tiền về giá trị văn hóa chứ đừng nói tới lịch sử. Nói thì bảo ác khẩu, chứ cứ nhìn số phận những tượng đài của các “bậc thày vĩ đại” của ông Hồ là ông Lê Nin, ông Các Mác thì biết. Có lãnh đạo cộng sản nào dám khẳng định rằng 10 năm, 20 năm nữa… những giai cấp vô sản ở thế kỷ 21 hôm nay, vào một ngày đẹp trời nào đó, lại chẳng quàng dây kéo cổ tượng ông Hồ xuống mà đập, giống như với tượng ông Lê Nin ở nước Nga?

Có lẽ thế, nên bây giờ, người ta lại tính chuyện dựng tượng ông vua Lý? Được coi là ông vua “nhân triết thông tuệ, có đại lược về văn võ, biết trước mọi việc, đánh đâu được đấy, vũ công lừng lẫy. Khi trở thành Hoàng đế, ông thân oan, đặt luật, trị quốc thân dân, đưa đất nước bước vào thời kỳ hoàng kim, thái bình, thịnh trị và trở thành tấm gương bảo vệ công lý tiêu biểu nhất trong thời đại quân chủ Việt Nam.” Phải chăng giờ tượng ông Hồ đã trở thành quá nhàm và mất thiêng? Hay có một cuộc thay đổi màu sắc dần dần từ “cộng sản chủ nghĩa” sang “dân tộc chủ nghĩa” chăng? Nhưng có thay đổi màu gì thì cái bản chất vẫn là “định hướng xã hội chủ nghĩa” và mọi sự thì vẫn phải theo “ý đảng.”

Có một điều khá kỳ khôi và bi hài là người cộng sản từ trước tới nay luôn gương cao ngọn cờ “đấu tranh giai cấp, đánh đổ ách phong kiến, thực dân, giải phóng dân tộc.” Những người cộng sản đã đập phá không hề thương tiếc những công trình lịch sử, xóa bỏ và viết lại lịch sử theo chủ kiến của những “lãnh đạo cộng sản.” Thế mà giờ đây, họ lại dựng tượng ông vua Lý theo hình tượng na ná của một ông vua Tàu nào đó, cầm chiếc cân đứng ở tòa án của người cộng sản. Người thì bảo phải làm thêm cho ông cái ghế chánh án để bên cạnh, kẻ thì bảo phải thêm cái chuông cho người dân đến đánh kêu oan (Dương Trung Quốc)…thôi thì chín người, mười ý. Cái tri thức của kẻ hậu thế nó chắp vá, hổ lốn tới thảm hại làm sao!

Thế là ông vua Lý Thái Tông, một tay thì mượn cái cân của thần Công lý ở Tây Phương, một tay cầm thêm quyển sách luật “Hình thư,” lại còn đeo gươm, ghế ngồi, trống chiêng cho đủ bộ, đứng ở trước cửa tòa án của nhà cầm quyền cộng sản. Thế là rõ rồi, cái tòa đó sẽ vừa viết luật, vừa đem số mạng dân đen lên cân được mấy lạng cân tiền, rồi rút gươm ra mà chặt… Đã là vua rồi thì nói sao chẳng phải ý Trời!

Nghe nói, sắp tới nhà cầm quyền sẽ đem vụ án Hồ Duy Hải ra giám đốc thẩm như một cuộc trình diễn công lý của người cộng sản. Một vụ án tiêu biểu cho oan khuất ngút trời của người dân đen ở xứ thiên đường này. Vụ án mà có sự vi phạm cố ý trắng trợn của cơ quan tiến hành tố tụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án đã bị phơi bày trước công luận, bị Quốc Hội lên tiếng nhiều lần nhưng phải đợi tới 12 năm mới được kháng nghị giám đốc thẩm. Số phận của chàng thanh niên Hồ Duy Hải thật là một số phận bi thảm, hy hữu. Khi mà chiếc cổ của anh đã đặt dưới chiếc máy chém của chế độ thì người mẹ của anh vẫn cố gắng hết sức để lôi chân anh ta ra và cái lưỡi chém vẫn chưa rơi xuống.

Sự sống chết của người dân oan trở thành cuộc cạnh tranh chính trị của các phe phái. Và giờ, có lẽ sau 12 năm sau, số phận của Hồ Duy Hải sẽ trở thành một cuộc trình diễn công lý của “phe thắng trận.” Một hệ thống tư pháp như thế mà đem hình tượng ông vua Lý Thái Tông ra làm biểu tượng quả thực là trơ trẽn và đốn mạt làm sao. Nó cũng giống như cái chế độ “bán nước, hại dân” này suốt nửa thế kỷ qua đã xử dụng hình tượng ông Hồ để chính danh một thể chế ăn cướp, tồi bại.

1/5/2020

Tân Phong

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
whatsapp
line
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux