Độc đảng nói cho cùng là độc quyền chính trị, kinh tế bao cấp nói chung đó là nhà nước độc quyền kinh tế. Từ cổ chí kim chưa có một chế độ chính trị nào mà nắm độc quyền cả chính trị lẫn kinh tế như vậy. Thời Phong kiến, mô hình của nó chỉ là độc quyền chính trị nhưng về kinh tế nó vẫn mở cho tư nhân có đất sống. Chính vì thế mà vào thời đó cũng đã tồn tại giới địa chủ, giới thương nhân, họ sống rất thoải mái mà không sợ nhà nước cướp giết họ. Ấy vậy mà đến thời đảng Cộng Sản cầm quyền, họ lại tìm cách loại bỏ giới này. Như vậy thì câu hỏi đặt ra là, giữa mô hình Xã Hội Chủ Nghĩa của Cộng Sản và phong kiến thì mô hình nào tiến bộ hơn? Câu trả lời là Phong kiến.
Độc quyền chính trị tức là toàn bộ bộ máy nhà nước nằm trong tay một tổ chức chính trị duy nhất. Bất kỳ một xu hướng chính trị nào khác cũng đều bị truy giết tới cùng. Thời phong kiến, nhóm nắm độc quyền chính trị là Hoàng Gia, còn ngày nay, ở Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên và Cuba thì đó là Đảng Cộng Sản. Như vậy xét về khía cạnh chính trị thì mô hình nhà nước “Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa” ấy nó có xuất phát điểm ở đâu? Xin thưa, xuất phát điểm của nó chỉ ngang bằng với mô hình nhà nước Phong Kiến mà thôi, chính vì thế mà người ta gọi nói là “Nhà nước Phong Kiến trá hình” cũng không sai.
Từ khi nền dân chủ nảy nở ở Tây Âu và Bắc Mỹ thì nó đã tạo nên những môi trường đa nguyên chính trị, tức chấp nhận sự khác biệt về tư tưởng chính trị,sự chấp nhận cạnh tranh, chấp nhận chỉ trích để thay đổi và phát triển chứ không bao giờ họ dùng đến cây súng và nhà tù để loại bỏ nhau. Từ đó, từ môi trường đa nguyên chính trị đó mà hình thành nên mô hình nhà nước có nhiều đảng tham gia. Có thể nói, đây là mô hình chính trị tiến bộ nhất chứ không phải là mô hình Xã Hội Chủ Nghĩa hay Cộng Sản Chủ Nghĩa mà người Cộng Sản hay hô hào. Xã Hội Chủ Nghĩa chính là phong kiến trá hình còn Cộng Sản Chủ Nghĩa thì hoang tưởng.
Nếu nói dân chủ là đa nguyên chính trị và độc tài Cộng Sản là đơn nguyên chính trị thì trong kinh tế cũng vậy, dân chủ có nền kinh tế đa thành phần còn mô hình kinh tế của Cộng Sản chỉ là kinh tế đơn thành phần, hay nói đúng hơn là độc nhất một thành phần duy nhất là ĐCS đóng vai trò là địa chủ. Ngày nay vấn đề độc quyền nhà nước vẫn tồn tại, nhưng cái độc quyền hôm nay hoàn toàn khác độc quyền thời bao cấp rất nhiều. Thời bao cấp thì nhà nước độc quyền toàn bộ mọi ngành nghề còn hôm nay, nhà nước chỉ độc quyền một số ngành nghề mà thôi.
Cũng tương tự như độc quyền chính trị, thì để thiết lập vị thế địa chủ độc nhất của mình, ĐCS cũng phải dùng họng súng và nhà tù để loại bỏ thành phần kinh tế tư nhân bằng mọi giá. Chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất do ông Hồ Chí Minh phát động từ năm 1953 đến năm 1956 là một ví dụ. Lúc đó, ông Hồ đã dùng biện pháp liên hoàn “tố – cướp – giết” để hành quyết 172 ngàn nạn nhân cho đến chết sau khi đã làm nhục họ bằng hình thức đấu tố và cướp hết tài sản của họ. Hoặc sau 1975, ĐCS cũng dùng biện pháp liên hoàn khác là “tố – cướp –đày” để loại bỏ nền kinh tế tư nhân. Tố người ta là tư sản, xong tịch biên toàn bộ tài sản rồi đẩy họ đi đày (mà họ dùng từ mỹ niều là “đi kinh tế mới”). Như vậy chúng ta thấy, trong quá trình biến mình thành địa chủ duy nhất của đất nước thì ĐCS đã vung tay phá hoại khủng khiếp vào tiềm lực kinh tế đất nước, và tàn phá cả trí lực nhân dân nữa. Đó chính là nguyên nhân chính làm cho nền kinh tế đất nước phải kiệt quệ, toàn dân phải ăn bo bo hoặc khoai mì thay cơm.
“Tố – cướp – giết” hay “tố-giết-đày” là công cụ loại bỏ nền kinh tế đa thành phần lập nên kinh tế bao cấp. Và tất nhiên, sau khi lập nên nền kinh tế bao cấp xong thì ĐCS lại dùng biện pháp khác để “làm cỏ” những mầm móng kinh tế tư nhân trổi dậy. Đó là biện pháp gì? Xin thưa, đó là biện pháp “ngăn sông cấm chợ”. Ngày đó, nếu bạn làm thịt một con gà, hay câu một con cá mang đi nơi khác bán chắc chắn bạn sẽ bị chính quyền chặn bắt, tịch thu hiện vật và phạt. Đấy là một thời kỳ kinh hoàng. Như vậy xét về khía cạnh kinh tế, mô hình Xã Hội Chủ Nghĩa nó ở điểm xuất phát còn thấp hơn cả kinh tế thời phong kiến. Vì sao? Vì Phong kiến tuy không khuyến khích kinh tế đa thành phần phát triển nhưng họ cũng không tận diệt cá nhân biết làm kinh tế như Cộng Sản. Có thể nói, mỗi khi nhắc đến cụm từ Cải Cách Ruộng Đất, Đánh Tư Sản Mại Bản, Ngăn Sông Cấm Chợ, Hợp Tác Xã thì luôn làm cho người dân Việt Nam đã từng trải qua thời đó cảm thấy kinh hoàng.
Được biết ngày 31 tháng 3, khi Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị bắt đầu ngày 1 tháng 4 cách li toàn xã hội thì dường như cái gene đã ăn vào máu, một số chính quyền cấp huyện, xã ở tỉnh Quảng Ninh đã cho đổ đất chặn đường để ngăn sông cấm chợ. Chính vì thế mà hôm nay ông Bộ Trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ đã lên báo đính chính. Điều này cho thấy, chính quyền CS cũng hiểu rằng, những gì mà họ đã làm trong quá khứ sẽ không được phép lặp lại nữa, nếu lặp lại thì chắc chắn nó sẽ không có lợi cho ĐCS. Nếu sau này Trần Quốc Vượng lên lãnh đạo ĐCS và đưa đất nước về đúng nguyên bản mô hình tế XHCN của Mác và Lê thì chắc chắn, ĐCS Việt Nam sẽ sụp đổ nhanh chóng. Mong rằng, ông Trần Quốc Vượng nói là làm để cho dân nhờ./.
Leave a Comment