Bản chất ẩn bên trong những số liệu

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Ngày 28/03/2020 trên tờ Thanh Niên có đăng bài “Nông dân hưởng lợi bao nhiêu từ giá xuất khẩu gạo?” của tác giả Tô Văn Trường. Bài báo này nói chung là ủng hộ xuất khẩu gạo. Nhưng đọc qua tôi thấy có một số liệu mà theo tôi cho là rất quan trọng, số liệu này nếu phân tích kỹ thì bản thân nó sẽ tố cáo chủ trương cho xuất khẩu gạo là một quyết định vô cùng mạo hiểm.

Được biết năm 2018, một năm được mùa thì Việt Nam sản xuất được 28 triệu tấn gạo và đã xuất khẩu 6,5 triệu tấn chiếm 23%. Như vậy từ đây chúng ta có thể thấy nhu cầu gạo tiêu thụ trong 1 năm của 97 triệu dân Việt Nam là 21,5 triệu tấn, tính ra mỗi tháng toàn dân cần 1,8 triệu tấn gạo. Vậy thì, nếu căn cứ theo số liệu năm được mùa mà để tích trữ nhu cầu lương thực cho toàn dân trong 1 năm, thì đất nước cần phải ngưng xuất khẩu 4 năm 4 tháng mới đủ. Đây là con số được phân tích từ số liệu trong bài viết đó.

Bài báo cũng cho biết “Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân báo cáo tại buổi làm việc ngày 26.3, tổng lượng tồn kho đạt 1.574.139 tấn gạo các loại. Trong đó, lượng gạo tồn kho trong hội viên là 1.507.363 tấn, lượng gạo tồn kho ngoài hội viên là 66.776 tấn”. Đấy là tất cả lượng gạo tồn kho có hiện nay. Như vậy câu hỏi đặt ra là với gần 1,6 triệu tấn gạo tồn kho đó sẽ đủ cho toàn dân dùng trong bao lâu? Xin thưa chưa đủ cho toàn dân sử dụng trong 1 tháng. Thế mà ông viết bài này còn cho biết mỗi tháng có thể xuất khẩu nửa triệu tấn vẫn đảm bảo an ninh lương thực? Không biết ông này căn cứ vào đâu để nói xuất khẩu mỗi tháng đến nửa triệu tấn mà vẫn đảm bảo “an ninh lương thực” nhỉ? Ông có biết mỗi tháng xuất nửa triệu tấn thì 1 năm xuất được 6 triệu tấn bằng 92% so với năm được mùa 2018 không? Đồng Bằng Sông Cửu Long hạn hán mất mùa, mặn xâm nhập kéo theo hậu quả mất mùa kéo dài cho dù hạn hán có qua đi, đồng thời hiện nay dịch bệnh mỗi ngày càng nghiêm trọng và cơn đại dịch kéo dài trong bao lâu không ai có thể tính được, vậy mà vét gạo xuất khẩu gần bằng năm được mùa mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực là đảm bảo thế nào đây?

- Quảng Cáo -

Cứ cho là kho dự trữ quốc gia luôn dự trữ gạo trong những năm không có rủi ro thiên tai dịch bệnh một lượng A nào đó, thì khi thiên tai và dịch bệnh xảy ra nhà nước phải tăng thêm dự trữ để phòng rủi ro chứ? Nếu nhà nước cho vào kho thêm một lượng gạo bằng nửa năm tiêu thụ của toàn dân thôi, tức khoảng 11 triệu tấn, thì rõ ràng việc cần làm là phải phải ngưng đến 22 tháng xuất khẩu kia mà? Vậy thì cớ sao trong lúc dù có vét hết gạo thừa cũng không đủ cho dân tiêu thụ 1 tháng mà lại có thể mang gạo xuất khẩu cứu đói cho “bạn vàng” mà còn phán như thánh là “vẫn đảm bảo an ninh lương thực” nhỉ?

Có ai từng xem bộ phim cowboy nổi tiếng có tên “The Good, The Bad and The Ugly” (Thiện, Ác, tà) không? Tuco (The Bad) bắt được Blondie (The Good) và buộc anh này phải băng qua một sa mạc. Mục đích của Tuco là muốn hành hạ Blondie phải chết dần chết mòn vì khát nước rồi sau đó sẽ bắn bỏ nạn nhân. Khi Tuco chuẩn bị bắn Blondie thì có một xe ngựa chạy qua, bên trong là một số binh sĩ đã chết và một Bill Carson – người đang nắm bí mật kho báu cũng đang sắp chết. Bill Carson hứa với Tuco một kho báu trị giá 200.000 đô la bằng vàng được chôn cất trong một ngôi mộ ở Nghĩa trang Sad Hill nếu Tuco cho anh ta ngụm nước. Tuco vội vã đi lấy nước và trở về thì Bill Carson đã chết và Blondie đang nằm gục bên cạnh và cũng sắp chết vì khát. May mắn cho Blondie là trước khi chết, Bill Carson đã tiết lộ địa chỉ kho báu cho nên Tuco không thể giết anh ta được. Trong lúc sắp chết vì khát, Blondie ra giá với Tuco sẽ chia lại nửa kho báu ấy để đổi lấy ngụm nước.

Vâng! Đó là bài học cho những ai đang trong tình huống nguy khốn. Khi sắp chết thì một giọt nước cũng đáng giá một kho báu. Khi hạn hán hoành hành và dịch bệnh tấn công và không biết bao lâu kết thúc thì có ai định giá được lúa gạo có giá bao nhiêu là được giá, và giá bao nhiêu là không được giá? Nếu giữa sa mạc khô hạn và mà bạn đang trong cơn khát nhưng lại đang còn một ngụm nước dự trữ. Nếu bạn bán ngụm nước duy nhất ấy để lấy 1.000 đô thì cái giá mua bán đó được xác định mà đắt hay rẻ? Nếu so với giá thị trường thì rất đắt, nhưng bạn nên biết, ngụm nước lúc đó nó mang cả sinh mạng của bạn. Nếu thấy nước được giá mà bán, thì chính bạn đã bán sinh mạng của mình chỉ với giá 1.000 đô thôi. Quá rẻ! Hôm nay đã có số liệu, chúng ta hãy nhìn cách làm của Bộ Công Thương thử xem? Họ định giá gạo Việt trong lúc này thế nào? Phần trả lời dành cho mỗi người./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:
https://thanhnien.vn/…/nong-dan-huong-loi-bao-nhieu-tu-gia-…

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here