Quảng Cáo

Cuộc chiến khẩu trang!

Quảng Cáo

Mạnh Kim|

“Guerre des masques” (cuộc chiến khẩu trang) – báo chí Pháp đã giật tít như vậy. Khó có thể ngờ cái khẩu trang giá chừng 1 USD trước khi xảy ra trận đại dịch nay lại đắt như tôm tươi và trở thành thứ hàng được giành giật quyết liệt giữa các nước.

Mới đây, chủ tịch hai vùng ở Pháp đã cáo buộc người Mỹ “cướp” lô khẩu trang của họ tại sân bay bằng cách trả bằng tiền mặt gấp đôi hoặc gấp ba để lô hàng được mang vào Mỹ. Renaud Muselier, chủ tịch vùng Sud; và Jean Rottner, chủ tịch vùng Grand Est, đều khẳng định lô khẩu trang của họ đã bị người Mỹ phỗng tay trên theo cách như vậy. CNN (3-4-2020) cho biết, cho đến giờ vẫn không rõ ai – đại diện liên bang, tiểu bang hay lái buôn của Mỹ – liên can vụ việc. Bộ Y tế và Dịch vụ Xã hội Hoa Kỳ đã không trả lời câu hỏi của CNN, trong khi Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp nói rằng Mỹ “không mua bất kỳ khẩu trang nào từ Trung Quốc định giao cho Pháp”.

Vụ lùm xùm liên quan Pháp chưa lắng thì lại xảy ra vụ dính dáng Đức. The Guardian (3-4-2020) đưa tin rằng, khoảng 200.000 khẩu trang N95 sản xuất bởi công ty 3M đã bất ngờ chuyển qua Mỹ khi lô hàng đang được bốc dỡ để chuyển máy bay tại Thái Lan – theo giới chức Berlin, những người đặt đơn hàng cho cảnh sát Đức. Andreas Geisel, Bộ trưởng Nội vụ bang Berlin, miêu tả việc này là “hành động cướp thời hiện đại” và đề nghị Chính phủ Đức phải yêu cầu Washington tuân thủ luật thương mại quốc tế. “Không thể đối xử với nhau giữa các đối tác xuyên Đại Tây Dương như vậy. Thậm chí ở những giai đoạn của cuộc khủng hoảng toàn cầu cũng không nên áp dụng cách cách thức miền Tây hoang dã như thế” – Andreas Geisel nói.

Phần mình, Chính phủ Mỹ đang yêu cầu 3M ngưng bán khẩu trang cho nước ngoài. Ngày 5-3, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thậm chí đích thân đến tổng hành dinh 3M tại Minnesota để kêu gọi công ty này đáp ứng nhu cầu khẩu trang đang thiếu nghiêm trọng tại Mỹ. 3M cho biết các nhà máy của họ ở South Dakota và Nebraska đang hoạt động suốt ngày đêm để tăng gấp đôi sản lượng lên gần 100 triệu khẩu trang/tháng.

Ngày 2-4-2020, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để buộc 3M cung cấp khẩu trang N95 nhiều hơn cho giới y tế Mỹ. Trước đó, ngày 21-3, Chính phủ liên bang cũng trao các gói thầu cho giới sản xuất để cung ứng khoảng 600 triệu khẩu trang N95 trong 18 tháng tới. Washington Post (2-4-2020) cho biết, tuần trước (hạ tuần tháng 3), 3M nói họ đã giao 10 triệu khẩu trang N95 cho các cơ sở y tế khắp nước Mỹ; hiện họ sản xuất 35 triệu khẩu trang N95 mỗi tháng và hy vọng có thể sản xuất 50 triệu cái/tháng vào tháng 6.

Hôm nay, 3-4-2020, 3M nói rằng Chính phủ liên bang yêu cầu họ tăng các chuyến hàng nhập cảng từ các nhà máy 3M ở nước ngoài đồng thời ngưng xuất cảng khẩu trang từ các nhà máy ở Mỹ qua thị trường Canada và Mỹ Latin. 3M cho rằng yêu cầu này cần xem lại vì với nhu cầu tăng khẩu trang toàn thế giới thì việc cung cấp khẩu trang cũng tương tự hành động mang tính nhân đạo.

Thật ra thì không chỉ Chính phủ liên bang Hoa Kỳ mới có những qui định hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế. Chính phủ nhiều nước cũng đang thực hiện tương tự. Tháng 3-2020, Chính phủ Pháp cho biết họ sẽ tịch thu tất cả khẩu trang sản xuất nội địa. Công ty Pháp Valmy SAS đã không thể chuyển đơn hàng PPE (thiết bị bảo hộ cá nhân) cho Cơ quan Y tế Quốc gia Anh quốc (vốn là khách hàng thường xuyên của họ). Đại diện công ty này tại Anh thuật với CNN rằng đơn hàng đã bị Hải quan Pháp chặn tại duyên hải Pháp… Tính đến 1-4, có đến 64 quốc gia đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu các mặt hàng liên quan y tế – theo ghi nhận của Simon Evenett, giáo sư thương mại quốc tế thuộc Đại học St. Gallen, Thụy Sĩ (New York Times 3-4-2020).

Diễn biến dịch bệnh cực nhanh khiến thế giới nói chung bỗng thiếu hụt trầm trọng thiết bị y tế nói chung và khẩu trang nói riêng. Tuy nhiên, cần nói thêm, việc thiếu khẩu trang một phần là do trước đó Trung Quốc đã vét sạch khẩu trang tại thị trường toàn cầu. Chỉ trong năm tuần từ khi trận dịch bùng nổ vào tháng 1-2020, Trung Quốc đã nhập hai tỷ khẩu trang – tương đương hai tháng rưỡi xuất lượng thế giới (New York Times 1-4-2020). Đó là chưa kể họ nhập 400 triệu thiết bị bảo hộ, từ kính bảo hộ đến trang phục phòng chống hóa sinh độc hại. Nhu cầu khẩu trang khẩn cấp đang khiến các công xưởng Trung Quốc mở máy hoạt động, kéo theo sự vào cuộc của đám lái buôn, từ lái buôn chuyên nghiệp đến lái buôn bịp. Cuối tháng 3-2020, một tên lưu manh ở Thiệu Hưng (Chiết Giang) đã bị xử 10 năm tù, tội bán “lô khẩu trang” mà các kiện hàng khi được khui ra chỉ thấy toàn cành cây!

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux