Chưa cần đến chỉ thị ngày 31/3 với thuật ngữ mơ hồ “cách ly xã hội” của Thủ tướng, rất nhiều hoạt động đã bị đình trệ từ nhiều ngày qua ở Việt Nam, và hứa hẹn sẽ còn kéo dài một thời gian khá lâu nữa.
Một cuộc khủng hoảng kinh tế quy mô lớn đang dần hiện ra trước mắt người dân Việt Nam, đi liền với đó là nỗi lo lắng đang dần thế chỗ niềm hân hoan “ngạo nghễ” với thành tích chống dịch của đất nước.
Như trong mọi cuộc khủng hoảng, những người nghèo và yếu thế luôn chịu ảnh hưởng lớn nhất. Dẫu chính phủ của ông Nguyễn Phúc Xuân vẫn thường trực khẩu hiệu “không ai bị bỏ lại phía sau”* và cũng đang chuẩn bị cho phương án hỗ trợ người nghèo, người bị mất việc (500 nghìn VND đến 1,8 triệu VND/người/tháng) song mức hỗ trợ quá thấp như thế này chưa thể đảm bảo cho người nghèo và yếu thế vượt qua được thử thách sinh tồn trong mùa dịch.
Cũng chính trong tình cảnh thế này, cảm nhận về khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam, đặc biệt là giữa tầng lớp quan chức cùng thân hữu siêu giàu với dân đen chạy ăn từng bữa, sẽ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Nhiều người dân sẽ phải từng ngày vật lộn tìm miếng ăn vào mồm, cạnh những biệt phủ xa hoa của quan chức.
Tình trạng này nếu kéo dài chắc chắn sẽ đưa Việt Nam đến bất ổn xã hội với một số đông người dân đòi hỏi chính quyền phải đảm bảo những nhu cầu thiết yếu cuộc sống cho họ nếu muốn kéo dài tình trạng đình trệ xã hội bất khả kháng.
Thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu này với lý do thiếu nguồn lực, chính quyền sẽ còn phải vất vả hơn nhiều nếu người dân hiểu ra rằng nguyên nhân cạn kiệt nguồn lực quốc gia chính là bởi tình trạng tham nhũng đã ung nhọt hàng thập kỷ qua. Sẽ ra sao nếu đám đông cuồng nộ này chuyển sự chú ý của họ vào các quan chức đang sống trong các biệt phủ xa hoa – vốn nhan nhản từ thôn quê cho tới thành thị?
Công cuộc đốt lò mà TBT Nguyễn Phú Trọng theo đuổi có thể sẽ có thêm một đồng minh là đám đông công chúng đang đòi hỏi lẽ công bằng trong tình cảnh khủng hoảng.
Chỉ có điều, đây là một đồng minh hoàn toàn không dễ kiểm soát và có thể lèo lái công cuộc chống tham nhũng theo một hướng mà chính những người khởi xướng còn không lường trước được.
—
* “Không ai bị bỏ lại phía sau” (No one left behind) là một trong các nguyên tắc của Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals, viết tắt là SDGs) – một chương trình nghị sự toàn cầu được Liên Hiệp Quốc đề ra vào 2015 với tầm nhìn đến 2030.
Leave a Comment