“Đường cong coronavirus” của Mỹ vẫn tăng liên tục. Hơn 245.000 ca nhiễm và hơn 6.000 ca tử vong đã được ghi nhận, tính đến sáng 3-4-2020 (giờ Washington DC). Trong khi đó, số ca nhiễm tại Trung Quốc là hơn 81.000 và số tử vong hơn 3.300. Tin nổi không?
Nổi tiếng là “trùm” nhào nặn thống kê với bề dày lịch sử thống kê bịp và tình trạng bịp thường xuyên xảy ra ngay bên trong hệ thống cầm quyền suốt nhiều năm (giữa chính quyền địa phương với chính phủ trung ương), thật khó có thể tin những gì được công bố chính thức từ Trung Quốc. Chỉ riêng tại ổ dịch Vũ Hán, với dân số hơn 11 triệu, số tử vong đã có thể cao hơn nhiều tổng số tử vong toàn quốc của Trung Quốc. Ngay từ khi trận dịch bùng lên dữ dội vào tháng 2, đã có nhiều ca tử vong vì coronavirus trước khi được xét nghiệm hoặc trước khi được đưa vào bệnh viện, tại nhiều nơi chứ không chỉ Vũ Hán.
Mạng xã hội Trung Quốc thời điểm đó xuất hiện nhiều thông tin liên quan những cái chết “không rõ lý do”; và trong khi báo chí và mạng xã hội Mỹ đầy ngập thông tin về mọi góc độ liên quan trận dịch thì những ca thán hoặc thắc mắc liên quan đến các vụ tử vong “bí hiểm” ở Trung Quốc đã được lập tức dập tắt khẩn cấp như thể dập cháy rừng. Cần nhấn mạnh, ngay cả khi chưa xảy ra trận dịch, mỗi tháng đã có vài ngàn người chết tại Vũ Hán. Từ tháng 1 đến tháng 3-2019, các lò hỏa táng Vũ Hán đã thiêu 14.700 thi thể – theo số liệu chính thức công bố trên mạng. Trong khi đó, chính quyền Vũ Hán cho biết số tử vong vì coronavirus tại địa phương mình chỉ hơn 2.500 người. Căn cứ vào mức độ “giết chóc” của coronavirus tại Ý (hơn 13.900 ca tử vong – tính đến thời điểm này) hay Tây Ban Nha (hơn 10.900), khó có thể tin con số tử vong tại Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung chỉ “khiêm tốn” như vậy.
Vấn đề ở chỗ gần như không ai có thể kiểm tra được số liệu Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan gần như duy nhất có thể yêu cầu Trung Quốc cung cấp và công bố những gì dư luận nghi ngờ, lại tỏ ra “hợp tác tốt” với Bắc Kinh và thậm chí trong nhiều trường hợp đã “nói đỡ” giùm Bắc Kinh để xua đi những nghi vấn được đặt ra đối với thống kê từ Trung Quốc. Một nghiên cứu của sáu khoa học gia thuộc Đại học Hong Kong cho biết có đến 232.000 người tại Trung Quốc bị nhiễm coronavirus vào trước ngày 20-2-2020, chứ không phải 75.000 ca như Bắc Kinh loan bố (Time 1-4-2020). Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, không biết do điều chỉnh cho “phù hợp thực tế” hay cố tình tạo ra sự loạn nhiễu, đã lần lượt đưa ra đến 7 cách giải thích khác nhau từ tháng 1 đến đầu tháng 3 để “hướng dẫn” giới chức y tế nước mình định nghĩa như thế nào là nhiễm bệnh. Cuối tháng 3, Trung Quốc lại tung ra “định nghĩa” thứ tám!
Ngày 19-3-2020 được xem là cột mốc “thành công” của cuộc chiến chống dịch bệnh tại Trung Quốc: đó là ngày mà toàn Trung Quốc ghi nhận không có ca nhiễm mới. Tuy nhiên, một thông báo công cộng được giới chức địa phương bên ngoài cộng đồng Vũ Hán cho biết có một ca mới nhiễm. Bức ảnh chụp thông báo lan truyền lập tức trên mạng xã hội. Viên bí thư đảng ủy địa phương, Đào Chính Thái (Tao Zhengtai), xác nhận giới chức địa phương có đăng thông báo trên, nhưng sau đó, ngày 29-3, Đào nói với Tân Hoa Xã rằng đó là một sơ xuất, rằng có một ông 63 tuổi tên “Trương” (Zhang) ở quận Kiều Khẩu (Vũ Hán) được xét nghiệm dương tính dù không có triệu chứng và vì “ông Trương không có triệu chứng nên không được tính là một ca được xác định nhiễm”. Lúc thì không có triệu chứng không được tính là nhiễm, khi lại được xem là nhiễm, cho thấy cái cách “thiên biến vạn hóa” trong việc làm thống kê của Trung Quốc. Cho đến nay, số ca nhiễm không có triệu chứng vẫn là “thông tin mật” tại Trung Quốc mà đó chính là mầm nguồn của 30-60% tất cả ca nhiễm tại nước này.
Phóng viên Time đã trực tiếp phỏng vấn nhiều cư dân bị bệnh lẫn thân nhân những nạn nhân coronavirus mà tên tuổi họ chưa bao giờ được đưa vào hồ sơ chính thức. Còn có vô số trường hợp nạn nhân bị ngã gục ngoài đường hoặc những thi thể được đặt trước cổng các chung cư mà hồi tháng 2 được đăng đầy trên mạng xã hội Trung Quốc. Trong khi đó, chỉ những người chết sau khi được chẩn đoán nhiễm coronavirus thì mới được đưa vào hồ sơ y tế chính thức. Một cư dân Vũ Hán thuật với Time rằng có nhiều trường hợp bị từ chối nhập viện sau đó chết tại nhà nhưng báo cáo chính thức chỉ ghi nhận vài trăm ca vào thời điểm đó (Tết âm lịch). “Tôi chẳng tin. Phải nói là hơn 10 lần như vậy” – đương sự nói với Time.
Một bài báo RFA (27-3, bản Anh ngữ) cho biết, giới chức Vũ Hán đã “hỗ trợ” gia đình có người thân tử vong bởi coronavirus 3.000 tệ (khoảng 423 USD), với yêu cầu họ giữ im lặng. Cùng lúc, cư dân cũng được yêu cầu chỉ mang tro cốt về nhà và không được tổ chức tang lễ khóc lóc ồn ào. Bắc Kinh rất sợ “ồn ào”. Cái chết của Lý Văn Lượng là cái chết từ sự “bưng bít ồn ào”. Đến giờ Trung Quốc vẫn sợ “ồn ào”. RFA (30-3, bản Anh ngữ) cho biết, bác sĩ Ngãi Phân (Ai Fen), giám đốc Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã “mất tích”. Ngãi Phân là một trong những người đầu tiên bày tỏ lo lắng về hiểm họa trận dịch khi chia sẻ một kết quả khám nghiệm với các đồng nghiệp trên WeChat ngày 30-12-2019. Đến giờ, tung tích nhà báo công dân Trần Thu Thực vẫn biệt vô âm tín.
Cách đây vài ngày, báo chí Trung Quốc lẫn phương Tây cho biết Vũ Hán bắt đầu từng bước trở lại sinh hoạt bình thường dù việc kiểm soát dịch bệnh vẫn còn gay gắt – hình ảnh trái ngược với không khí căng thẳng mỗi ngày một tăng đang bao trùm các thành phố phương Tây. Trận dịch càng tấn công mạnh vào các nước phương Tây càng cho thấy sự khác biệt dữ dội giữa hai bức tranh đen-trắng về thông tin. Không có bác sĩ phương Tây nào bị bịt miệng, không nhà báo nào bị bỏ tù, không có “nhật ký” nào lén lút tuồn lên mạng như “nhật ký từ Vũ Hán” của nhà văn Phương Phương ở Trung Quốc. Đó là lý do tại sao “đường cong coronavirus” tại Mỹ nói riêng và các nước phương Tây chưa dừng lại. Giới chức chính quyền lẫn y tế phương Tây nhìn “đường cong” để biết họ cần làm gì để “làm phẳng” nó. Điều đó rất khác với cách “làm phẳng đường cong” mà Trung Quốc đang làm./.
Leave a Comment