Năm 2019 vừa qua, Việt Nam trao đổi buôn bán với thế giới tổng cộng là 516,96 tỷ đô, trong đó xuất khẩu 263,45 tỷ đô và nhập khẩu là 253,51 tỷ đô. Với kích thước GDP Việt Nam là 266,5 tỷ đô la thì tỷ trọng xuất-nhập khẩu/GDP của Việt Nam là 193,4%, rất lớn. Trong khi đó với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 5.600 tỷ đô và quy mô GDP là 21.427,1 tỷ đô, thì tỷ trọng xuất-nhập khẩu/GDP của Mỹ chỉ là 26,1%, nhỏ hơn Việt Nam rất nhiều. Như vậy qua đây chúng ta thấy, với 10 đồng thu nhập thì Việt Nam tham gia buôn bán với thế giới gần 20 đồng, còn nước Mỹ thì với 10 đồng thu nhập, họ chỉ tham gia buôn bán với thế giới chưa tới 3 đồng. Nếu qua số liệu này mà nói, nền kinh tế Mỹ đóng cửa nhiều hơn Việt Nam thì không đúng, mà ta phải nói là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào thế giới quá nhiều.
Thực ra tỷ trọng xuất-nhập khẩu/GDP của Việt Nam nó không nói lên năng lực làm ăn với nước ngoài giỏi mà nó chỉ nói lên rằng, nội lực của nền kinh tế Việt Nam quá kém mà thôi. Vì sao? Vì nếu dựa vào tỷ số đó mà nói Việt Nam làm ăn với nước ngoài tốt thì chả lẽ Việt Nam làm ăn với nước ngoài tốt hơn Mỹ sao? Vì vậy, chỉ có thể là nền kinh tế quá yếu nên GDP nhỏ, đó là lý do đẩy tỷ số xuất-nhập khẩu/GDP của Việt Nam cao đến như vậy. Như ta biết, năm 2019 FDI của Việt Nam chiếm 23,5% tổng đầu tư toàn xã hội và đóng góp 20% GDP nhưng lại chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều đó chứng tỏ FDI nhỏ nhưng có võ còn những nhà đầu tư trong nước tuy to xác nhưng rất yếu. Đó là một minh chứng cho nội lực kinh tế Việt Nam yếu kém.
Một cơ thể mà máu lưu thông không tốt thì ắt cơ thể đó không thể khỏe mạnh được. Tương tự như vậy, trong một quốc gia mà vấn đề lưu thông hàng hóa không tốt thì có thể nói, nền kinh tế đó là một nền kinh tế bệnh hoạn thiếu sức sống. Như ta biết đã từ bao lâu nay, người nông dân Việt Nam thường xuyên gặp cảnh được mùa mất giá. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam thì vẫn cứ bỏ tiền ra mua những mặt hàng ấy không hề rẻ chút nào. Thậm chí người nông dân Việt thì gặp cảnh ế hàng còn người tiêu thụ thì phải mua chính loại hàng đó có xuất xứ từ Tàu Cộng, thế mới đau. Qua bức tranh như vậy, chúng ta có thể thấy rất rõ ràng rằng, giữa nơi sản xuất và nơi thiêu thụ trong chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước thì rất thường xuyên xảy ra vấn đề bị tắc nghẽn . Mà cứ mỗi lần nghẽn như vậy thì người nông dân lại phải cầu cứu xã hội giải cứu cho họ. Đấy là yếu điểm cố hữu của nền kinh tế Việt Nam. Chuyện giải cứu, chuyện nơi sản xuất thì thừa còn nơi thiêu thụ thì thiếu nó cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác mà chình quyền CS không hề tìm ra giải pháp hữu hiệu nào để chữa lành căn bệnh này. Thế thì bảo sao nền kinh tế không èo uột?
Hôm nay, ngày 8 tháng 4 trên báo Sài Gòn Giải Phóng có đăng bài “Trúng cá “khủng” nhưng giá rẻ bèo, ngư dân Quảng Ngãi chịu lỗ”. Mà như ta biết những ngày dịch cúm hoành hành thì nơi nào cũng xảy ra hiện tượng thiếu thực phẩm. Ấy vậy mà người ngư dân đánh bắt cá lên thì lại không bán được giá. Việc ứ hàng trong khi nhu cầu xã hội tăng cao là hiện tượng thường thấy ở Việt Nam. Và nay lại tái diễn. Vậy thì chúng ta phải tự hỏi, năng lực điều hành kinh tế của chính quyền CS ở đâu mà cứ để xảy ra hiện tượng như thế này hoài vậy? Và tôi tin chắc, với chính quyền CS thì họ không bao giờ khắc phục nổi hiện tượng này. Vì sao?
Để giải thích vì sao tôi cũng sẽ dẫn ra tính đặc thù của chính quyền CS. Đó là họ không cho xã hội dân sự tồn tại dưới dạng tổ chức tự lập của người dân, mà thay vào đó họ dựng lên những tổ chức “xã hội dân sự trá hình” để phục vụ ý đồ cho đảng. Hội Phụ Nữ thì ăn thuế của dân nhưng chẳng hề biết lên tiếng khi phụ nữ bị bức hại, Hội Bảo Vệ người tiêu dùng thì phục vụ các chủ doanh nghiệp lớn, Công Đoàn thì giúp cho giới chủ xưởng chống lại quyền lợi công nhân, Hội Nông Dân thì làm theo chỉ thị của đảng mà chẳng giúp được gì cho nông dân nên để họ cứ kêu cứu xã hội giải cứu cho họ vv… Mà như ta biết, nếu các hiệp hội được tự do thành lập thì chuyện tương trợ trong hội ắt sẽ xuất hiện, và chính những hội này sẽ giải quyết đầu ra cho nông dân chứ không để nông dân phải kêu cứu xã hội giải cứu như trong nhiều năm qua.
Vì sao, Nhật, Hàn, Úc, Mỹ vv… hàng hóa họ xâm nhập thế giới mạnh thế? Sao nông sản họ có thương hiệu lớn mạnh đến thế, trong khi Việt Nam vẫn như con số zero? Đó là bởi xã hội dân sự Việt Nam đã chết, và cái chết đó kéo theo sức khỏe của nền kinh tế không tốt. Và tệ hơn nó tạo ra một xã hội lạc hậu về mọi mặt, lạc hậu trong tất cả mọi ngành kinh tế, và lạc hậu trong cả tư duy. Và đó là những gì mà ĐCS đã gây ra cho đất nước, những thiệt thòi này ít ai thấy, nhưng tác hại thì rất lớn./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://www.thebalance.com/u-s-imports-and-exports-componen…
https://www.sggp.org.vn/trung-ca-khung-nhung-gia-re-beo-ngu…
Leave a Comment