nguyenlanthang – RFA
Mấy tuần nay khi mọi người bắt đầu ở trong tình trạng “ở nhà là yêu nước”, tôi thấy có khá nhiều bạn thích nghi rất tốt với tình trạng khó khăn này. Có thời gian ở nhà, mọi người bắt đầu quan tâm chăm sóc sức khoẻ bản thân hơn, đọc sách nhiều hơn, lo lắng cho gia đình nhiều hơn. Nhưng cũng có những người rất đáng tiếc là bị sa đà vào việc tranh cãi đủ thứ chuyện trên mạng xã hội. Tôi biết là ai cũng đang bí bách, nhưng tình trạng nhà nhà chửi nhau vì những việc đâu đâu trên mạng xã hội quả là điều không tốt cho mỗi người.
Mạng xã hội quả là một phương tiện rất lợi hại để chúng ta có thể giao lưu, kết nối, học hỏi và thể hiện bản thân mình. Nhưng ngoài những lợi ích đó ra thì mạng xã hội cũng mang tới những rắc rối vô cùng lớn cho mỗi người tham gia với nó. Ở đây tôi chưa muốn đề cập đến những vấn đề rắc rối với nhà nước hiện nay, mà chỉ đi sâu bàn về chuyện rắc rối trong mối quan hệ giữa chúng ta, những người chơi mạng xã hội với nhau.
Chắc hẳn bạn đã từng thấy nhiều những sự tranh cãi trên mạng xã hội trước kia, hoặc có khi bạn có thể còn là tâm điểm của một vụ cãi lộn nào đó. Khi đã sa vào chuyện đó, có người rất tức giận. Có người lại sợ hãi. Có người trở nên trầm cảm. Mỗi người mỗi cảnh. Nói chung là tất cả việc đó đến với ta đầy khó khăn, nhiều khi còn nặng nề hơn cả việc bị chửi bới đánh đập trực tiếp ở ngoài đời.
Tôi cũng từng bị chửi trên mạng nhiều lắm. Thế nên tôi nghĩ mình khá nhiều trải nghiệm để chia sẻ đôi điều với các bạn trong chuyện này. Có một lần, tôi đưa ra bình luận khá gay gắt trên facebook về một gương mặt đấu tranh. Ối trời ơi gạch đá bay tứ phía về tôi, nhiều còn hơn cả bọn dư luận viên chửi tôi từ trước đến nay. Có anh hoạ sĩ còn vẽ tranh biếm hoạ chửi tôi như tranh đả kích trên báo Nhân Dân mới kinh hồn.
Một lần khác, tôi tỏ ý không ủng hộ một cuộc tổng biểu tình toàn quốc. Lúc đó ý tôi cho rằng những người chủ xướng chưa dự liệu và chuẩn bị đầy đủ cho chuyện lớn như vậy, nên sẽ khó tránh khỏi thất bại nếu cố tiếp tục làm. Lần này thì gạch đá ném về phía tôi chắc đủ để đắp thêm một dãy Trường Sơn nữa, vì tôi đã động đến cả một tổ chức chứ không phải là một cá nhân như trước kia.
Theo thời gian rồi sóng gió cũng qua đi. Ai là ai, chuyện gì như thế nào rồi mọi người cũng đã biết. Những người từng chửi bới tôi rất thậm tệ rồi cũng im lặng. Nhưng giờ tôi không hề có ý trách họ vì đã từng vội vàng mắng tôi, mà tôi còn thực sự biết ơn, vì họ đã cho tôi những bài học nhớ đời.
Khi có sự tranh cãi, vấn đề nảy sinh là từ chỗ thông tin của mỗi người là khác nhau, niềm tin là khác nhau. Nếu bạn phát hiện ra một vấn đề gì đó mới, đi ngược lại hiểu biết hay niềm tin của người khác, thì phát hiện đó có nguy cơ trở thành ngòi nổ của các cuộc cãi vã. Tôi muốn nói vấn đề ở đây là, nếu bạn chưa có cách thuyết phục người khác tin vào điều mình nói thì cần hết sức thận trọng. Đừng có vội vã đưa ra những nhận định, những suy xét thiếu bằng chứng. Kể cả khi có bằng chứng đi nữa thì chưa chắc người ta đã chịu mình, bởi vì trong tâm trí của mỗi người luôn tồn tại một định kiến hay một niềm tin nào đó.
Chuyện này nó giống như kiểu khi bạn đưa ra những thông tin, những bằng chứng về bà Tăng Tuyết Minh, bà Nông Thị Xuân chẳng hạn… một nhóm người mà chúng ta hay gọi là bò đỏ lập tức nhảy dựng lên chửi bạn. Điều đó chẳng qua là do từ trước họ luôn có niềm tin vào một vị lãnh tụ, đã hi sinh trọn vẹn cuộc đời như một vị thánh để cứu vớt dân tộc này. Động vào niềm tin của người ta, bạn bị chửi là điều đương nhiên.
Tuy vậy, ý tôi không phải là sợ bị chửi mà không nói. Vấn đề là ở cách nói. Bài học ở đây là, bạn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những điều bạn nói ra nếu nó không đủ sức thuyết phục người khác. Nếu đã chấp nhận nói ra điều gì đó khác biệt thì cũng nên chấp nhận gạch đá ném về mình, như Galileo sẵn sàng chết để bảo vệ thuyết “Nhật tâm” trước xã hội khi xưa. Đừng có đổ lỗi cho công chúng là ngu dốt, mà hãy tự trách mình đã không đủ lý lẽ để thuyết phục thiên hạ.
Còn nếu chưa đủ bản lĩnh để đi ngược lại đám đông, xin hãy nhớ cho điều này. Có những điều đúng đắn luôn tồn tại ngoài sự hiểu biết của con người. Loài người từng có niềm tin trời tròn đất vuông như thế nào thì trái đất vẫn cứ quay. Thế nên đừng phí sức đi hơn thua trong những điều nhỏ nhặt mà chỉ nên để tâm đến những chuyện lớn.
Chơi facebook đừng có dại đi cãi nhau trong từng cái còm. Hoặc là lờ đi, hoặc cùng lắm là bấm ha ha vào những thứ không đúng ý mình thôi. Sân si, hơn thua từng thứ một trên đời này để làm gì. Ai khôn ngoan giỏi giang ở đâu thì chưa biết, nhưng thiếu sáng suốt nhất là những ai chỉ vì cố chứng minh mình đúng mà để mất đi sự an lành trong tâm trí và mối quan hệ với mọi người xung quanh. Đấy mới là cái thực, cái có ích cho cuộc sống đầy khó khăn này.
Người xưa nói: “Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một chút sóng yên gió lặng”. Sự khác biệt trong suy nghĩ với người khác tuy cần trao đổi để thống nhất, nhưng không nhất thiết phải khăng khăng làm cho kỳ được. Đôi khi sự nhẫn nại, khoan dung và thái độ yêu thương lại làm người khác thay đổi nhanh hơn bất cứ lý lẽ sắc sảo nào có ở trên đời.
Dù bệnh dịch có khốc liệt đến đâu thì loài người sẽ vẫn tồn tại. Cách ly dù dài đến đâu chúng ta sẽ vẫn phải bước ra đời để sống cùng nhau, giao tiếp với nhau. Đừng để những điều nhỏ nhặt phá hỏng mối quan hệ giữa chúng ta, và huỷ hoại cuộc sống của ta bằng sự sân hận trong tâm trí mỗi người.
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…
Yêu thương tất cả./.
Leave a Comment