Từ báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hôm 26/3 và Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 8/4, cho thấy đang có những cảnh báo về việc kinh tế Trung Quốc bắt đầu phục hồi, rất có thể các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ đi mua các doanh nghiệp Việt Nam.
“Nếu dịch tiếp tục kéo dài, việc mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A) sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, đã có thị phần nhất định, có khả năng tạo nền tảng cho sản xuất – kinh doanh của một số ngành kinh tế quan trọng, sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ”, một báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết như vậy.
Cuối tháng 9 năm ngoái, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (gọi tắt là Bamboo Airways) đã thay đổi loại hình doanh nghiệp, từ công ty TNHH một thành viên sang công ty cổ phần. Cũng từ cuối tháng 9/2019, vốn điều lệ của Bamboo Airways tăng từ 1.300 tỉ đồng lên thành 2.200 tỉ đồng.
Sau khi tăng vốn lên 2.200 tỉ đồng, Bamboo Airways tiếp tục tăng vốn lên 4.050 tỉ đồng, tương ứng với 405 triệu cổ phiếu có mã giao dịch BAV trên thị trường OTC. Hãng bay của Tập đoàn FLC này đang có kế hoạch niêm yết toàn bộ 405 triệu cổ phiếu BAV lên sàn chứng khoán trong năm nay 2020.
“Hãng sẽ chào sàn trong năm 2020 và không có ý định bán cổ phiếu (mã BAV) ra bên ngoài, cho cả đối tác trong nước và đối tác nước ngoài vào thời điểm này. Khi nào bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì ít nhất 150 ngàn đồng/cổ phiếu chúng tôi mới bán. Còn nếu bây giờ mới bán thì chỉ làm chậm tiến trình chuẩn hóa cũng như phát triển của Bamboo Airways mà thôi”, ông Trịnh Văn Quyết phát biểu như vậy tại ‘roadshow’ giới thiệu, mời chào cơ hội đầu tư tối 22/12/2019. Khi đó chưa xảy ra đại dịch Covid.
Liên quan đến tuyên bố trên của ông chủ hãng Hàng không Tre Việt, ông Nguyễn Thiện Tống, cựu Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP.HCM nói rằng ở một số quốc gia, ngành hàng không cũng được coi là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt. Tuy nhiên, họ chủ động hạn chế tỷ lệ tham gia đầu tư với những nước có ảnh hưởng, hay có tác động không tích cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội trong nước.
Do vậy, nếu nhân đại dịch Covid đang khiến các doanh nghiệp Việt Nam khốn đốn, đặc biệt là trong ngành hàng không, dẫn tới việc Trung Quốc tung tiền mua gom cổ phiếu BAV, thì mặc dù ở thời điểm hiện tại Việt Nam chưa mở cửa thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư kinh doanh cảng hàng không và sân bay, song với vị thế là một trong những ông chủ lớn của Bamboo Airways, không ai tin các ông chủ Trung Quốc ‘buông tha’ cho Việt Nam.
“Theo văn bản của Bộ Tài chính vừa qua cho biết, Bamboo Airways chính thức đi vào vận hành tháng 1/2019, nhưng tính đến tháng 4 năm nay, hãng đã lỗ tới 329 tỷ. Một hãng hàng không mới hoạt động phải bù lỗ thời gian đầu là dễ hiểu, tuy nhiên, nếu đang thua lỗ mà bán giá cổ phiếu cao là khó hiểu. Về mặt an ninh – kinh tế, động thái trên cần phải được làm rõ”, ông Nguyễn Thiện Tống đặt nghi vấn.
Theo một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, các “kịch bản” ứng phó với Covid-19 được xây dựng giờ đều bị phá sản. Trước tình hình hiện nay, việc tính toán không phải là thiệt hại bao nhiêu mà là cứu vãn được bao nhiêu. Việc cắt giảm đường bay khiến các hãng rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực, có thể có hãng không trụ được, dẫn tới phá sản.
Với thực tế đó, các doanh nghiệp Việt Nam trước nguy cơ bị Trung Quốc thâu tóm, có lẽ không chỉ dừng lại ở cảnh báo suông; đặc biệt là với Bamboo Airways, cần đề phòng chiêu thức mua đi, bán lại, cuối cùng lại để doanh nghiệp hàng không rơi vào tay những nhà đầu tư “nhạy cảm” đứng đằng sau thâu tóm, thao túng mọi hoạt động của hãng, gây bất lợi cho ngành hàng không trong nước./.
Leave a Comment