Tại cửa ra vào của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (Permanent Court of Arbitration) đặt tại The Hague, Hòa Lan, có treo nhiều hình ảnh lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đã từng viếng thăm tòa. Một trong những bức ảnh đó là Nguyễn Tấn Dũng với hàng chữ ghi chú “Ông Nguyễn Tấn Dũng Thủ tướng Việt Nam, 2011, thăm Tòa Án Quốc Tế”. Người viết ghé qua cách đây hai năm và chụp một bức ảnh để khi cần dùng cho những bài phân tích sau này.
Việc thủ tướng CSVN đến thăm tòa án Trọng Tài Thường Trực, bên cạnh các lý do xã giao, có thể còn là cách đánh tiếng cho Trung Cộng (TC) biết Việt Nam có thể chọn cách giải quyết xung đột Biển Đông bằng cách đưa TC ra tòa. Nhắc lại, tháng 8 năm 2011 Hàng Không Mẫu Hạm USS George Washington thả neo trong hải phận Việt Nam.
Dù hăm he đánh tiếng, chín năm trôi qua, quan hệ giữa hai nước có khi nóng khi lạnh nhưng chưa khi nào dẫn tới một trận pháo “công hàm” như cuối tháng Ba, 2020.
Khác với những lần trước, lần này ngoài việc phản đối bằng miệng, CSVN ngày 24 tháng 3, 2020 đã phản đối bằng việc gởi công hàm đến Liên Hiệp Quốc với nội dung chính như sau: “Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.”
Các phương pháp đấu tranh trong bang giao quốc tế nhiều khi cũng không khác gì chuyện xảy ra trong làng xã. Một người bị ăn hiếp, sức yếu thế cô không đủ khả năng làm chuyện lớn thì làm ồn lên, làm lớn chuyện lên.
Việt Nam có hai chọn lựa để làm ồn và làm lớn chuyện: (1) đưa TC ra trước Đại Hội Đồng LHQ để yêu cầu LHQ thông qua một quyết nghị cảnh cáo hay khiển trách hành vi nước lớn của TC đối với Việt Nam, và (2) kiện TC ra trước Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) như Philippines đã làm.
Thứ nhất, đưa TC ra Đại Hội Đồng LHQ
Quyết nghị của Đại Hội Đồng LHQ (United Nations General Assembly Resolution) không có tính bắt buộc phải thi hành (non-binding) nhưng có ý nghĩa tinh thần rất lớn. Vì không cưỡng bách thi hành nên các quyết nghị của đại hội đồng dễ đạt được hơn là các quyết nghị của Hội Đồng Bảo An. Việt Nam có một danh sách dài của hàng trăm bằng chứng tố cáo tội ác TC đã ức hiếp và tàn sát ngư dân Việt Nam.
Mặc dù là một nước lớn và chi một khối tiền khổng lồ cho chính sách sức mạnh mềm quốc tế để mua chuộc cảm tình, không bao nhiêu quốc gia chính thức ủng hộ lập trường của TC trên Biển Đông.
Trung Cộng khoác lác có trên 60 quốc gia và tổ chức quốc tế ủng hộ quan điểm của Trung Cộng về Biển Đông. Tuy nhiên, 60 quốc gia và tổ chức quốc tế đó đa số là đám con buôn Á Rập như Emirate, Kuwait cộng thêm 39 con nợ nghèo Phi Châu và Đông Nam Á như Togo, Sudan, Nigeria, Mozambique, Somalia, Lào, Cambodia. Chỉ có bốn nước (Nga, Serbia, Montenegro, Belarus) trong số 44 nước thuộc Châu Âu ủng hộ Trung Cộng. Chỉ ba nước nhỏ (Bolivaria, Grenada và Dominica) trong số 33 nước Nam Mỹ Châu và Caribbean ủng hộ Trung Cộng trong lúc 30 quốc gia khác thuộc khối quốc gia đang nổi (Emerging countries) không ủng hộ.
Tóm lại, đa số các nước dân chủ Tây phương, các quốc gia thuộc khối đang phát triển mạnh (emerging countries), các quốc gia Nam Mỹ chẳng những không ủng hộ mà còn phê phán quan điểm nước lớn ức hiếp các nước nhỏ trong vùng của TC.
Phân tích để thấy, vận động một quyết nghị LHQ cảnh cáo chính sách nước lớn của TC trên Biển Đông có triển vọng thành công khá cao. Cho dù không đạt được trên 50% đi nữa, đưa TC ra trước Đại Hội Đồng LHQ cũng tạo được tiếng vang, giành được nhiều cảm tình quốc tế, nhất là cho TC thấy họ phải thận trọng hơn trong hành xử.
Thứ hai, kiện TC ra trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực
Vấn đề này đã được mổ xẻ từ giới hàn lâm, học thuật cho tới các diễn đàn xã hội từ nhiều năm nay. Dù tranh luận hay phân tích sâu đến đâu, không ai có thể phán quyết thay cho các quan tòa trong Tòa Án Trọng Tài Thường Trực.
Nhưng vấn đề không phải là CSVN có thắng kiện hay không mà là có dám đưa TC ra trước LHQ hay trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực không?
Trong quan điểm của người viết, câu trả lời là không. Quốc gia nào trong vòng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đều có thể kiện TC và đều nắm chắc phần thắng ngoại trừ Việt Nam.
Cho đến nay TC dựa vào một lý luận cùn gọi “quyền lịch sử” để biện minh cho quan điểm “chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa không thể tranh cãi của Trung Cộng và đã được chứng minh qua hai ngàn năm lịch sử”. Vụ kiện của Philippines cho thấy lý luận rỗng đó không thể dùng làm bằng chứng tranh luận trước tòa án quốc tế.
Lý luận “quyền lịch sử” mà người viết trước đây gọi là “quyền ăn cướp” của TC chỉ có tác dụng tuyên truyền kích động trong đầu đám sinh viên cực đoan ở Bắc Kinh hay mấy ông bà nông dân khờ khạo ở Tứ Xuyên. Lý luận của Tập Cận Bình giống hệt như lý luận của Hitler biện minh cho việc tấn công Ba Lan là để tạo một “không gian sinh tồn” cần thiết cho Đức.
Nhưng khác với Philippines, CSVN không dám đụng tới TC vì những lý do sau:
1) Phụ thuộc về kinh tế. Mậu dịch giữa TC và Việt Nam chỉ 9,6 tỉ đô la năm 2006 đã nhảy vọt 50 tỉ đô la vào 2013 và đang tiếp tục tăng. Sự phụ thuộc theo cách đã diễn ra trong thời chiến không còn nữa, nhưng phụ thuộc kinh tế qua quan hệ mậu dịch quá lớn, giữa Việt Nam và TC trong thời bình đã ảnh hưởng mọi chính sách và thái độ của Việt Nam trước hành vi gây hấn của TC.
2) Lệ thuộc về lý luận tư tưởng. Duy trì quyền cai trị đất nước là ưu tiên số một của đảng CSVN. Dù trên mặt nhà nước, CSVN và TC có khi nóng khi lạnh nhưng giữa hai đảng vẫn có một mối quan hệ rất hữu cơ. Ban Tuyên giáo Trung ương CSVN hợp tác chặt chẽ, viếng thăm và học tập hàng năm với Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các chương trình huấn luyện, tuyên truyền, “chống diễn biến”, “chống phản động”, “chống thế lực thù địch” vẫn được trao đổi thường xuyên giữa hai nước như đã và đang làm suốt 90 năm qua.
3) CSVN cô thế. Trước 1978, Liên Sô là đỡ đầu của Ai Cập, một thành trì chống Mỹ chiến lược tại Trung Đông. Chỉ riêng tiền mặt, Liên Sô viện trợ cho Ai Cập 1,2 tỉ đô la. Ngoài ra, Liên Sô còn chịu trách nhiệm phần lớn chi phí các đề án kinh tế khác của Ai Cập. Anwar Sadat bắt tay với Do Thái, lạnh lùng bỏ Liên Sô ra đi vì Sadat biết sau lưng Do Thái là Mỹ. CSVN đơn độc, không có chỗ dựa nào khác. Không tin ai và cũng chẳng được ai tin.
Sau Hội Nghị Thành Đô, CSVN theo lịnh TC đã áp dụng chính sách quốc phòng “ba không” (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.) Chính sách “ba không” tương tự như chính sách mà Phần Lan đã áp dụng để thỏa mãn đòi hỏi của Stalin sau Thế Chiến Thứ Hai. Khác chăng, Phần Lan chịu nhún nhường Stalin để duy trì chế độ Cộng Hòa, trong khi đảng CSVN nhún nhường Tập để duy trì chế độ CS. Vì phải thỏa mãn yêu sách của TC, CSVN trở thành cô thế, không có một đồng minh nào tin cậy trong vùng. Ngay cả Lào và Cambodia cũng bỏ rơi CSVN. Với ngân sách 5,1 tỉ đô la dành cho quốc phòng, CSVN không phải là đối thủ của TC về kỹ thuật chiến tranh cũng như về quân đội.
4) Cái xương gà “Công Hàm Phạm Văn Đồng”. Phản ứng Trung Cộng, ngoài việc dẫn chứng các “tài liệu lịch sử” riêng của mình, họ còn dựa vào công hàm Phạm Văn Đồng để cho rằng Việt Nam chính thức thừa nhận hai quần đảo là của Trung Cộng từ năm 1958. Trung Cộng còn cho biết ngay trong các sách giáo khoa địa lý bậc trung học trước năm 1975 tại miền bắc Việt Nam cũng đã xác định Hoàng Sa Trường Sa là của Trung Cộng, và ngoài ra, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Ung Văn Khiêm cũng lập lại điều này khi tiếp tham vụ tòa đại sứ Trung Cộng Li Zhimin.
Người viết đã viết nhiều bài về vấn đề này, chỉ xin nhắc lại “công hàm Phạm Văn Đồng” là cái xương gà nuốt không vô mà nhả không ra của đảng CSVN. Kiện TC ra tòa án quốc tế là một nước cờ mà CSVN chần chừ bao nhiêu năm nhưng không dám đi.
Dưới mắt một số người Việt, “công hàm Phạm Văn Đồng” có thể chỉ là tờ giấy lộn nhưng với tòa án quốc tế đó có thể là một văn kiện ngoại giao chính thức của Thủ tướng, Ủy Viên Bộ Chính Trị, chấp hành lịnh của Chủ tịch Đảng và Chủ Tịch Nước Hồ Chí Minh để ký, gởi đi và đã đăng trên báo Nhân Dân cho toàn dân biết.
Với bốn lý do nêu trên, CSVN đừng nói chi là đương đầu hay thoát ra mà ngày càng lún sâu vào quỹ đạo của TC để trở thành một nước chư hầu trong thời đại toàn cầu hóa.
Dù ở trong nước hay hải ngoại, chắc chắn vẫn còn rất nhiều người hằng đêm canh cánh vì tiền đồ đất nước và mong muốn dân tộc Việt Nam thật sự được “thoát Trung”.
“Thoát Trung” để nhìn thấy bầu trời Biển Đông không còn bị chắn che bởi những đảo nhân tạo, những căn cứ quân sự, những phi trường, quân cảng cắm cờ TC.
“Thoát Trung” để được sống như những con người độc lập trong một đất nước độc lập, không còn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng nô lệ, ngoại lai, độc tài, vong bản.
“Thoát Trung” để xây dựng một đất nước Việt Nam thật sự tự do, dân chủ, nhân bản, công bằng và bác ái cho những người Việt Nam còn sống hôm nay hay sẽ sinh ra và lớn lên trên dải đất hình cong chữ S thân yêu ngày mai.
Nhưng mục đích nào cũng có những tiền đề phải thỏa mãn và những thách thức phải vượt qua. Một người không thể thắng kẻ thù nếu không thắng được chính mình. Tương tự, Việt Nam như một dân tộc không thể thắng TC nếu trước hết không giải quyết được những chướng ngại đang tồn đọng trong đất nước mình, không tổng hợp được sức mạnh của cả nước, không vận dụng được hướng đi của thời đại để phục vụ cho mục tiêu phục hưng và thăng tiến Việt Nam như Nhật Bản, Đức, Nam Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm. Chướng ngại lớn nhất của Việt Nam là cơ chế chính trị độc tài độc đảng CS hiện nay.
Nói vắn tắt, ngày nào chế độ CS còn tồn tại, mọi mơ ước “thoát Trung” chỉ là ảo tưởng./.
Trần Trung Đạo.
Leave a Comment