Khi nhà nước thu hồi đất, sẽ gửi quyết định thu hồi cho người có đất bị thu hồi. Sau đó là quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Nếu người có đất bị thu hồi không chấp nhận giá bồi thường, sẽ gửi đơn khiếu nại. Nếu giải quyết khiếu nại không thành công, nhà nước sẽ ban hành quyết định cưỡng chế. Dĩ nhiên sau đó là… Một lực lượng cưỡng chế đông như quân Nguyên kéo đến, và… tống cổ người bị cưỡng chế ra lề đường, trắng tay, ngủ bờ ngủ bụi xách bị gậy ăn mày, làm dân oan khiếu kiện dai dẳng hết năm này qua năm khác. Nhà nước là cơ quan ban hành quyết định cưỡng chế, kiện thì cũng chính nhà nước xử, nên việc dân oan khiếu kiện dai dẳng hàng chục năm, nhiều người khiếu kiện hai mươi năm hoặc hơn, Thủ Thiêm chẳng hạn, mà vẫn không được giải quyết thỏa đáng là không có gì khó hiểu, vì không lẽ tay phải xử tay trái? Hạn hữu cũng có vài vụ may mắn thắng kiện do cơ quan nhà nước cấp địa phương sai sót thủ tục. Còn hầu hết là khiếu kiện trong vô vọng.
Dĩ nhiên khi ban hành các quyết định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều căn cứ vào các điều luật, nghị định… hoặc các chứng cứ để chứng minh các quyết định đó đúng với pháp luật.
TC (cũng thế), họ cũng dựa vào các Công ước Quốc tế để diễn giải theo ý họ, và căn cứ pháp lý quan trọng nhất là Công hàm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký, công nhận tuyên bố chủ quyền 12 hải lý về biển đảo của TC, trong đó có Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa), là căn cứ quan trọng nhất để TC xác định chủ quyền Tây Sa và Nam Sa. Vì ngoài công hàm đó, TC chẳng có miếng giấy lộn nào chứng minh sở hữu Tây Sa và Nam Sa.
Năm 1974, TC dùng lực lượng vũ trang đông như quân nguyên để “cưỡng chế thu hồi” Hoàng Sa. Khi ấy VNDCCH không phản ứng, chắc Hà Nội cho rằng Hoàng Sa thuộc VNCH nên không liên quan đến mình?
Năm 1988, TC “cưỡng chế thu hồi” 7 bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam bó tay trước lực lượng “cưỡng chế” đông như quân nguyên của TC, trở thành NƯỚC OAN, nhưng chưa rõ vì sao không khiếu kiện. Nr đoán mò, chẳng có định chế pháp lý quốc tế nào có thể thay được chức năng của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, là cơ quan quốc tế duy nhất có quyền lực cưỡng hành. Nhưng trong cơ quan này, TC là ủy viên thường trực có quyền phủ quyết, nên khởi kiện đòi lại biển đảo do TC cướp, cũng chẳng khác gì dân oan đi khiếu kiện nhà nước trong vô vọng, vì tay phải ngu gì xử tay trái. Hơn nữa, có lẽ Việt Nam vẫn còn vướng công hàm 1958?
Và hiện tại, TC gửi công hàm cho Liên Hiệp Quốc, yêu cầu Việt Nam rút hết nhân sự và các cơ sở khỏi các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà TC gọi ngang ngược là Việt Nam xâm phạm khu Nam Sa của họ.
Dĩ nhiên căn cứ pháp lý chính của TC vẫn là công hàm 1958.
Công hàm của TC yêu cầu Việt Nam rời khỏi Trường Sa, nội dung khác với các công bố chủ quyền trước đó. Công hàm lần này có nội dung từa tựa quyết định cưỡng chế thu hồi đất dân của Việt Nam.
Và nếu đây đúng là một công hàm mang tính cưỡng hành như một quyết định cưỡng chế, thì Trường Sa đang bị đe dọa. Dĩ nhiên nhà nước Việt Nam sẽ chống lại hành động cướp biển đảo của TC để bảo vệ chủ quyền. Song phía TC sẽ cho rằng Việt Nam chống lại người thi hành công vụ của họ.
Đối với dân oan Việt Nam, ai mà chống lại lực lượng cưỡng chế sẽ bị rủ tù vì tội chống người thi hành công vụ. Còn với NƯỚC OAN chống lại lực lượng “cưỡng chế thu hồi biển đảo” của TC sẽ là… Chiến tranh.
Tình hình Trường Sa đang phức tạp, căng thẳng, rất khó đoán. Đây là lúc lãnh đạo Việt Nam cần tỉnh táo và quyết đoán, đừng để thành NƯỚC OAN khiếu kiện TC lâu năm trong vô vọng./.
Leave a Comment