- nguyentuongthuy’s blog – RFA
Đã một tuần trôi qua, tôi vẫn còn ám ảnh bởi văn bản có nội dung “hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễn virus covit -19 có thể tử vong”, mặc dù văn bản đã bị thu hồi.
Đó là văn bản số 2285/STNMT-CTR do Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ ký ngày 26/3/2020.
Ngay sau đó, văn bản này lan truyền trên mạng, gây xôn xao dư luận. Ý kiến chung trong dư luận có mấy luồng: cho là văn bản giả, cho là lỗi đánh máy và phản đối việc hỏa thiêu người bệnh chưa chết.
Sau khi công văn bị thu hồi thì khả năng văn bản giả bị loại trừ, đó là văn bản thật.
Có mấy động thái vãn hồi dư luận xung quanh văn bản này như sau:
– Ngay hôm sau, 27/3, Sở TN&MT TP HCM ra văn bản thu hồi số 2319/STNMT-CTR do chính bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ ký. Văn bản chỉ có một nội dung “Nay Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi văn bản trên” mà không giải thích gì thêm.
– Nhận trách nhiệm tại cuộc họp báo chiều 28/3 tại Trung tâm báo chí TPHCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP HCM cũng chỉ cho rằng văn bản 2285 “có nội dung không phù hợp”, “không rõ ràng”, “gây ảnh hưởng đến người dân”.
– Tại văn bản số 2537/VP-TH của Văn phòng UBND Tp HCM ký ngày 29/3 cho rằng văn bản 2285 đã “gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch”, “tạo ra tâm lý hoang mang” trong nhân dân.
Như vậy, trong hai văn bản và một cuộc họp báo về công văn 2285, không có nội dung nào cho rằng công văn 2285 đã sai trái như thế nào, không thấy khẳng định không có chủ trương hỏa táng người chưa chết, hoặc Sở TN&MT TP HCM chủ trương như thế là sai trái.
Đây là sự việc hết sức nghiêm trọng, tuy nhiên, việc cải chính lại rất đơn giản nhẹ nhàng, không có gì gay gắt.
*
Vậy tại sao lại có công văn này? Hãy phân tích một số nguyên nhân đã đặt ra:
– Về đánh máy: Lỗi đánh máy chỉ có thể xảy ra khi gõ nhầm ký tự nọ sang ký tự kia, chứ không có chuyện nhầm từ “đã” (tử vong) sang từ “có thể”. Nhìn văn bản 2285 thì thấy không có lỗi đánh máy nào. Nếu soi kỹ thì văn bản có nhầm từ covid thành covit mà thôi, không liên quan đến nội dung hỏa thiêu. Như vậy, lỗi đánh máy bị loại trừ.
– Việc cho là văn bản 2285 “không rõ ràng” là không đúng. Văn bản không gây nên cách hiểu khác nhau. Đọc đúng văn phạm thì rõ ràng là mệnh đề “đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễn virus covit -19 có thể tử vong” không hề tối nghĩa và người đọc chỉ có một cách hiểu. Cho nên, nói văn bản không rõ ràng là không đúng.
– Cho rằng văn bản “có nội dung không phù hợp” là không phù hợp với cái gì? Không phù hợp với chủ trương? Không phù hợp với tình hình dịch bệnh? Không phù hợp với đạo lý truyền thống?
– Cuối cùng là văn bản ít nhất liên quan đến 3 người: người thảo, người ký nháy và người ký chính thức. Hẳn tất cả đều có trình độ đại học, có thể có cả thạc sĩ, tiến sĩ. Thế mà để xảy ra chuyện tày trời như thế là sao? Thật là vô cùng khó hiểu.
*
Điều rất nguy hiểm là công văn 2285 ra đời trong bối cảnh có những thông tin về việc thiêu người còn sống ở Vũ Hán, trong khi xưa nay có nhiều cách làm ở Việt Nam áp dụng kinh nghiệm của Trung Quốc, do mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước khiến người dân lo sợ.
Trước nay, thường có những chủ trương hoặc thông tin bí mật mà người ta chỉ phổ biến đến một cấp nào đó chứ không viết thành văn bản. Rồi từ những cấp ấy, thông tin dần dần lộ ra. Nó nằm trong mớ “thông tin vỉa hè”, được đúc kết thành câu tục ngữ “dân đồn không chồn thì cáo”
Bản thân tôi từng được phổ biến nhiều thông tin hay chủ trương và cũng được nghe nói lại nhiều thông tin, chủ trương kiểu ấy. Và tôi đã kiểm nghiệm rất nhiều thông tin có cơ sở.
Tôi chỉ đưa ra một ví dụ mà ai cũng biết về đợt đổi tiền năm 1985. Trước tin đồn đổi tiền lan rộng trong nhân dân, nhà nước phải lên tiếng cải chính rằng không có chuyện đổi tiền. Thế nhưng vừa cải chính hôm trước thì hôm sau 14/9/1985, việc đổi tiền được tiến hành khắp cả nước. Ai cũng biết, đổi tiền là việc hết sức bí mật, chỉ rất ít người được biết, thế mà chỉ vài ngày đã lan ra toàn dân.
Đấy là tin đồn. Còn đây là văn bản có câu cú chữ nghĩa rõ ràng của Sở TN&MT TP HCM. Mặc dù văn bản đã thu hồi nhưng dư luận không thể không băn khoăn rằng liệu có chủ trương “hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễn virus covit -19 có thể tử vong” mà Sở TN&MT TP HCM vô tình tiết lộ?
Ghi chú của CTMM: Chữ “nhiễn” trong tựa bài và trong thân bài là viết sai, đáng lẽ phải là “nhiễm”, nhưng chắc tác giả bài viết này cố ý để nguyên văn vì trong văn bản của Bộ T&MT viết như vậy.
Leave a Comment