Công an Nghệ An hôm 23/04/2020 đã bắt tạm giam nhà văn, nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch, 68 tuổi, với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 109 Bộ luật hình sự, theo tin từ gia đình.
Từ Diễn Châu, Nghệ An, bà Nguyễn Thị Chương, vợ của ông Thạch cho VOA biết hàng chục nhân viên an ninh đã đến bắt giải ông, lục soát nhà và tịch thu một số vật dụng và tiền:
“Họ vào họ bảo anh Thạch lên xe, rồi họ lục tung trong nhà lấy một cái máy tính bảng, hai cái máy tính xách tay bị hỏng, 1 cái Samsung Ipad, điện thoại di động, một số tiền và các dụng cụ khác…nói rằng khi nào điều tra xong sẽ trả lại. Rồi họ đưa cho giấy tạm giam.”
Ngay sau khi ông Thạch bị bắt, tổ chức nhân quyền Human Rights Foundation có trụ sở ở New York hôm 23/04 kêu gọi chính quyền Việt Nam ngưng sách nhiễu ông và trả tự do cho ông ngay lập tức.
“Việt Nam đang lợi dụng đại dịch COVID-19 như một vỏ bọc để bắt giam các nhà hoạt động nhân quyền. Hành động này đã xúc phạm thái quá. Tuần trước, một số nhà hoạt động khác đã bị bắt vì đăng thông tin liên quan đến virus corona trên Facebook.” Bà Joy Park, Cố vấn pháp lý cho châu Á của Human Rights Foundation, nói trong thông cáo hôm 23/04.
“Ông Trần Đức Thạch đã phải chịu nhiều năm tù đày. Chính phủ Việt Nam phải ngừng sách nhiễu ông ấy và thả ông ấy ngay lập tức,” bà Park nhấn mạnh.
Báo Công an Nghệ An hôm 24/04/2020 cho biết, ông Thạch là “đối tượng từng có tiền án về tội xâm phạm an ninh quốc gia,” với việc từng bị kết án 3 năm tù giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” vào năm 2009.
Cũng theo trang này, sau khi ra tù vào tháng 04/2013, ông Thạch cùng các ông Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Tuyển thành lập “Hội Anh em Dân chủ” và ông Thạch được phân công giữ chức vụ “Trưởng đại diện miền Trung.”
VOA đã liên lạc công an tỉnh Nghệ An để tìm hiểu thêm về việc bắt tạm giam ông Thạch nhưng chưa được phản hồi.
Ông Trần Đức Thạch, sinh năm 1952 ở Nghệ An – là một nhà hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam trong nhiều năm qua.
Bà Nguyễn Thị Chương cho VOA biết vợ chồng bà làm nghề nông, chuyên trồng rau, và thỉnh thoảng ông Thạch viết bài vận động cho dân chủ và nhân quyền.
“Anh ấy đưa lên [mạng] những điều bức xúc trong xã hội, những cái sai, tiêu cực…đấu tranh vì quyền tự do dân chủ của người dân, được quyền nói lên tiếng nói của mình.
“Anh nói không sợ nói lên sự thật, chỉ sợ rằng anh già rồi không còn làm gì cho đất nước, cho thế hệ mai sau.”
Ông từng là hội viên hội nhà văn tỉnh Nghệ An, và là một nhà thơ bất đồng chính kiến, đã được nhiều người biết đến qua những hồi ký, bài thơ và các bài viết tố cáo sự vi phạm nhân quyền của nhà nước.
Từng là một bộ đội trinh sát, ông Thạch viết hồi ký Hố chôn người ám ảnh, kể lại tội ác của quân đội Bắc Việt giết hàng trăm người dân tại một ấp trong tỉnh Long Khánh ngay trong sự kiện 30/04/1975.
Ông cũng là tác giả của tiểu thuyết Đôi bạn tù, tập thơ Những điều chưa thấy, Dòng sông tưởng nhớ cùng nhiều bài viết khác như Tôi đã thắp sáng niềm tin, Tôi là phản động thật sao, Chút tâm sự từ vòng quản chế…
Ông Thạch bị kết án tù hai lần vào các năm 2000 (án 15 năm sau giảm xuống còn 8 năm, tội “xâm phạm an ninh quốc gia”) và 2009 (án tù 3 năm, tội “Tuyên truyền chống nhà nước”), theo trang Người Việt.
Vào tháng 4/2008 ông Thạch ra Hà Nội tham gia cuộc biểu tình cùng với thân nhân của những gia đình ngư dân huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa bị phía Trung Quốc bắn chết hồi năm 2005 khi đi đánh bắt cá tại Vịnh Bắc Bộ.
Cũng trong năm 2008, ông Thạch tham gia biểu tình ở chợ Đồng Xuân Hà Nội chống Trung Quốc nhân sự kiện rước đuốc Olympic Bắc Kinh ở Việt Nam và sau đó bị bắt, bị xử án tù cùng các ông Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Trội.
Năm 2010, ba người này cùng được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) trao giải thưởng Hellman/Hammett, ghi nhận “sự dũng cảm đối mặt với khủng bố chính trị.”
Leave a Comment