Quốc Hội và Hành Pháp Hoa Kỳ thông qua một gói cứu trợ khẩn cấp 2 ngàn tỷ USD (10% GDP Mỹ) vào tuần rồi. Cộng thêm vào các biện pháp cấp thời của Ngân Hàng Trung Ương nhằm ổn định thị trường USD thì tổng số đã lên đến 4 ngàn tỷ USD kể từ ngày dịch Vũ Hán bùng phát hồi đầu tháng 03/2020.
Câu hỏi đầu tiên là tiền đâu khi Mỹ đang gánh nợ như chúa chổm chớ không phải rủng rỉnh dư thừa tiền bạc? Câu trả lời – mà người viết thú thật không biết cách nào giải thích trọn vẹn cho nghịch lý này – nơi Hoa Kỳ là nước duy nhất phát hành nợ rồi lại in tiền thu mua nợ, vậy mà thế giới không ai chê đô-la Mỹ.
Nếu nhà nước Việt Nam in tiền thì dân chúng sẽ “chê” VND khiến đồng bạc mất giá và lạm phát tăng nhanh. Trái lại Hoa Kỳ từ 2008 đến nay in thêm không biết bao nhiêu ngàn tỷ USD thế mà đô-la Mỹ lại lên giá, lạm phát trong nước tiếp tục dưới ngưỡng 2% trong khi lãi xuất nợ công xuống gần 0% tức là thế giới năng nỉ cho Hoa Kỳ vay nợ không lấy lời! Nói cách khác chẳng ai chê đô-la Mỹ.
Nợ công của Mỹ được xem là nơi dự trữ tiền an toàn nhất thế giới, lý do thường được mang ra giải thích vì chính phủ Hoa Kỳ có quyền tăng thuế để trả nợ. Nhưng năm nào nhà nước Mỹ dù thu thuế mà vẫn lạm chi (deficit) thì đừng nói gì đến trả nợ! Chính quyền có quyền tăng thuế nhưng lãi xuất thấp gần 0% tức là thế giới sẵn sàng cho mượn tiền không lời để tiêu xài và thúc đẩy kinh tế dại gì không mượn?
Quốc Hội và Hành Pháp tung gói cứu trợ 2 ngàn tỷ USD tức là nhà nước Mỹ sẽ mượn thêm 2 ngàn tỷ USD nợ. Ai sẽ cho vay 2 ngàn tỷ USD nợ này? Trước đây Trung Quốc và các nước Đông Nam Á thặng dự nhờ xuất cảng, Trung Đông và Nga nhờ bán dầu hỏa nhưng nay các nguồn cầu đều cạn kiệt còn ai có tiền mua nợ công? Nếu ít người mua thì lãi xuất nợ công Hoa Kỳ lẽ ra phải tăng nhưng ngược lại không tăng tức là vẫn còn người cho vay nợ, phần khác do Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ sẵn sàng mua lại nợ công khi các nhà đầu tư cần bán; nói cách khác tay trái phát hành nợ trong khi tay phải in tiền thu mua nợ làm ảo thuật bơm 2 ngàn tỷ USD vào kinh tế nhưng đô-la không hề mất giá.
Ai không muốn USD thì có thể đổi sang dùng Euro, Yen hay tiền Thụy Sĩ. Nhưng lưu lượng của Yen và tiền Thụy Sĩ quá ít để đáp ứng nhu cầu thương mại toàn cầu. Còn lại đồng Euro chưa biết khi nào sụp đổ giả sử Ý và Tây Ban Nha vỡ nợ vì dịch Vũ Hán. Đổi sang dùng đồng Nhân Dân Tệ (NDT) thì phải chịu sự giám sát mờ ám của đảng Cộng Sản Trung Quốc trong lúc chính Bắc Kinh cũng e mất kiểm soát một khi vai trò của NDT tăng quá nhanh trên thị trường quốc tế. Rốt cục trong đám mù kẻ chột làm vua, Mỹ in tiền rải ngập toàn cầu vậy mà thế giới vẫn đòi có thêm đô-la (liquidity problem) để tích trữ hay dùng trao đổi hàng hóa.
Dù vậy phù phép USD cũng không thể kéo dài mãi mãi dưới ánh sáng mặt trời. Một ngày nào đó thế giới sẽ bừng tỉnh nhận ra rằng đô-la Mỹ chỉ là tiền hơi lúc đó sự thống trị của USD chấm dứt và kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ (post American world) bắt đầu. Nước Mỹ sẽ rơi vào lạm phát phi mã (hyper-inflation) hay lạm phát trong khi thất nghiệp cao (stagflation). Chỉ có điều rất nhiều chuyên viên từng tiên đoán việc này hàng chục năm trước đây nhưng đều sai trật vì USD ngày càng mạnh, cho nên người viết cũng không dám đoán trước do sợ bị lầm lẫn. Giả sử trong trường hợp xấu nhất độc vật Vũ Hán khiến thất nghiệp tại Mỹ tăng lên 20-30% giống như Đại Khủng Hoảng 1929 thì Hoa Kỳ có còn là nơi an toàn nhất để gởi tiền hay không? Tuy nhiên ảnh hưởng dây chuyền sẽ lại tác động ngược đến Trung Quốc, Âu Châu, Nhật và các nước Đông Nam Á thì biết đâu được trong đám mù anh chột vẫn làm vua?
Thử xem con tạo xoay vần đến đâu. Có điều nơi đây khác với vần thơ vì là bi kịch hiện thực trả giá bằng hàng triệu công ăn việc làm bị đánh mất với bao nhiêu mảnh đời đổ vỡ./.
Leave a Comment