Quảng Cáo

Đội điều về vụ án thầy Nguyễn Năng Tĩnh (2) – Vấn đề giám định tư pháp

Quảng Cáo

Luật sư Đặng Đình Mạnh|

Giám định tư pháp là một định chế bổ trợ tư pháp. Theo đó, bằng sự hiểu biết chuyên môn hoặc được hỗ trợ các trang thiết bị khoa học kỹ thuật chuyên ngành…, giám định viên có thể đánh giá, kết luận về một sự việc, sự kiện, hành vi để giúp các cơ quan tố tụng có hành xử hợp lý.

Ví dụ: Qua giám định pháp y tử thi, giám định viên có thể giúp kết luận nguyên nhân tử vong, thời điểm tử vong… Nếu tử thi có nhiều vết thương thì vết thương nào là tước đoạt sinh mạng nạn nhân, loại hung khí được sử dụng; Hoặc giám định pháp y về tâm thần để biết một người có đầy đủ năng lực hành vi chịu trách nhiệm hình sự, dân sự hay vô năng lực; Hoặc giám định chữ ký, chữ viết trên văn bản, tài liệu giả/thật, giọng nói, hình ảnh trong clip ghi âm, ghi hình; Hoặc giám định xác định quan hệ huyết thống, Hoặc giám định nguyên nhân gây cháy, nổ, tai nạn…

Khoa học pháp lý ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thiết lập các định chế giám định tư pháp cá nhân và tập thể như một ngành bổ trợ hoạt động tư pháp. Ở Việt Nam, giám định tư pháp “đi xa” hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới khi thiết lập nên định chế “giám định tư pháp về nhận thức” để “đo lường” tư tưởng, quan điểm chính trị của một người. Các giám định viên thường được bổ nhiệm trong số cán bộ, công chức thuộc Sở Thông tin và Truyền thông của các tỉnh. Hầu hết vụ án khởi tố bị can với tội danh liên quan đến chính trị như “Tuyên truyền chống phá nhà nước”, “Lợi dụng những quyền tự do dân chủ”… đều là “thân chủ” bất đắc dĩ của các giám định viên loại này.

Đối với các vụ án mà chúng tôi có dịp tham gia, hầu hết kết luận giám định của các “giám định tư pháp” đều sử dụng các cụm từ “chết người” như: Tuyên truyền, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ CNXH nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tiến hành tâm lý chiến, kêu gọi, kích động biểu tình, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, gây mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, phủ nhận thành quả to lớn của cách mạng …

Những người bị “giám định” như vậy đều bị tuyên có tội và lĩnh án. Nói khác, giám định viên có khả năng buộc tội một công dân trước cả khi tòa án xét xử họ. Câu hỏi đặt ra, các giám định viên tư pháp giám định về nhận thức, tư tưởng, quan điểm chính trị của một người bằng phương pháp gì hoặc bằng trang thiết bị gì mà những người tiến hành tố tụng như điều tra viên, công tố viên, thẩm phán không thể tự mình đánh giá, kết luận được?

Thực tế, giám định viên tư pháp không sử dụng các trang thiết bị khoa học kỹ thuật gì cả. Trong các văn bản kết luận giám định tư pháp của họ, phương pháp được ghi nhận là tổng hợp, thống kê, phân tích, so sánh, đối chiếu… Đôi khi, khôi hài hơn, phương pháp lại được ghi là “bằng tiếng Việt”!

Qua đó cho thấy, giám định viên tư pháp về nhận thức, tư tưởng và quan điểm chính trị của một người ở Việt Nam không có sự chuyên môn khác biệt gì với các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán hay luật sư, vì các phương pháp mà họ sử dụng được liệt kê không khác gì các phương pháp mà những người tiến hành tham gia tố tụng vẫn thường áp dụng. Họ chỉ có một khác biệt là được bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp mà thôi.

Tất cả hồ sơ các vụ án xét xử về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước” đều có văn bản kết luận của giám định viên tư pháp loại này. Chẳng hạn các trường hợp: Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh ở Bến Tre; Hai tiểu thương Vũ Thị Dung, Nguyễn Thị Ngọc Sương ở Đồng Nai; Các ông Vũ Quang Thuận, Trần Hoàng Phúc, Nguyễn Văn Điển ở Hà Nội; Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Trần Thanh Giang ở An Giang; và mới đây là vụ khởi tố tiến sĩ Nguyễn Chí Dũng ở Sài Gòn…

Vụ án xét xử thầy Nguyễn Năng Tĩnh không là ngoại lệ. Tạm gác nghi vấn về động cơ thật sự để khởi tố vụ án thầy Nguyễn Năng Tĩnh, một cách chính thức, hồ sơ vụ án của thầy được khởi động bằng một công văn “tố giác tội phạm” của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh gởi đến cơ quan điều tra. Sau đó, vụ án được khởi tố. Thầy Tĩnh bị bắt rồi tạm giam. Các “status” thể hiện trên trang mạng xã hội Facebook mang tên Nguyễn Năng Tĩnh được cơ quan điều tra thu thập để trưng cầu “giám định tư pháp”. Hồ sơ thu thập được chuyển đến Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh để nơi này thành lập nhóm “Giám định Tư pháp Tập thể” nhằm tiến hành giám định nhận thức, tư tưởng, quan điểm chính trị của thầy Nguyễn Năng Tĩnh.

Thầy giáo Nguyễn Năng , người bị công An Nghệ An bắt giữ hôm 29/5/2019 và truy tố theo điều 117, Bộ Luật Hình Sự (điều 88 cũ).

Kết quả, các giám định viên tư pháp kết luận rằng các status trên trang mạng xã hội mang tên Nguyễn Năng Tĩnh đã “Tuyên truyền, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ CNXH nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân…”. Với những kết luận nặng nề như thế, thầy Tĩnh đã phải lĩnh mức án đến 11 năm tù giam.

Bào chữa tại tòa, các luật sư đều nêu ý kiến bác bỏ tập hồ sơ kết luận giám định tư pháp. Ít nhất ở hai phương diện: Thủ tục và nội dung.

Về phương diện thủ tục: Trong vụ án, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã tham gia vụ án với tư cách là người tố giác tội phạm. Sau khi khởi tố vụ án, Sở lại được giao tổ chức giám định tư pháp gồm các giám định viên là cán bộ, công chức của Sở. Điều này rõ ràng không đảm bảo sự khách quan của giám định tư pháp. Tham chiếu điểm c, khoản 5 điều 68 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì lẽ ra giám định viên phải từ chối tham gia tố tụng vì “Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó”.

Do đó, tập hồ sơ kết luận giám định tư pháp không thể được công nhận là nguồn chứng cứ buộc tội, vì không bảo đảm sự khách quan và còn hơn cả thế, vi phạm thủ tục tố tụng về giám định tư pháp.

Về phương diện nội dung: Giám định viên tư pháp đã tiến hành giám định nhiều nội dung. Một trong số đó là giám định status mà thầy Tĩnh chia sẻ trên Facebook cá nhân: Bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp có nhóm tác giả gồm 72 người. Bản kiến nghị này bị kết luận rằng “Đưa ra các kiến nghị đi ngược lại với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”. Vấn đề là 72 tác giả của Bản kiến nghị đã công khai nộp văn bản này một cách chính thức tại Văn phòng Quốc Hội. Đến nay, 72 người này chưa từng bị chính quyền xử lý vì nội dung bản kiến nghị. Trong khi đó, thầy Tĩnh, người chia sẻ Bản kiến nghị, lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự!

Đương nhiên, với những vụ án thuộc loại này, bất luận ý kiến bào chữa nào của luật sư cũng đều được tòa án ghi nhận để … bác bỏ.

Quá dễ dàng để khép lại vụ án bằng một bản án, nhưng không dễ gì khép lại những nghi vấn xoay quanh vụ án đó khi mà công lý vẫn bị đặt bên ngoài bản án.

Thật đáng tiếc khi một phần hoạt động pháp đình của xứ sở này luôn bị vây quanh bởi những nghi vấn làm biến dạng công lý theo cách thức như vậy. Vụ án thầy Nguyễn Năng Tĩnh là một trong số ấy. Có thể thời điểm nào đó trong tương lai, khi có sự thay đổi thượng tầng kiến trúc, sẽ có nhiều tài liệu bí mật được bạch hóa để công chúng biết rõ những gì được gọi là sự thật trong các vụ án nhuốm màu chính trị. Trong vụ án xét xử thầy Tĩnh, hành vi tuyên truyền chống nhà nước không có vẻ là động cơ thật sự để khởi tố vụ án./.

Sài Gòn, ngày 26-4-2020.

Bài đăng từ trang Sài Gòn Nhỏ

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux